Món ăn từ cá chép 'đại kỵ' với người mắc bệnh gì?
Cá chép là thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng với những người mắc một số bệnh sau, lại không thể ăn được cá chép vì nếu ăn bệnh sẽ ngày càng nặng thêm.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cá chép có rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Các dưỡng chất có trong cá chép có thể kể tới như: đạm, chất béo, photpho, vitamin nhóm B (B1, B3, B5, B6, B9, B12) tốt cho quá trình tạo máu, vitamin A, vitamin E, viatamin K, PP, lysine, sắt, kẽm, kali, magiê, selen, leucine…
Protein trong cá chép dễ tiêu hóa hơn so với các protein từ thịt vì vậy ăn cá chép giúp tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, bảo vệ hệ tiêu hóa và làm chậm quá trình lão hóa.
Phụ nữ mang thai ăn cá chép giúp hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ khỏe mạnh cũng như hạn chế dị tật bẩm sinh cho thai nhi, bằng cách cung cấp omega-3, lutein, kẽm và selen.
Người già ăn cá chép thường xuyên giúp tăng tập trung, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích tuyệt vời trên thì nhiều người lại không thể ăn được cá chép vì nếu ăn bệnh sẽ ngày càng nặng thêm.
Bệnh nhân Gout (gút)
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong mỗi 100g cá chép có chứa hàm lượng purine cao tới 137.1 mg, là nhóm thực phẩm có lượng purine cao thứ hai so với các nhóm thức ăn khác.
Do đó người đang trong giai đoạn khởi phát cấp tính bệnh gout, lượng purine hàng ngày của bệnh nhân cần được giới hạn tối đa ở mức 150 mg hoặc thấp hơn. Trong thời gian này, chuyên gia cho rằng nên cấm ăn cá chép, chờ cho đến khi bệnh gout giảm nhẹ thì bệnh nhân mới có thể ăn cá với số lượng hạn chế.
Những người bị dị ứng với cá
Một số người có thể trạng cơ thể dễ bị dị ứng, mỗi lần ăn cá sẽ gây dị ứng. Nhóm người này tốt nhất là không ăn cá chép, vì loại cá này có khả năng gây mẫn cảm với bệnh nhân dị ứng cao hơn một số loại cá khác.
Một số bệnh nhân mắc bệnh về gan và thận
Nhóm người đang có bệnh đường tiểu, sỏi thận, thì cần phải kiểm soát acid uric. Bởi khi lượng acid uric tăng quá cao có sự liên quan lớn đến việc hình thành sỏi. Vì vậy, những bệnh nhân có bệnh về gan, thận, dễ kết sỏi thì nên hạn chế lượng purine, tốt nhất cũng không nên ăn cá chép.
Do cá chép rất giàu kali, bệnh nhân suy thận cấp không nên ăn, nếu không kiêng khem thì món ăn này sẽ làm tăng gánh nặng lên thận.
Người bị bệnh gan đang trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần giảm lượng protein, kiểm soát lượng đạm ăn vào cơ thể trong vòng 20 gram mỗi ngày. Nhưng do cá chép giàu chất đạm, vì vậy những bệnh nhân này cũng không nên ăn cá chép.
Bệnh nhân có bệnh xuất huyết, chảy máu
Thành phần dinh dưỡng có trong cá chép giàu chất axit eicosapentaenoic, thành phần này sẽ gây ra sự ức chế tập tiểu cầu, chống lại bệnh huyết khối và những triệu chứng liên quan đến xuất huyết.
Các bệnh nhân có các bệnh liên quan đến xuất huyết như dị ứng, cơ thể thiếu vitamin C xuất phát chủ yếu do cơ chế chảy máu bất thường, biểu hiện các dạng khác nhau của chứng chảy máu… Khi bị các bệnh này, thì bệnh nhân không nên ăn cá chép.
Theo Đại tá Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam trong Đông y, thịt cá chép là dương tính trong âm tính, có tác dụng lợi tiểu tiện, cho nên có thể chữa được bệnh khi kết lạnh; bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy. Cá chép còn được coi là thuốc tốt chữa bệnh phụ nữ.
Do cá chép có tính dương thì vậy không nên ăn cùng thịt gà do thịt gà cũng có tính ấm. Không nên ăn cá chép cùng với thịt chó vì có thể sinh ra độc tố không có lợi cho sức khỏe. Người đang uống thuốc đông y có thành phần cam thảo tuyệt đối không nên ăn cùng cá chép có thể sinh ra độc tố gây chết người