Mỗi xã một sản phẩm – điểm nhấn của chương trình xây dựng nông thôn mới
Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Để khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thời gian qua, nhất là năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP đã mở ra hướng phát triển mới hiện đại, bền vững và từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của các vùng quê gắn với bảo tồn văn hóa, đặc trưng của mỗi vùng miền.
Sản phẩm dưa lưới và dưa lưới Vạn Hoa của Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa được trưng bày tại Triển lãm các thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020..
Tự hào sản phẩm đặc trưng
Chúng tôi đến thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) - nơi có cơ sở sản xuất mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, đơn vị đã có 3 sản phẩm là mắm tôm, mắm tép, nước mắm được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Anh Lê Anh, giám đốc công ty, cho biết: Ước mong của tôi là gìn giữ và “nâng tầm” nước mắm truyền thống của quê hương. Cùng với việc xuất khẩu, đưa vào những chuỗi phân phối lớn thì việc được đánh giá, chứng nhận sản phẩm OCOP thêm một lần nữa khẳng định và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào con đường mình đang đi. Cả 3 sản phẩm mang thương hiệu Lê Gia đã được hội đồng cấp tỉnh đánh giá cao. Trong đó, có 2 sản phẩm là mắm tôm và nước mắm được tỉnh trình Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao quốc gia. Những sản phẩm của công ty khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng trong, ngoài nước đón nhận.
Hiện nay, tại hệ thống nhà xưởng sản xuất của công ty có quy mô sản xuất 500 tấn cá chượp, tương đương 500.000 lít nước mắm/năm và 200 tấn mắm tôm, mắm tép mỗi năm. Các sản phẩm được tiêu thụ tại hệ thống đại lý, siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Đồng thời, đây là những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh vươn ra thị trường thế giới. Hiện sản phẩm đã xuất khẩu tới Hàn Quốc, Đài Loan, Mi-an-ma...
Nếu trước đây đặc sản của tỉnh Thanh Hóa chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp và chỉ tiêu thụ ở một mức độ khiêm tốn thì nay các sản phẩm đó đang ngày càng vươn ra thị trường lớn, mang lại giá trị gia tăng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh đã trở thành “thương hiệu” gắn với tỉnh Thanh Hóa, được người tiêu dùng đón nhận, như: bánh gai Lâm Thắm, chè lam Phủ Quảng, nước mắm cốt Tĩnh Gia - nước mắm cốt cá cơm...
Phát huy và giữ vững chứng nhận OCOP
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đã có 69 sản phẩm trên địa bàn tỉnh được đánh giá, xếp hạng 3 sao, 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 52 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và 17 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, cho biết: OCOP là một chuỗi sáng tạo không ngừng, chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Do đó, dù đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng các chủ thể kinh tế vẫn phải nỗ lực đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững được tiêu chí đã công nhận, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đồng thời, đưa sản phẩm của mình vươn ra thế giới.
Hệ thống ép tinh dầu lạc Linh Phương của hộ sản xuất, kinh doanh Phạm Thị Thùy Linh (Hà Trung).
Tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) có 2 sản phẩm là dưa lưới Taki và dưa chuột baby đạt tiêu chuẩn 4 sao. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm đã được biết đến nhiều hơn, tạo tiếng vang xa hơn trên thị trường, được người tiêu dùng, các trường học, siêu thị, cửa hàng sạch đón nhận với số lượng lớn hơn. Hiện sản phẩm đã có mặt tại 31 đại lý cấp 1 các tỉnh phía Bắc của Bắc Trung bộ và 2 đơn vị lớn là Vinmax+ và Công ty Dabaco ở tỉnh Bắc Ninh. Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty, cho biết: “Điều tôi vui mừng nhất đó chính là OCOP đã mang lại những giá trị tích cực, những tín hiệu tốt để nâng tầm thương hiệu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa bằng lòng với những gì đã đạt được. Để duy trì và giữ vững các tiêu chí, công ty luôn ý thức hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm để có thể nâng hạng lên 5 sao trong những năm tiếp theo. Và tìm kiếm đối tác, xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường mới tại khu vực Đông Bắc Á nhằm nâng cao giá trị kinh tế, phát huy giá trị của sản phẩm OCOP cấp tỉnh”.
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt kết quả cao nhất. Trong đó, phát triển Chương trình OCOP để tạo điểm nhấn và làm “sức bật” cho chương trình xây dựng NTM những năm tiếp theo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đến nay, quá trình xây dựng NTM nói chung và phát triển Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã đạt được những kết quả đáng mừng. Thanh Hóa là 1 trong 48 tỉnh, thành phố có sản phẩm OCOP; 1 trong 14 tỉnh, thành phố có sản phẩm OCOP đề xuất 5 sao; có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 10 trong cả nước... Đây chính là tiền đề vững chắc để tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 5 sao; trên 100 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Toàn tỉnh có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và 2 trung tâm quy mô lớn để thiết kế, sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.