Môi trường văn hóa báo chí: 'Bệ đỡ' để báo chí Việt Nam phát triển bền vững, chuyên nghiệp

Sau 2 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, nhiều cơ quan báo chí, các cấp hội đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Cũng từ đây, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí, khẳng định việc xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cơ quan báo chí và tổ chức hội các cấp.

Báo Hànôịmới và Báo Hải Dương trong “Hành trình về nguồn” tại Khu di tích K9 (Ba Vì, Hà Nội) nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hữu Tiệp

Báo Hànôịmới và Báo Hải Dương trong “Hành trình về nguồn” tại Khu di tích K9 (Ba Vì, Hà Nội) nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hữu Tiệp

Tạo dựng môi trường văn hóa

Văn hóa của người làm báo, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người làm báo trong một cơ quan báo chí là rất quan trọng. Một môi trường báo chí văn hóa mới có thể định hướng những người làm báo hình thành phong cách làm việc, hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tờ báo, từ đó sáng tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm qua, vẫn còn không ít nhà báo, cơ quan báo chí xa rời chuẩn mực văn hóa, thậm chí có những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, chạy theo xu hướng thương mại hóa, xa rời nhiệm vụ chính trị và giá trị nhân văn...

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng nhằm siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.

Ngày 21-6-2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 10a/QĐ-HNBVN về Bộ Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Tiếp đó, ngày 30-6-2022, Thường trực Hội ban hành Công văn số 161a/CV-HNBVN về việc hướng dẫn triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý các tiêu chí “Cơ quan báo chí văn hóa” bao gồm việc xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan. Cùng với đó là việc tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung; quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

Đặc biệt, phải đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong các tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, các cơ quan báo chí cần coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Phải luôn gắn liền việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí với việc rèn luyện đạo đức của người làm báo, góp phần hạn chế các vi phạm. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Hiệu quả nhờ bám sát thực tiễn

Hiện tại, việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đã đạt được hiệu quả nhất định. Cụ thể, các cơ quan báo chí đều bám sát 6 tiêu chí “Cơ quan báo chí văn hóa”, triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan. Việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được coi trọng, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo cơ quan. Trong việc thực hiện 6 tiêu chí “Người làm báo văn hóa”, các cơ quan báo chí đều triển khai gắn liền với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Trong đó, các tiêu chí, quy định đều chú trọng yêu cầu tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức; đề cao sự ứng xử chân thành, thân ái, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp, khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Tổng Biên tập Báo Nam Định Trần Vân Anh chia sẻ: “Triển khai thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, Ban Biên tập Báo Nam Định đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức lễ ký kết giữa các đoàn thể Công đoàn, Chi đoàn thanh niên, Chi hội nhà báo, các phòng nghiệp vụ với Ban Biên tập. Hội Nhà báo tỉnh Nam Định cũng phát động các Chi hội ký kết với Tỉnh hội, nội dung gắn với thực hiện quy định về đạo đức người làm báo và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Quá trình thực hiện các nội dung phong trào thi đua đã góp phần xây dựng môi trường, không khí làm việc tích cực, hiệu quả, thực hiện tốt phong trào xây dựng văn hóa công sở và đạo đức công vụ do tỉnh phát động.

Đánh giá về hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Nguyễn Ngọc Ánh nhấn mạnh: “Tại Báo Hải Phòng, chúng tôi luôn đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí, nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội... Đặc biệt, đối với từng cán bộ, phóng viên, chúng tôi đề cao tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo. Ở góc độ khác, cơ quan báo luôn quan tâm nâng cao đời sống của người làm báo, đề cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ, để việc triển khai phong trào thi đua “xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa” thực sự đi vào chiều sâu, trong đó, mỗi người làm báo sẽ thấy trách nhiệm của bản thân trong xây dựng cơ quan báo chí đáp ứng theo đúng môi trường văn hóa”.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông và sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí đang đặt báo chí và những người làm báo vào những thử thách chưa từng có. Báo chí buộc phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với những cách làm chủ động, hiệu quả, thậm chí mang tính đột phá, để giữ vững vị thế là kênh thông tin chính thống, chính thức của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của người dân, để xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Cơ quan báo chí chính là môi trường nghiệp vụ, là ngôi nhà chung của người làm báo, là nơi chia sẻ, bàn bạc, góp ý và định hướng để tìm ra cách làm, hướng đi đúng, tốt nhất cho người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Người làm báo cần tìm thấy ở đó sự chia sẻ, động viên, nguồn sinh lực mới trong hành trình làm nghề. Nói cách khác, việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí cần được duy trì thường xuyên, góp phần phát huy ý chí, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cơ quan báo chí, thúc đẩy đổi mới, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, làm tròn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/moi-truong-van-hoa-bao-chi-be-do-de-bao-chi-viet-nam-phat-trien-ben-vung-chuyen-nghiep-669768.html