Mòn mỏi chờ mặt bằng, tái định cư đường nghìn tỷ ven sông Đồng Nai
Không có mặt bằng, nhà thầu dự án xây dựng tuyến đường và bờ kè ven sông Đồng Nai kết nối TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang phải thi công cầm chừng. Người dân sẵn sàng nhường đất nhưng khu tái định cư lại chưa có.
Mòn mỏi ngóng khu tái định cư
Cuối tháng 12/2021, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai và bờ kè đoạn từ cầu Hóa An, TP Biên Hòa đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu được động thổ. Công trình có chiều dài 5,2km, dự kiến hoàn thành trong 17 tháng với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.
Tuyến đường được thiết kế có lộ giới 34m, xây mới cầu Rạch Lung. Ngoài ra, để cải tạo cảnh quan ven sông, tỉnh Đồng Nai cũng xây đoạn bờ kè dọc tuyến đường này làm công viên với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng.
Dù vậy, đến nay tất cả các gói thầu thuộc dự án đều đang thi công cầm chừng. Chủ đầu tư phải gia hạn lại hợp đồng, điều chỉnh thời gian hoàn thành đầu năm 2024. Vướng mắc lớn nhất vẫn là câu chuyện liên quan giải phóng mặt bằng.
Ghi nhận của PV sáng 6/9, trên công trường đường ven sông, công nhân đang hối hả thi công nền đường, đóng cọc kè bờ sông trên phạm vi khoảng 1km đầu tuyến. Tại cầu Rạch Lung, công nhân đang lao lắp dầm, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Dù vậy, phần đường dẫn hướng đi huyện Vĩnh Cửu vẫn chưa thể thi công do còn vướng nhiều hộ dân chưa giao mặt bằng.
Đáng nói, các hộ dân đều sẵn sàng nhường đất để làm đường, bờ kè ven sông, cải tạo cảnh quan đô thị. Thế nhưng nhiều tháng qua, việc bố trí nền tái định cư vẫn chưa được chính quyền giải quyết khiến họ không thể di dời.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung (53 tuổi, ngụ đường Ngô Thì Nhậm, khu phố 4, phường Bửu Long, TP Biên Hòa) cho hay, gia đình bà sống ổn định nơi đây đã bốn đời. Khi có chủ trương làm đường, cả nhà vẫn đồng lòng ủng hộ.
"Toàn khu nhà bị ảnh hưởng bởi dự án là 700m2, trong đó có 200m2 đất thổ cư, còn lại đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Qua nhiều lần họp dân, gần nhất là tháng 8 chính quyền thông báo sẽ sớm công bố bốc thăm bố trí các khoảnh đất tại khu tái định cư Bửu Long. Chúng tôi đang trông ngóng từng ngày nhưng chưa biết khi nào", bà Nhung nói.
Cách đó khoảng 100m là hộ ông Trần Văn Sáu (64 tuổi). Gia đình ông có 370m2 được bồi thường, dù đã thông báo đền bù, bố trí tái định cư nơi khác nhưng hơn hai năm qua vẫn chưa có động tĩnh gì. "Bây giờ chúng tôi bàn giao mặt bằng sẽ đi đâu, ở đâu?", ông Sáu băn khoăn.
Tương tự, chị Phan Thị Uyên Phương cùng ngụ phường Bửu Long cho biết, hiện các thủ tục đo đạc thông báo bồi thường hỗ trợ đã xong hết nhưng chưa thể tái định cư: "Tôi thấy chính quyền đã đền bù thỏa đáng, giờ chỉ chờ bốc thăm tái định cư nhưng chờ hoài chưa thấy. Các hộ dân đang sốt ruột, chỉ chờ bố trí nền tái định cư để kịp xây nhà ở trước Tết".
Nhà thầu, chủ đầu tư đứng ngồi không yên
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng thi công Công ty CP Giao thông 828 cho biết, hiện mặt bằng bàn giao không liền khoảnh gây rất nhiều khó khăn khi thi công. Thiết bị, xe máy đều huy động đến công trường nhưng làm việc không hết công suất. Theo hợp đồng ban đầu, đến tháng 6/2023 đã hết thời gian thi công.
Do ảnh hưởng chậm giao mặt bằng, chủ đầu tư là Ban QLDA TP Biên Hòa gia hạn sang đầu năm 2024 nhưng nhà thầu vẫn thấp thỏm vì đến nay địa phương chưa bố trí tái định cư cho người dân.
Kỹ sư Trần Minh Thi, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Nhân Bình cho biết, đơn vị phụ trách thi công 2,2km cuối tuyến và bờ kè 1,1km đoạn cuối tuyến, đến nay tiến độ bờ kè đạt hơn 60%, đảm bảo tiến độ cuối năm hoàn thành.
"Hiện lo ngại nhất là vướng hàng chục hộ dân trên chính tuyến chưa biết mốc được giao mặt bằng. Có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, lo ngại nhất đối với nhiều đoạn sát bờ sông cần phải xử lý đất yếu. Mong chủ đầu tư sớm làm việc các bên liên quan đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng", ông Thi nói.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Biên Hòa, quá trình thực hiện có một số hộ dân còn vướng mắc thủ tục pháp lý. Điển hình như một số trường hợp chủ nhà đã mất trước thời điểm thu hồi đất không để lại di chúc, giấy tay hoặc đất tranh chấp, ý kiến về giá đền bù, bố trí tái định cư…
"Một vướng mắc khác phát sinh là đối với các trường hợp được bố trí tái định cư tại khu nhà ở dịch vụ thương mại, nhà ở cao cấp và tái định cư phường Bửu Long nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục bàn giao đất thực tế, dẫn đến chưa thể tổ chức phân lô để người dân bốc thăm", một lãnh đạo trung tâm nói.
Ông Nguyễn Tôn Trọng, Giám đốc Ban QLDA TP Biên Hòa xác nhận, việc bàn giao mặt bằng chậm đang là trở ngại quyết định thời gian hoàn thành dự án.
Hiện Ban đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tháo gỡ các vướng mắc về việc bố trí đất.
Đồng thời xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn về việc xử lý bồi thường và lập thủ tục bồi thường đối với chủ sở hữu đất, nhà đã mất mà những người thừa kế chưa thống nhất cử người đại diện.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Biên Hòa, dự án có chiều dài 5,2km với diện tích thu hồi 20,2ha, ảnh hưởng 545 hộ dân. Trong đó có 272 hộ phải giải tỏa trắng. Đến giữa tháng 8 đã phê duyệt hỗ trợ gần 770 tỷ đồng cho 514 hộ dân và 11 tổ chức. Đã xét tái định cư cho 257 hộ với 282 lô tái định cư (hộ chính và hộ phụ). Hiện mặt bằng đã bàn giao được hơn 88%.