Mọi vận may, đều có lý do
Andy Owen nấp sau bức tường bê tông đổ nát, nhìn thứ vũ khí bay trên trời với nỗi sợ vô hình. Phía bên kia, những người khác phải bỏ mạng vì tử thần rơi xuống từ không trung, trong một giấc ngủ giờ hóa thành vĩnh viễn. Cùng là kiếp lính, nhưng họ lại khác biệt với Andy Owen theo cách chẳng ai mong muốn.
Nỗ lực hay may mắn
Trong “Phía Tây không có gì lạ” (1928), nhà văn Đức Erich Maria Remarque viết, sự sống của mỗi người lính tựa sợi chỉ mong manh treo giữa không trung vô số vật cản lao tới. Suốt cả cuộc đời, chưa bao giờ họ lại đánh cược với sinh mạng của mình, chỉ biết đặt hy vọng vào cái gọi là may rủi. Lần đầu tiên Andy Owen nhìn thấy tên lửa bay trên đầu, anh bị kinh ngạc bởi tử thần tựa dấu gạch ngang màu đen nhỏ bé trên bầu trời Lưỡng Hà rực sáng. Bất chấp việc các cuộc tập trận cùng kinh nghiệm thực chiến đã tôi luyện bản lĩnh cho những người lính, họ không còn sự lựa chọn nào khả dĩ, đến mức Andy Owen phải tự trấn an “bầu trời Iraq thì to, súng đạn lại nhỏ, tên lửa còn ở xa”.
Tư duy của anh lính trẻ bấy giờ thật an toàn: xác suất bị trúng một trong nhiều tên lửa bắn vào căn cứ là khá thấp. Vậy nhưng, trong chiến tranh, kinh nghiệm của con người thường bị coi là cực đoan, khi sự sống được xác định bởi nhiều biến số ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta không còn chắc chắn bất cứ điều gì một khi rơi vào tình huống mà hơi thở phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên. Andy Owen hoài nghi về cuộc sống, về mối quan hệ chằng chịt giữa lựa chọn sinh tồn, tình thế vùng chiến sự, và vận may. Liệu chỉ trong những tình huống khắc nghiệt may mắn mới xảy ra hay vốn dĩ may mắn luôn ở bên cạnh nhưng thường bị quên lãng?
Phóng viên người Anh George Orwell miêu tả loài người có thể tìm thấy bản chất của chiến tranh trong thể thao, tựa cuộc đối đầu không súng đạn. Mộc cầu chẳng hạn, mang nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến kết quả hơn hầu hết các môn thể thao, khởi đầu bằng việc tung đồng xu. Ngay cả bản chất của mặt sân và thời tiết có thể ảnh hướng đến tính ổn định trong lối chơi cùng phong độ của cầu thủ ở nhiều giai đoạn. Cựu cầu thủ David Gower đồng ý rằng đội trưởng, hay tinh thần tập thể, có thể chiếm đến 80-90%, nhưng để giành chiến thắng trong các trận quan trọng thì anh cần 10% may mắn còn lại, và tốt nhất đừng chơi nếu không có những phần trăm ít ỏi ấy.
Thời hiện đại, cơ hội không chỉ bó hẹp trong chiến tranh hay thể thao. Đối với nền kinh tế toàn cầu của thế giới hội nhập, may mắn đóng một vai trò nhất định bên trong môi trường nhiều biến động. Timothy Dexter kết hôn với một góa phụ giàu có đầu những năm 1770, dùng tiền của vợ để mua một lượng lớn đồng Continental (tiền lục địa) bị mất giá, nhờ đó kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể vào cuối Chiến tranh Cách mạng Mỹ. May mắn tiếp tục gọi tên Dexter khi các chuyến hàng vận chuyển than đến Newcastle vào đúng thời điểm thợ mỏ đình công, giúp “vàng đen” được bán với giá ưu đãi. Mọi sự kiện xảy đến đều hoàn toàn bất ngờ, quyết định chẳng phải đến từ tư duy não bộ mà nằm trong tay của sự may rủi.
Chúng ta tự hỏi: liệu thành công của Dexter có phải là một mẫu số chung hay nét chấm phá khác thường trong giới CEO luôn được ca tụng có tài điều hành hoạt động kinh doanh? Nassim Nicholas Taleb, một trong những nhà tư tưởng đầy sáng tạo và vĩ đại nhất của kỷ nguyên hiện đại, đã sử dụng mô phỏng hàng trăm nhà giao dịch tung đồng xu, cố gắng chọn lấy mặt ngửa để chứng minh xu hướng Thiên lệch kẻ sống sót. Đây thực chất là một hiệu ứng tâm lý nói về việc chúng ta đã tin tưởng quá mức vào phương pháp được cho là áp dụng bởi người thành công. Mỗi vòng, người nhận mặt sấp sẽ bị loại cho đến khi chỉ còn lại một người.
Vấn đề nằm ở chỗ: người sống sót là kẻ tung đồng xu giỏi nhất, hay đơn thuần chỉ là kẻ ăn may của thời cuộc? Nassim Nicholas Taleb đưa ra giả định về Quy chụp sai lệch căn bản - một loại thành kiến xảy ra khi chúng ta đánh giá quá cao sức ảnh hưởng của những yếu tố bên trong như tính cách, trong khi coi nhẹ mức ảnh hưởng của tình huống khi lý giải hành vi của một người. Chẳng hạn, các CEO trong một nền kinh tế mới nổi được miêu tả giỏi hơn những người đang trong chu kỳ phá sản. Dexter trở thành ví dụ kinh điển của tư duy sai lầm về thành công theo kiểu “chuộng người, chuộng nết” chứ mấy ai tính đến ngoại cảnh hay các yếu tố khách quan bên ngoài.
Đối với Elon Musk, thành công là do làm việc chăm chỉ chứ không nhờ may mắn. Vị CEO của Tesla và SpaceX từng gây sóng gió bởi dòng tweet nhiều cảm xúc: “Tôi làm việc 16 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 52 tuần trong năm và mọi người vẫn gọi Elon Musk là kẻ “ăn xin” may mắn”. Thế nhưng, mọi thứ chỉ là tương đối, bởi lẽ trong tư duy của Nassim Nicholas Taleb rất nhiều người vẫn chưa thể đạt đến đỉnh cao dù làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết mình, thậm chí còn thất bại. Thế nên, ông nhận định rằng nỗ lực có thể là điều kiện cần để thành công, nhưng nó chưa phải là điều kiện đủ, mà con người cần thêm... chút gia vị khác nữa.
Chúng ta cần cả hai
Cuộc đời là những chuỗi ngày thử-sai nối tiếp, trước khi thành thạo và gặt hái thành quả. Chúng ta luôn ở trạng thái lưỡng lự: muốn nỗ lực hết mình để thành công, nhưng lại dễ nản lòng mà viện cớ “số trời đã định” để không cần cố gắng. Trong thể thao, một số ngôi sao sử dụng sức mạnh duy tâm để đối phó với áp lực phải hạ gục đối thủ. Với niềm tin số phận sẽ ban ơn ưu ái, họ tìm kiếm sự an ủi bằng linh vật như một chiếc áo, găng tay hay băng đô. Không thể xa rời chúng, họ chỉ từ bỏ nếu sa cơ lỡ vận, khi ấy từ thần hộ mệnh sẽ trở thành vật tế cho sự kém may mắn.
Andy Owen chứng kiến những điều tương tự trong quân đội. Thế nhưng, với “Tự truyện của lính đào ngũ”, anh không phủ nhận, mà nhấn mạnh sống sót sau những trận chiến khốc liệt là cách thích nghi với hoàn cảnh, khi con người biến nỗ lực thành trải nghiệm, đồng thời tận dụng thời cơ đúng lúc. Sự may rủi nơi mưa bom đạn lạc đem lại cho anh cơ hội nhìn nhận, đánh giá con người bằng mọi giác quan, khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa vận may và bản chất con người.
Hệt như câu nói của triết gia Thomas Nagel: “Chúng ta là ai, đang làm gì, đã trở thành cái gì hay sẽ sống ra sao, tất cả đều phụ thuộc vào vận may đạo đức”. Trong bất cứ trường hợp nào, phán quyết não bộ đưa ra đều chịu sự chi phối của bốn yếu tố có thể là “tấm áo choàng” khoác bên ngoài may mắn. Chúng ta là kẻ thông minh, kỉ luật hay người khờ khạo, nổi loạn. Tiếp đó, chúng ta đang phải đối diện với thực tại ra sao, rồi “tiền kiếp” - những sự kiện quá khứ in hằn vết nhăn trên não - chi phối tư duy, hành động hiện tại thế nào. Điều thứ tư, mà cũng là thứ khó đoán nhất, liên quan đến hành động của chính bản thân mỗi người, bộc phát hay cẩn trọng.
Nhà tâm lý học Paul Piff gợi ý việc chúng ta tin bản thân xứng đáng gặp may sẽ thay đổi cách đối xử với người khác. Paul Piff chỉ định ngẫu nhiên các đối tượng trong thí nghiệm “may” hoặc “rủi” chơi trò cờ tỷ phú, khiến những ai “may” bắt đầu cư xử như thể họ vượt trội hơn đối thủ. Khi được hỏi tại sao chiến thắng, họ viện cớ vì khả năng chứ không phải may mắn. Niềm tin kiểu này xuất hiện trong tác phẩm kinh điển “Suy nghĩ và làm giàu” (1937) của Napoleon Hill, biện luận những người phải chịu nghèo khổ là kẻ tạo ra bất hạnh cho chính họ. Vì thế, muốn hái quả ngọt thì phải thôi miên não bằng niềm tin thành công.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu nhắc đến thành công, những người bảo thủ coi vận may “không đáng kể” so với những người theo chủ nghĩa tự do. Chẳng thế mà truyền thông Mỹ từng có lúc tung hô Donald Trump như một trong những tổng thống bảo thủ vĩ đại nhất lịch sử hiện đại xứ cờ hoa. Trên thực tế, Donald Trump bị ảnh hưởng bởi tác giả Norman Vincent Peale với tuyên bố đanh thép chỉ cần tự tin là sẽ thành đạt. Donald Trump tự nhận là người tự lập, hoàn toàn bỏ quên yếu tố may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có ở một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới.
Rõ ràng, chúng ta sinh ra mỗi người một tính, trong những hoàn cảnh chẳng giống nhau. Thế nhưng, mẫu số chung đến từ cảm nhận: chúng ta luôn thấy người khác may mắn hơn mình, còn bản thân lại đối diện nhiều thách thức. Andy Owen bắt đầu nghiệp lính với hi vọng có thể kiểm soát số phận, cho đến khi sự bất hạnh của đồng đội nằm lại nơi chiến trường khiến anh nhận ra mọi thứ vô cùng mông lung, để rồi anh quyết định từ bỏ quân đội, trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Phần kết “Tự truyện của lính đào ngũ” mở ra thế giới quan mới sau thức tỉnh một cơn mê thật dài: con người cần nỗ lực và cả vận may. Chúng ta ở hiện tại nên tự nghĩ về con đường thành công tương lai, nhưng đừng chối bỏ cơ hội và may rủi đem lại thành tựu quá khứ. Để rồi, đến lúc cuối đời, chúng ta thanh thản chấp nhận bản thân, dù có ra sao đi chăng nữa, cũng đã trở nên tốt hơn những gì chúng ta từng kỳ vọng...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/moi-van-may-deu-co-ly-do-i668713/