Môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống
Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội, phần lớn đều diễn ra vào những ngày đầu xuân mới. Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng tại nhiều lễ hội không ít những hiện tượng tiêu cực, những biến tướng, tình trạng thương mại hóa đang diễn ra. Năm nay, xuân Ất Tỵ là mùa lễ hội thứ hai cả nước thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống và đây được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ nhằm giúp xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.
Đầu năm mới, người dân đi lễ chùa để mong năm mới bình an, may mắn.
Những ngày đầu xuân năm mới cũng là thời điểm tiếng trống hội vang lên trên khắp mọi nẻo đường từ bắc chí nam. Đây là dịp người người trở về với nguồn cội, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước, về với những nét văn hóa truyền thống đã tích tụ qua bao thế hệ. Vui hội còn tạo động lực để mỗi người bước vào một vòng quay mới của cuộc sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, dù các cấp chính quyền, ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực nhưng những mặt trái của lễ hội vẫn có dấu hiệu gia tăng. Nan giải nhất là việc di sản bị biến tướng, lễ hội bị sân khấu hóa, thương mại hóa hay tình trạng “buôn thần, bán thánh”,...
Cụ thể là không ít người dân “gán” việc xin được ấn đền Trần (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) với việc thăng quan tiến chức, tiến tài, tiến lộc. Từ đây dẫn đến tình trạng người dân tranh nhau giành ấn. Thậm chí, từng có năm người dân lao vào cướp lộc, giật lộc ở cả kiệu rước ấn lẫn các ban thờ tại đền Trần khiến ban thờ Thánh trở nên tan hoang, hết sức phản cảm. Hay lễ hội đánh phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) từng xảy ra “va chạm” khiến một số thanh niên phải nhập viện khi tham gia vào đánh phết, cướp phết. Tương tự, lễ hội “đúc bụt” ở cụm di tích đình cả Phù Liễn (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) từng có những cảnh tượng lộn xộn liên quan tục “cướp chiếu”. Tình trạng cướp lộc cũng xảy ra tại lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Có năm, hàng nghìn người giẫm đạp lên nhau tranh giành giò hoa tre, xảy ra một số vụ ẩu đả đến mức có người phải nhập viện.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, người dân đi dự lễ hội ngày một nhiều hơn và lễ hội cũng là cơ hội để phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ dành cho khách hành hương. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển “kinh tế lễ hội” là vấn đề thương mại hóa, buôn thần bán thánh. Nhiều lễ hội có nghi thức mang tính cầu may, chủ yếu là cầu làm ăn hanh thông hay thuận đường con cái... Nhiều câu chuyện huyền tích từ xa xưa nay được “thêu dệt” một cách ly kỳ hơn để thu hút du khách. Điều này đem lại lợi ích trước mắt cho một nhóm người, hay một cộng đồng nhất định nhưng tác hại thì khó lường và ảnh hưởng lâu dài vì làm méo mó di sản, lệch lạc niềm tin, thúc đẩy tham, sân, si.
Ở một số lễ hội, di tích như: Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), đền thờ Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)… vào dịp đầu xuân luôn thường trực một đội ngũ “khấn thuê” đông đảo. Gần đây, một dịch vụ mới xuất hiện được những đối tượng khấn thuê chào mời là “gửi lễ tuần rằm”, tức đại diện cho các vị khách để khấn thuê suốt cả năm. Muốn đến được không gian chính tổ chức lễ hội, khách hành hương phải vượt qua một “ma trận” của cò mồi về chỗ ăn, chỗ nghỉ, địa chỉ mua đồ lễ. Điển hình cho tình trạng này là ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Các đối tượng này thường xuyên đi xe máy đeo bám đoàn người đi lễ từ khoảng cách đến vài chục ki-lô-mét. Song vấn nạn “hối lộ” thần thánh thể hiện rõ nét nhất trong việc đốt vàng mã, rải tiền lẻ ở các ban thờ Phật. Nhiều di tích, tiền lẻ được giắt đầy tay tượng Phật, tượng Thánh…
Để khắc phục những tiêu cực trong mùa lễ hội, cần xác định rõ căn nguyên của bất cập. Dù đa dạng về hình thức, nhưng nhìn chung, những bất cập xảy ra nằm ở ba nhóm đối tượng: Đơn vị tổ chức, quản lý lễ hội; đối tượng tham gia kinh doanh dịch vụ trong lễ hội và người đi dự lễ hội. Trong đó, vai trò quan trọng nhất nằm ở chính quyền các địa phương, nhất là nơi có những lễ hội lớn. So với cách đây khoảng hơn 10 năm, thời điểm mà nhiều lễ hội bị “vỡ trận”, hay việc xây dựng các cơ sở thờ tự giả (chùa giả, sư giả) khá tràn lan, phần lớn các lễ hội được quản lý tốt hơn. Tại Hà Nội, lực lượng an ninh nhiều lần đã chặn bắt các đối tượng cò mồi, “chặt chém” giá sử dụng các dịch vụ đi lễ chùa Hương. Hay như việc tăng cường lực lượng an ninh ở lễ khai ấn đền Trần, lễ hội Gióng đền Sóc. Tệ nạn bói toán, cờ bạc cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc một số tiêu cực của lễ hội vẫn tồn tại bởi sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, hoặc cá nhân những người tham gia tổ chức lễ hội. Không ít địa phương quan niệm mùa lễ hội cũng là “mùa làm ăn”, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương nên đây đó có tình trạng buông lỏng quản lý để các đối tượng tham gia kinh doanh tìm mọi cách trục lợi. Đối với nhóm đối tượng là người đi lễ, ý thức tham gia lễ hội nhìn chung đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hành vi phản cảm như chen lấn xô đẩy, tranh giành chỗ đặt lễ, to tiếng, ăn mặc không phù hợp,...
Thời gian qua, nền nếp tại các lễ hội đã được chấn chỉnh văn minh hơn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do an ninh được siết chặt. Như tại lễ hội đền Trần xuân Giáp Thìn 2024, chính quyền địa phương huy động tới 2.800 cán bộ, chiến sĩ, chia làm nhiều vòng bảo vệ. Huyện Sóc Sơn bên cạnh việc thay đổi phương thức tán lộc giò hoa tre đã huy động hàng trăm công an, dân quân tự vệ đứng dày đặc để bảo vệ đoàn rước lễ vật. Lễ hội đánh phết Hiền Quan từng xảy ra ẩu đả hiện nay vẫn phải dừng nghi thức đánh phết vì sợ tái diễn cảnh đánh lộn. Nếu công tác quản lý lễ hội lơ là là tiêu cực có cơ hội bùng phát. Thực tế này cho thấy việc siết chặt an ninh chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, để giải quyết tận gốc những bất cập, cần sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương, những người tham gia công tác tổ chức để chủ động ngăn chặn, xử lý những biến tướng, những hành vi trục lợi trái phép từ lễ hội; song song với đó là triển khai những giải pháp đồng bộ nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội.
Tháng 8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”. Bộ tiêu chí gồm hai nhóm: Nhóm tiêu chí chung có tính bao quát và nhóm tiêu chí cụ thể. Có 9 tiêu chí cụ thể, gồm 44 tiêu chí chi tiết về các vấn đề từ quản lý, tổ chức, cơ sở vật chất, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, các hoạt động kinh doanh dịch vụ cho đến ứng xử khi tham gia lễ hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa... Đối với cơ quan quản lý nhà nước, ban tổ chức lễ hội, tiêu chí đầu tiên, tiên quyết là công tác quản lý nhà nước về lễ hội phải chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Tiếp đó, là việc thực hiện công tác quản lý về các hoạt động lễ hội, quản lý dịch vụ, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, tuyên truyền về giá trị lễ hội, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các nghi lễ… Đối với nhóm kinh doanh dịch vụ, tiêu chí đặt ra là phải có cam kết bán đúng mặt hàng, đúng giá; không chèo kéo, ép khách sử dụng dịch vụ; niêm yết giá công khai; không bày bán sản phẩm có tính bạo lực, phản cảm; ứng xử văn minh, lịch sự... Còn người tham gia lễ hội cần có hành vi, thái độ đúng mực, giữ gìn vệ sinh, trật tự. Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu như các văn bản pháp luật là hành lang pháp lý, thì Bộ tiêu chí hướng đến việc xây dựng ý thức, nền nếp ứng xử của tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động lễ hội, từ nhà tổ chức, đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng như khách hành hương. Trước hết là ý thức tuân thủ pháp luật, tiếp đó, là ý thức về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn văn hóa truyền thống của tất cả các đối tượng tham gia. Thay vì những khái niệm định tính chung chung, Bộ tiêu chí chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Việc “lượng hóa” thông qua các tiêu chí còn là công cụ đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội.
Mùa lễ hội Giáp Thìn 2024 là lần đầu tiên Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống được triển khai trên thực tế. Song cũng do mới ban hành nên hiệu quả nhìn chung còn chưa cao, trừ một số địa phương đã có quá trình chuẩn bị, triển khai tích cực.
Giữ gìn vẻ đẹp của lễ hội truyền thống đòi hỏi một hành trình kiên trì, bền bỉ. Hiện nay, chúng ta đã có những công cụ “cứng” là hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện và công cụ “mềm” là Bộ tiêu chí chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Nỗ lực của chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa trong quản lý mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là ý thức của người dân. Điều đó chỉ có được với sự chung tay của cả xã hội; cùng với đó là việc tuyên truyền thông qua nhiều kênh thông tin để mỗi người dần thẩm thấu, thay đổi nhận thức và tự điều chỉnh hành vi.