Mỗi tuần thêm 1.200 ca mắc sốt xuất huyết mới, Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch
Hà Nội chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để; quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Số ca mắc tăng nhanh, ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, số lượng mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, trên 1.200 ca/tuần.
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tuần 44 năm 2022 đến ngày 4/11, trong tuần ghi nhận 1.312 mắc sốt xuất huyết, 0 tử vong, số mắc tăng 8,9% so với tuần trước (1.205/3).
Bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101).
Cộng dồn năm 2022 ghi nhận 10.716 mắc sốt xuất huyết, 12 tử vong; số mắc tăng gấp 3,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (3.020 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã; 539/579 xã/phường/thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1, DENV2 và DENV4.
Ổ dịch trong tuần ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1). Cộng dồn 2022 đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện.
Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động, tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: thôn Bùng - Phùng Xá - Thạch Thất (200), Phượng Trì - Thị trấn Phùng - Đan Phượng (73), Ngọc Đình - Hồng Dương - Thanh Oai (53).
Để đảm bảo công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue một cách hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phòng, chống sốt xuất huyết triệt để, không để các ổ dịch lan rộng, kéo dài
Chỉ thị 20/CT-UBND nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý… Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch.
Bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đổ phế thái, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bên cạnh đó, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo tinh thần “4 tại chỗ”; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương bằng nguồn lực tại chỗ.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên.
Tổ chức bình bệnh án, kiểm thảo tử vong, báo cáo Sở Y tế những ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết để rút kinh nghiệm kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của các khoa.
Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm) tiếp tục tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo chẩn đoán, phân độ, bù dịch theo hướng dẫn, không bù dịch khi chưa có chỉ định.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động của “Nhóm chỉ đạo tuyến, điều trị COVID-19” để hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến về điều trị sốt xuất huyết Dengue theo công văn số 77/SYT-NVY ngày 18/2/2022 của Sở Y tế.
Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch phải quyết liệt hơn nữa
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, ở địa bàn dân cư, một số người dân vẫn chưa có kiến thức trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt suất huyết và còn chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn ra phức tạp.
Do đó, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần phải quyết liệt hơn nữa và cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, tổ dân phố cùng vào cuộc tham gia giám sát tổ xung kích diệt bọ gậy ngay tại địa bàn triển khai thực thực chất, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Các hình thức tuyên truyền cần phải thay đổi, dễ hiểu, dễ nhớ, đơn giản... để người dân tiếp cận được các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách dễ nhất.
Đồng thời, các tổ dân phố cần giao nhiệm vụ rõ ràng, có sự đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền. Phỏng vấn lại người dân để người dân nắm được kiến thức nhất định trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như diệt muỗi, diệt loăng quang, bọ gậy, tránh muỗi đốt, khi bị sốt có biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý, điều trị kịp thời.
Ngành y tế sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa tại cộng đồng, thực hiện giám sát vector truyền bệnh sốt xuất huyết, phát hiện sớm ổ dịch và xử lý rứt điểm những ổ dịch mới bùng phát và những ổ dịch kéo dài, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Cùng với công tác chuyên môn, ngành y tế sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn;
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hộp xốp, cốc nhựa...;
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày;
- Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch;
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.