Môi trường sạch, đẹp góp phần phát triển bền vững

Xác định vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ở khu vực đô thị, ven biển và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường tại khu vực biển Bình Sơn (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường tại khu vực biển Bình Sơn (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Ninh Thuận có hơn 105km đường bờ biển, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa cao cùng với sự gia tăng hoạt động sản xuất và du lịch trở thành áp lực đối với môi trường nhiều vùng ven biển. Điển hình như bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), từng là một trong những “điểm nóng” phải hứng chịu lượng rác rất lớn từ hoạt động sản xuất nuôi trồng hải sản và du lịch.

Nhằm bảo vệ môi trường biển và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai một loạt các giải pháp cụ thể như: ban hành quy chế bảo vệ môi trường biển; lắp lưới chắn rác tại bãi tắm để ngăn rác từ ngoài biển trôi dạt vào bờ; lắp đặt hàng chục thùng rác dọc bờ biển cùng các khẩu hiệu tuyên truyền giúp người dân, du khách tắm biển có chỗ bỏ rác thuận tiện. Tỉnh giao Công ty rác Nam Thành thu gom rác, sử dụng xe sàng rác chuyên dụng trên bãi biển và tàu chạy vớt rác ở trên mặt nước để đưa rác vào bờ xử lý; trồng thêm cây xanh dọc bãi biển. Nhờ những nỗ lực này, môi trường khu vực ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng sạch đẹp hơn.

Tình nguyện viên tham gia dọn rác, làm sạch bãi biển trên địa bàn huyện Ninh Hải.

Tình nguyện viên tham gia dọn rác, làm sạch bãi biển trên địa bàn huyện Ninh Hải.

Để nâng cao chất lượng môi trường sống, cải tạo cảnh quan đô thị, tỉnh Ninh Thuận triển khai dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm" trên địa bàn 15 phường và 1 xã của thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư 97,9 triệu USD (tương đương 2.253 tỷ đồng); trong đó vốn ODA là 69,5 triệu USD (1.599 tỷ đồng), vốn đối ứng 28,4 triệu USD (653,5 tỷ đồng). Dự án có tổng cộng 48 gói thầu được triển khai từ năm 2017 và đóng dự án vào ngày 30/6 vừa qua như cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án xây dựng Hồ điều hòa trung tâm tại phường Mỹ Bình (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan khu vực.

Dự án xây dựng Hồ điều hòa trung tâm tại phường Mỹ Bình (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan khu vực.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Dự án mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, đặc biệt là về xử lý ngập úng, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Trong đó, công trình nhà máy xử lý nước thải hiện đại của Dự án với công suất 7.500m3/ngày/đêm đi vào hoạt động giúp nâng cao năng lực xử lý nước thải thành phố. Dự án cũng hoàn thiện các tuyến đường, hệ thống tuyến kênh được trồng cây xanh, hoa, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tạo thành các tuyến kênh kiểu mẫu, điển hình.

Bên cạnh việc đầu tư vào các hạng mục xây dựng, Dự án còn chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Nhờ đó, người dân dần thay đổi thói quen và hành vi, chung tay gìn giữ môi trường sống.

Công nhân chăm sóc cây xanh tại khu vực Hồ điều hòa trung tâm (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Công nhân chăm sóc cây xanh tại khu vực Hồ điều hòa trung tâm (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Xác định bảo vệ môi trường là chìa khóa phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trước mắt và xây dựng các kế hoạch dài hơi. Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2025 - 2027, tỉnh cần nguồn vốn hơn 517 tỷ đồng để thực hiện 55 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận triển khai lập và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; lập và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn đến năm 2030; lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; lập Báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Người dân tập thể dục, giải trí tại công viên 16/4 (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Người dân tập thể dục, giải trí tại công viên 16/4 (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Đồng thời, Ninh Thuận đầu tư đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục để quan trắc chất lượng môi trường không khí và nước mặt; đầu tư xây dựng mới, sửa chữa công trình xử lý nước thải tập trung; quan trắc định kỳ các thành phần môi trường; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại.

Cùng đó, các đơn vị chức năng tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xác minh, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; phòng ngừa và ứng phó các sự cố về môi trường; duy trì hoạt động của các Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường; nghiên cứu, đánh giá tác động của các dự án năng lượng tái tạo đối với biến đổi khí hậu,...

Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, tỉnh mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguồn kinh phí để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; đồng thời mong muốn tiếp cận các chương trình, dự án đầu tư bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế, tập trung vào quản lý chất thải, xử lý nước thải, tăng cường năng lực quan trắc môi trường và đánh giá tác động biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại Ninh Thuận đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu môi trường quan trọng như: độ che phủ rừng, tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được cấp nước sạch... đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu 99,7% hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn của Bộ Y tế; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,14%.

Bài, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/moi-truong-sach-dep-gop-phan-phat-trien-ben-vung-20240722121543853.htm