Món ngon ngày Tết: Cách muối dưa siêu ngon, ăn hoài không ngán
Quá nhiều thịt thà, bánh trái ngày Tết có thể sẽ khiến bạn ngán ngẩm với các món ăn trong dịp này. Những món dưa muối siêu ngon dưới đây sẽ giúp bạn giải ngán và đa dạng hơn các món ngon những ngày đầu năm mới.
Những món dưa muối như dưa chuột bao tử, dưa kiệu, ngồng cải muối chua.. sẽ giúp bạn thêm ngon miệng, ăn hoài không ngán trong những ngày Tết Nguyên đán. Dưới đây là cách muối dưa cho ngon, để dành ăn dần trong những ngày Tết sắp tới.
Cách muối dưa siêu ngon chuẩn bị giải ngán những ngày Tết
1. Ngồng cải muối chua
Nguyên liệu:
- 1kg ngồng cải
- 1 củ cà rốt
- 1 quả ớt sừng
- Gia vị: đường, muối
Cách muối dưa:
Ngồng cải bỏ bớt phần lá, rửa sạch, để ráo. Thái thành những lát mỏng, dài. Cà rốt cạo vỏ, thái thành những khoanh tròn dày cỡ 3mm. Ớt cắt lát (không bắt buộc). Đổ ngồng cải và cà rốt ra một chiếc rổ sạch, hong gió tầm vài tiếng cho se và héo bớt.
Pha hỗn hợp gồm: 1 lít nước, 3 thìa canh muối hạt, 1 thìa đường. Có thể nêm nếm điều chỉnh lại theo khẩu vị. Cho lên bếp đun sôi sau đó để thật nguội. Chuẩn bị một hũ thủy tinh sạch, lau thật khô, xếp ngồng cải, cà rốt và đổ hỗn hợp trên vào, dùng đĩa sứ hoặc vật nặng đề lên dưa nén xuống . Sau 2-3 ngày dưa vàng là có thể ăn được.
Cách muối này đơn giản và cần ít nguyên liệu hơn, tuy nhiên bạn vẫn có món dưa ngồng cải vàng ươm, giòn tan. Món dưa cải chua dịu, có thể dùng làm khai vị, ăn kèm các món kho, chiên rán hay làm mồi nhậu cho chàng cũng rất hấp dẫn.
2. Dưa Kiệu
Nguyên liệu:
- 1 kg kiệu
- 2 muỗng canh muối hột
- 1 muỗng cà phê phèn chua
- Giấm trắng
- 350g đường
Cách muối dưa:
Ngâm kiệu trong nước pha muối hột 12 giờ (mình thường ngâm buổi tối đến sáng). Xả nhiều lần.
Pha nước phèn chua ngâm kiệu đã xả, đem thau kiệu phơi 1 nắng. Xả nhiều lần. Trải kiệu ra mặt khay hay rổ, phơi một nắng cho ráo.
Cắt rễ, ngọn, lột vỏ (còn khoảng 800g). Rửa qua nước cho sạch bụi, để ráo.
Chuẩn bị một chén giấm cho vài củ kiệu vào rửa kiệu qua giấm, vớt ra. Làm lần lượt cho hết kiệu. Cho kiệu vào âu lớn, ướp một lớp đường, một lớp kiệu, lại một lớp đường, một lớp kiệu cho đến hết, đậy lại, thỉnh thoảng đảo đều, đợi kiệu ra nước, tự lên men. Khoảng 2 ngày sau kiệu bắt đầu có nước và đường tan hết.
Lúc này sắp kiệu vào lọ thủy tinh có bắp đậy cho đẹp. Chừng hơn 2 tuần là dưa kiệu chua vừa ăn. Cách này lâu ăn được nhưng bù lại để được lâu hơn cách ngâm giấm. Nếu muốn nhanh ăn được (nhưng không để lâu được bằng cách ướp đường): nấu 250g đường với 600 ml giấm, để thật nguội cho vào lọ kiệu. Chừng 7-10 ngày là ăn được (tùy độ chua của nước giấm đường).
Tùy độ chua của giấm mà gia giảm đường. Mình sử dụng giấm nuôi, không sử dụng giấm gạo nên độ chua vừa phải, giấm gạo để lâu dưa kiệu sẽ bị vàng.
3. Cách muối dưa chuột bao tử
Nguyên liệu
- Dưa chuột bao tử: 300g
- Đường: 30g
- Muối: 10g
- Giấm: 200ml
- Ớt: 3 quả
Cách muối
Dưa chuột bao tử chọn trái nhỏ, non, rửa sạch chú ý không gọt vỏ. Ớt rửa sạch, bỏ cuống.
Hòa tan đường, giấm, muối vào khoảng 100ml nước ấm.
Lần lượt xếp xen kẽ dưa chuột và ớt vào lọ thủy tinh, đổ nước muối đã pha ngập nguyên liệu, đậy kín nắp.
Ngâm dưa trong thời gian 2 – 3 ngày. Khi dưa chuột có màu vàng là được.
4. Dưa giá
Nguyên liệu:
- 400gr giá đỗ
- 1/2 củ cà rốt; 1 ít hẹ; 2 nhánh hành lá; vài củ hành tím; 1 bát giấm; 1 bát đường; 1 bát nước
Cách làm muối dưa chuột bao tử:
Giá đỗ rửa sạch sẽ để ráo nước. Cà rốt gọt vỏ rồi nạo thành sợi, hành thái khúc, hẹ thái khúc, hành tím thái lát mỏng.
Cho nước, giấm, đường vào nồi khuấy tan đường và bật bếp nấu cho sôi lên thì tắt bếp. Để cho nước giấm đường nguội.
Giá đỗ, hành lá, hành tím, hẹ, cà rốt trộn đều lên rồi cho vào hũ thủy tinh sạch sau đó đổ nước giấm đường đã để nguội vào. Đậy nắp để khoảng vài tiếng là có thể ăn được rồi nhé.