Mòn mỏi chờ đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công

Mặc dù mặt đê sông Công trên địa bàn xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhỏ hẹp, nhưng hằng ngày vẫn phải oằn mình 'cõng' hàng trăm lượt xe tải các loại. Để bảo đảm giao thông và tuyến đê này, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công, nhưng đã hơn một năm nay bị ách tắc, làm hàng nghìn hộ dân và các đơn vị liên quan bức xúc.

Hằng ngày có hàng trăm ô-tô đi lại uy hiếp an toàn đê sông Công vào mùa mưa lũ.

Hằng ngày có hàng trăm ô-tô đi lại uy hiếp an toàn đê sông Công vào mùa mưa lũ.

NDĐT - Mặc dù mặt đê sông Công trên địa bàn xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhỏ hẹp, nhưng hằng ngày vẫn phải oằn mình “cõng” hàng trăm lượt xe tải các loại. Để bảo đảm giao thông và tuyến đê này, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công, nhưng đã hơn một năm nay bị ách tắc, làm hàng nghìn hộ dân và các đơn vị liên quan bức xúc.

Đê nhỏ “cõng” xe lớn

Đê sông Công từ Quốc lộ 3 vào sáu thôn phía nam xã Trung Thành như: Thu Lỗ, Cẩm Trà, Xuân Vinh có hàng nghìn hộ dân sinh sống và sáu doanh nghiệp sản xuất gạch, cám chăn nuôi, vật liệu xây dựng... đóng trên địa bàn. Hằng ngày có hàng trăm ô-tô chở nặng, hàng nghìn lượt người đi lại trên mặt đê sông Công nhỏ hẹp, không những phá mặt đê, mà còn uy hiếp an toàn đê vào mùa mưa lũ.

Bí thư Chi bộ thôn Thu Lỗ, xã Trung Thành Phạm Đức Liên lo lắng: “Đê sông Công liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sáu thôn phía nam xã Trung Thành, để ra trung tâm xã. Hằng ngày người dân phải đi vòng theo đê, qua Sư đoàn 312 rất xa, đặc biệt nếu đê có sự cố thì các thôn sẽ như một ốc đảo, người dân sẽ không có đường thoát, rất nguy hiểm”.

Công ty TNHH Thương mại Gia Phong (Công ty Gia Phong) được cấp chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch tại thôn Cẩm Trà và bốn doanh nghiệp khác đóng ở phía trong. Hằng ngày có hàng trăm ô-tô vận chuyển đất vào nhà máy để đóng gạch, đồng thời ô-tô vận chuyển gạch từ nhà máy đi tiêu thụ; các doanh nghiệp khác đều dùng ô-tô chở vật tư, hàng hóa đi trên đê sông Công. Trước nguy cơ mất an toàn đê, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo hạn chế ô-tô chở nặng, khổ lớn đi trên đê sông Công.

Giám đốc Công ty Gia Phong Dương Như Duy cho biết: “Để được vận chuyển đất và gạch trên mặt đê, chúng tôi phải cam kết thường xuyên gia cố mặt đê nên rất khó khăn, tốn kém. Cứ tình trạng ô-tô tải ngày đêm chạy trên mặt đê, an toàn đê sẽ bị uy hiếp, đặc biệt là vào mùa mưa lũ này”.

“Tắc” đến bao giờ?

Sau một năm, tuyến đường mới giải phóng mặt bằng được 270 m và hiện nay đang bị ách tắc.

Sau một năm, tuyến đường mới giải phóng mặt bằng được 270 m và hiện nay đang bị ách tắc.

Nhằm bảo đảm an toàn cho đê sông Công, phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong mùa mưa lũ, ngày 30-10-2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3305/QĐ-UB về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công từ Quốc lộ 3 đến đê sông Công đoạn K4+900 thuộc thôn Thu Lỗ.

Theo đó, tuyến chính được xây dựng dài hơn 1,5 km từ Quốc lộ 3 qua cánh đồng các thôn Đoàn Kết, Thiện Thành vào thôn Thu Lỗ, với nền đường rộng 9 m, bề rộng mặt đường rộng 7 m, đổ bê-tông xi-măng dày 25 cm; hai tuyến nhánh dài hơn 600 m, nền đường rộng 5 m, mặt đường rộng 3,5 m, đổ bê-tông dày 18 cm, tổng mức đầu tư là 15 tỷ đồng. UBND tỉnh giao UBND thị xã Phổ Yên chịu trách nhiệm tổ chức và chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng.

Giữa năm 2018, tuyến đường được khởi công rầm rộ, các cơ quan chức năng tuyên bố sẽ hoàn thành việc xây dựng sau sáu tháng nên nhân dân rất vui mừng, mặc dù chưa được bồi thường nhưng nhiều hộ dân không cấy lúa vụ mùa năm 2018 để nhường đất cho tuyến đường. Tuy nhiên đến nay, UBND thị xã Phổ Yên mới giải phóng mặt bằng được 270 m với số tiền bồi thường tài sản, đất đai cho người dân là 1,4 tỷ đồng. Đây là số tiền do các doanh nghiệp có nhu cầu đi trên tuyến đường đóng góp.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành lý giải: “Nhân dân địa phương rất đồng thuận khi giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường quan trọng này, nhưng đến nay UBND thị xã Phổ Yên chưa thu xếp được vốn bồi thường giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng tuyến đường bị tắc, làm nhân dân bức xúc”.

Để giải phóng mặt bằng tuyến đường này cần khoảng 12 tỷ đồng, nhưng người dân địa phương cho rằng, UBND thị xã Phổ Yên chưa thực sự quan tâm bố trí vốn nên tuyến đường bị ách tắc. Trong khi đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã được bố trí vốn xây lắp tuyến đường thì không thể triển khai vì không có mặt bằng. Trước sự bức xúc của người dân, chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị UBND thị xã Phổ Yên khẩn trương giải phóng mặt bằng tuyến đường, nhưng tình hình không có chuyển biến.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41125302-mon-moi-cho-duong-cuu-ho-cuu-nan-de-song-cong.html