Môi trường tốt hun đúc lý tưởng đẹp

Bằng những biện pháp cụ thể, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phát triển đảng ở học sinh, sinh viên. Những kinh nghiệm, bài học rút ra trong quá trình thực hiện thời gian qua được các cấp ủy, tổ chức đảng trong khu vực coi trọng vận dụng, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng ở các nhà trường.

Muốn kết nạp 5 thì tạo nguồn phải 10

Tâm sự với chúng tôi niềm vinh dự, tự hào khi được kết nạp Đảng từ khi còn là học sinh trung học phổ thông (THPT), Nguyễn Ngân Hà, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên xúc động: “Bắt đầu vào lớp 10, tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu vào Đảng. Tôi không bao giờ quên niềm hạnh phúc khi được cầm trên tay quyết định kết nạp đảng viên sau kỳ thi tốt nghiệp THPT”. Theo Nguyễn Ngân Hà, điều khích lệ học sinh xác định rõ mục tiêu phấn đấu vào Đảng là tổ chức đảng, đoàn ở nhà trường làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo điều kiện để học sinh khẳng định bản thân qua phong trào thực tiễn. Một môi trường học tập, sinh hoạt tốt góp phần hun đúc lý tưởng sống đẹp trong mỗi học sinh.

Chia sẻ của Nguyễn Ngân Hà đúng với thực tiễn ở các trường học tiến hành hiệu quả công tác phát triển đảng. Là một điển hình của khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong công tác phát triển đảng ở học sinh, 3 năm học gần đây, Đảng bộ Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) kết nạp 70 học sinh vào Đảng. Để có được kết quả này, Đảng bộ nhà trường ban hành nghị quyết chuyên đề và giao chỉ tiêu cho các chi bộ, tiến hành tạo nguồn theo quy trình chặt chẽ. Hằng năm, nhà trường có từ 18 đến 20 câu lạc bộ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đoàn trường, tổ chức hiệu quả các phong trào: “Mỗi ngày một việc tốt, mỗi tuần một tin tốt”; “Vì đó là bạn tôi”; “Sổ tay học tập và làm theo lời Bác”... qua đó phát hiện nhiều nhân tố tích cực tạo nguồn phát triển đảng.

16 đảng bộ tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 277 đảng bộ cấp trên cơ sở, 12.319 tổ chức cơ sở đảng, 207 đảng bộ bộ phận và 60.678 chi bộ trực thuộc với hơn 1,27 triệu đảng viên. Những năm qua, công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo. Từ năm 2020 đến 2022, có 7.292 học sinh, sinh viên trong khu vực được kết nạp Đảng. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thế nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có ở các trường học, nhất là các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các trường học trong khu vực cho rằng, công tác tạo nguồn ở đối tượng học sinh, sinh viên còn nhiều khó khăn, dẫn đến số lượng phát triển đảng còn ít dù nguồn lực khá dồi dào.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum phấn khởi được kết nạp Đảng. Ảnh: TRẦN QUANG MẠNH

Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum phấn khởi được kết nạp Đảng. Ảnh: TRẦN QUANG MẠNH

Theo đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, việc phát huy vai trò của một số tổ chức đoàn, hội trong phát hiện, tạo nguồn chưa tốt; chưa có sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai của các cấp ủy đảng. Đồng chí nêu ví dụ thực tiễn: Một trường THPT ở huyện Phong Điền nhiều năm liền không kết nạp được học sinh vào Đảng nhưng khi thay đổi bí thư, tổ chức đảng này kết nạp liên tục 5 học sinh ưu tú vào Đảng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của cấp ủy là một trong những yếu tố quan trọng đối với công tác tạo nguồn, phát triển đảng. Theo đồng chí, muốn có nguồn thì phải chú trọng bồi dưỡng, muốn kết nạp 5 thì tạo nguồn phải 10; phải giao chỉ tiêu cho cấp ủy để quyết tâm thực hiện.

Xây động cơ từ phong trào thực tiễn

Nêu giải pháp căn cơ liên quan đến trách nhiệm của tổ chức đoàn thanh niên, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, các tổ chức đoàn cần tạo được môi trường để học sinh, sinh viên rèn luyện, từ đó kịp thời phát hiện nhân tố tích cực có nguyện vọng vào Đảng, đồng thời chủ động tuyên truyền về truyền thống lịch sử cách mạng để đoàn viên hiểu về Đảng, yêu Đảng, từ đó xây động cơ, quyết tâm phấn đấu. Bên cạnh nhân rộng những mô hình học tập, rèn luyện trong các trường học phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, nguyện vọng chính đáng của học sinh, sinh viên, điều quan trọng là làm sao để việc phấn đấu vào Đảng là nguyện vọng thiết tha, nhu cầu tự thân của mỗi bạn trẻ trên cơ sở nhận thức đúng đắn mục đích, động cơ, xác định rõ lộ trình phấn đấu của bản thân.

Đề cập đến thực trạng một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bị xử lý kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng đã tác động lớn đến tư tưởng, tâm lý của người trẻ, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố, trường học khu vực miền Trung-Tây Nguyên nêu giải pháp về việc khảo sát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng ưu tú là học sinh, sinh viên để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cả nhiệm kỳ và hằng năm. Thông qua kết quả thực hiện các phong trào tuổi trẻ, các chi bộ có kế hoạch giao tổ chức đoàn thanh niên giới thiệu những học sinh, sinh viên là đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn, phân công đảng viên chính thức giúp đỡ, cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Về những tồn tại trong việc chậm tiến độ, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh thời gian xác minh, thẩm tra, kết luận hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung khung nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng và bồi dưỡng đảng viên mới cho học sinh, sinh viên theo hướng giảm tải nội dung, tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện xét kết nạp, nhiệm vụ, quyền của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, những điều đảng viên không được làm, nhất là xác định đúng đắn động cơ của người xin vào Đảng.

BẢO ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/moi-truong-tot-hun-duc-ly-tuong-dep-733821