Mòn mỏi chờ… cây cầu vượt dòng nước dữ

Nhiều năm qua, người dân thôn Tân Bang và Ngòi Han, xã Tân Trịnh (Quang Bình) phải sống chung với cảnh chia cắt đôi bờ sông vì thiếu cây cầu kiên cố. Khi mùa mưa lũ về, họ luôn phải đối mặt với hiểm nguy sông nước.

Vị trí cầu tạm bắc qua sông bị lũ cuốn trôi.

Vị trí cầu tạm bắc qua sông bị lũ cuốn trôi.

Dẫn chúng tôi đến bên bờ sông Chừng, nơi giao nhau giữa đầu thủy điện sông Chừng và sông Bạc, ông Triệu Ngọc Oanh, Trưởng thôn Tân Bang, xã Tân Trịnh cho biết: “Cây cầu được xây dựng bằng tre, gỗ để đi tạm nên hằng năm vào mùa mưa lũ, cây cầu đều bị nước lũ cuốn trôi. Do vậy, nếu mưa lũ ít, người dân góp nhau xây dựng 1 cây cầu gỗ, còn những năm lũ nhiều phải làm lại đến 2 lần. Trung bình mỗi năm, người dân góp 1 yến thóc/người, học sinh là 15 kg nộp cho chủ đò”. Được biết, đây là con đường duy nhất để 82 hộ dân thôn Tân Bang, 125 hộ dân thôn Ngòi Han đến trung tâm xã; cũng là con đường duy nhất để 220 học sinh đến trường. Cầu tạm dài 170 m, dựng lên chưa được bao lâu, cơn lũ ập đến lập tức bị cuốn trôi. Từ đó, người dân chỉ còn cách nước cạn thì lội qua sông, nước lớn thì phải đi đò qua sông. Nhưng trong mùa mưa lũ, học sinh, người dân đi lại rất vất vả và nguy hiểm, đã có nhiều trường hợp bị chìm đò, người dân và học sinh bị rơi xuống sông… “Học sinh đi lại rất nguy hiểm, rất thương sót; có hôm đi học hết tiết 5 mới nghỉ, về bị lỡ đò, hay do chủ đò bận, các em lại phải nhịn đói chờ đến hơn 12 giờ mới về tới nhà” - anh Phan Văn Khang, thôn Tân Bang, xã Tân Trịnh nghẹn ngào chia sẻ. Lái đò trên khúc sông này từ năm 2002 đến nay, ông Đặng Văn Thành, thôn Ngòi Han mỗi ngày làm việc từ 6h – 18h30 phút, vì chỉ có một mình chở đò ở đây, nên những hôm có việc gia đình, ông cũng phải nghỉ. Giá tiền chở đò đối với người đi bộ là 2 nghìn đồng/lượt, đi xe là 4 nghìn đồng/lượt.Không có cầu, hoạt động giao thương của người dân nơi đây với các thôn, xã khác đều bị ảnh hưởng bởi dòng sông Chừng; nông sản làm ra cũng khó tiêu thụ, bị ép giá, chi phí vận chuyển cao. Theo người dân, nếu xây dựng được một cây cầu cứng thì giao thông đi lại rất thuận lợi cho trao đổi mua bán; hơn nữa, có thể đi lại giữa các xã Xuân Giang, Bằng Lang, Đồng Yên,… một cách dễ dàng. Đã bao thế hệ đi qua, người dân nơi đây vẫn mòi mỏi chờ một cây cầu. Nhất là các em học sinh, có em mới chỉ 3 tuổi cũng phải sang đò qua sông để đến trường. Em Nguyễn Thị Thúy Kiều, học sinh lớp 8, Trường THCS Tân Trịnh, xã Tân Trịnh, chia sẻ: “Hằng ngày, em đến trường đều rất khó khăn, khi đến mùa mưa lũ thì không dám đi lại trên cầu vì sợ rơi xuống nước. Bạn em có lần đã rơi xuống nước nhưng rất may được cứu kịp thời”.Em Kiều và các bạn học sinh nơi đây mong muốn một thời gian không xa, sẽ có một cây cầu được xây dựng để các em có thể yên tâm đến trường. Mùa nước lớn, các em đành nghỉ học vì nước dâng cao rất nguy hiểm, không thể đi lại được. Cũng vì thế mà nhiều em không thể theo kịp bạn bè, học hành giảm sút. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trịnh: Hàng chục năm nay, người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì không có cây cầu cứng bắc qua sông. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vì nguồn lực có hạn, nên không thể đầu tư xây dựng cầu kiên cố mà chỉ hỗ trợ, vận động nhân dân làm cầu tạm để đi lại. Chính quyền địa phương đã kiến nghị rất nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri, các ngành chức năng đề nghị xây dựng một cây cầu kiên cố để nhân dân thôn Tân Bang và Ngòi Han thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất, học sinh đi học an toàn; nhưng đến nay, vẫn chưa thấy tín hiệu gì.Nhiều thế hệ đi qua, người dân nơi đây vẫn mong ngóng có một cây cầu kiên cố để qua lại, nhất là các em học sinh được yên tâm đến trường… Rất mong các cấp, các ngành của huyện, tỉnh có giải pháp giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn này.

Không có áo phao nhưng con đò luôn chở trên 30 người, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Không có áo phao nhưng con đò luôn chở trên 30 người, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Bài, ảnh: Bích Hoài (Sinh viên kiến tập)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/y-kien-nguoi-dan-cu-tri/202007/mon-moi-cho-cay-cau-vuot-dong-nuoc-du-762643/