Món giò đặc biệt Doãn Hải My ăn ngày cưới và loại giò nổi tiếng ngon miền Bắc
Thực đơn đãi khách trong đám cưới của cặp đôi cầu thủ Văn Hậu và Doãn Hải My những ngày này vẫn được nhiều người chú ý. Nét đẹp ẩm thực quê nhà đã được vào thực đơn ngày cưới, trong đó có một loại giò nổi tiếng ngon miền Bắc.
Mang nét đẹp ẩm thực quê nhà vào thực đơn ngày cưới
Từ nhiều ngày nay, đám cưới của cầu thủ Đoàn Văn Hậu và Doãn Hải My đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng. Những hình ảnh về hôn lễ của cặp đôi được nhiều người khen ngợi, không chỉ ở khâu tổ chức mà còn tinh tế ngay trong thực đơn đãi khách.
Thực đơn trong tiệc cưới gồm 13 món chính và phụ, chủ yếu là các món đặc sản cỗ quê kết hợp cùng món ẩm thực quốc tế. Ở món "ngoại", cô dâu chú rể đãi khách salad Nhật, cá hồi nướng phô mai và bò Australia xốt tiêu đen ăn kèm bánh bao….
Điều đặc biệt hơn cả chính là gia đình cầu thủ Đoàn Văn Hậu đã mang nét đẹp ẩm thực quê nhà vào thực đơn ngày cưới. Trên mâm cỗ, những món ăn truyền thống như gà ta, xôi, cơm tám… có một món đặc biệt khác là giò lụa. Hình ảnh miếng giò đặc biệt Doãn Hải My ăn ngày cưới đã gợi nhớ đến loại giò nổi tiếng ngon miền Bắc là giò Thái Bình.
Ở trong mâm cỗ của người Thái Bình dù to hay nhỏ luôn có giò lụa. Các món ăn trong mâm cỗ có thể thay đổi như thế nào nhưng món giò vẫn luôn xuất hiện. Vì vậy mà đám cưới của cầu thủ Văn Hậu nhận về không ít lời xuýt xoa khen ngợi về sự tinh tế khéo léo trong từng lựa chọn của cô dâu, chú rể.
Bí quyết làm nên loại giò nổi tiếng ngon miền Bắc
Nếu người Hà Nội vẫn nghe tới thương hiệu giò Ước Lễ, thì ở Thái Bình lại có giò Tiền Hải, Thái Bình. Đây là một thương hiệu giò nổi tiếng, không chỉ ở Thái Bình mà còn nổi tiếng ngon miền Bắc. Thái Bình có nhiều loại giò ngon nổi tiếng là giò lụa, giò nây, chả quế…
Chị Hoàng Hiền - người Thái Bình và chuyên cung cấp đặc sản giò Thái Bình nhiều năm cho biết, khác với các loại giò ở nơi khác, giò lụa Thái Bình mang vị độc lạ, đậm đà của thịt, thơm của nước mắm Tiền Hải. Điều đặc biệt ở giò lụa Thái Bình là hoàn toàn tự nhiên. Người thợ làm giò không cho thêm bất kỳ một thứ bột hay chất phụ gia nào để làm cho giò cứng lại.
Để tạo ra giò ngon, người thợ luôn chú trọng đến phần chọn thịt lợn. Thịt lợn phải là lợn khỏe, chọn những miếng thịt mông còn nóng hổi vừa được giết mổ và làm sạch. Thứ hai là khâu xay giò. Khi thịt xay tới đâu sẽ gói thành cuộn giò tới đó. Sau đó giò sẽ được gói chặt bằng tay, gói trong lá chuối giúp giò thành phẩm có màu sắc, hương vị đặc trưng.
"Lá chuối dùng để gói giò cần phải lựa cẩn thận, luộc qua để gói nếu không sẽ không ngon và nhanh hỏng. Thời gian luộc sẽ tùy theo kích cỡ giò, thường với giò 1kg sẽ luộc khoảng 1 tiếng là chín. Giò chín đều mịn nhẵn có màu hồng nhạt, ăn phải giòn, thơm mùi thịt khi thời gian luộc vừa đảm bảo độ chín. Cắt miếng giò ra phải có những lỗ nhỏ đựng nước ngọt trong đó, như vậy mới ngon" – chị Hiền chia sẻ.