Món Huế nợ thuế, Cục Thuế đòi ông Huy Nhật cách nào khi ngân hàng hết tiền?
Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết, Công ty Món Huế hiện còn nợ thuế 50 triệu đồng trong khi các tài khoản bị ngành thuế phong tỏa đều không còn tiền. Vậy, Cục Thuế sẽ áp dụng biện pháp gì để đòi ông Huy Nhật số tiền thuế còn nợ đọng?
Liên quan vụ việc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế bị tố nợ các nhà cung cấp vài chục tỷ đồng, mới đây, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết, cơ quan này đã kiểm tra thực tế, khẳng định trụ sở Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế hiện không còn hoạt động.
Đáng chú ý, công ty Món Huế còn nợ thuế tổng số tiền 50 triệu đồng. Dù đã tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, trong đó có việc phối hợp với nhiều đơn vị liên quan phong tỏa toàn bộ tài khoản của Công ty Món Huế mở tại các ngân hàng, tuy nhiên Cục thuế chưa thu được số tiền trên do các tài khoản này đều không có tiền.
Dư luận đặt câu hỏi, Cục Thuế TP HCM sẽ đòi số tiền trên như thế nào khi tài khoản của công ty TNHH Nhà hàng Món Huế tại các ngân hàng hiện không còn tiền?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, đối với việc nợ đọng của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, sau khi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản ngân hàng mà tất cả các tài khoản của doanh nghiệp đều không còn tiền, căn cứ từ Điều 93 đến Điều 102 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì trước hết cơ quan thuế “được quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu tiền thuế nợ, tiền phạt vào ngân sách nhà nước”.
“Trong trường hợp đã áp dụng biện pháp nêu trên nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, cơ quan quản lý có thể tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (gọi là bên thứ ba) khi có căn cứ xác định bên thứ ba đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế’, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Luật sư Hoàng Tùng dẫn Quyết định số 1914/QĐ-TCT ngày 22/11/2018 của Tổng cục Thuế về việc ban hành phương án xử lý nợ đọng ngành Thuế; quản lý, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế và cho biết, nếu Công ty TNHH Món Huế đã nợ thuế quá thời hạn từ 121 ngày, cơ quan quản lý thuế có thể ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm theo khoản 1 Điều 9 Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Đồng thời, cùng với việc áp dụng biện pháp trên, cơ quan thuế thực hiện công khai thông tin đối tượng nợ thuế đối với các trường hợp đã thực hiện cưỡng chế. Định kỳ hàng tháng, bộ phận quản lý nợ lập danh sách các trường hợp phải công khai thông tin và chuyển bộ phận tuyên truyền - hỗ trợ thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên báo trung ương hoặc địa phương và website ngành thuế.
“Việc thu hồi mã số thuế, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ là biện pháp cưỡng chế sau cùng cơ quan quản lý thuế thực hiện trong trường hợp các biện pháp cưỡng chế trên không hiệu quả”, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Đồng thời, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, với tình trạng nợ đọng lớn và bị các chủ nợ siết nợ gay gắt như hiện nay của Công ty TNHH Món Huế, doanh nghiệp này có thể sẽ rơi vào tình trạng phá sản doanh nghiệp.
“Theo quy định của pháp luật phá sản thì doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán sẽ được phá sản. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Trường hợp công ty bị Tòa án tuyên bố phá sản, các tài sản cố định khác của doanh nghiệp bên cạnh tài khoản tại ngân hàng sẽ được thanh lý để đảm bảo thanh toán các khoản nợ và theo quy định của pháp luật về phá sản, thuế là khoản ưu tiên thanh toán theo trình tự xử lý tài sản doanh nghiệp phá sản”, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Mời độc giả xem clip TPHCM: Nhà hàng món Huế đóng cửa, chạy nợ - Nguồn VTC1: