Món ngon ngày Tết nhiều người thích dễ gây tắc ruột khi ăn không đúng cách
Tắc ruột do thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp và thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật. Trong bữa ăn ngày Tết có rất nhiều món ngon, tuy nhiên món ngon ngày Tết này rất dễ gây tắc ruột mà nhiều người thích.
Vào ngày Tết, gia đình nào cũng tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu các món ăn truyền thống cho mâm cơm Tết. Tuy nhiên có những món ngon ngày Tết ăn uống không đúng có thể gây tắc ruột:
* Tắc ruột vì măng
Bát canh măng là một trong những đặc trưng trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình. Vị ngọt thanh của bát canh măng cũng làm dịu đi cái chua từ củ kiệu, dưa hành và tác dụng chống ngấy với các món ăn ngày Tết. Tuy nhiên, món ăn này có thể dẫn tới tình trạng tắc ruột khi ăn không hợp lý.
Thực tế, các bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp tắc ruột vì ăn măng. Như trường hợp một bệnh nhân 59 tuổi ở Gia Lâm đã phải nhập viện cấp cứu BVĐK Đức Giang do một lạng măng khô. Các bác sĩ đã nội soi gặp từng miếng bã thức ăn ra khỏi dạ dày. Trước đó, sau nhiều bữa ăn măng, bệnh nhân thấy chướng bụng, đau âm ỉ, khó tiêu.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hàm lượng dinh dưỡng trong măng không nhiều, đáng kể nhất là chất xơ. Chất xơ cộng với độc tố cyanide có trong măng nếu chế biến không đúng cách sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Người có hệ tiêu hóa kém, người già khi ăn thực phẩm nhiều chất xơ như măng dễ dẫn tới tắc ruột. Măng nhất là măng khô có nhiều đoạn già hóa gỗ, nhai không kỹ sẽ khó tiêu.
Ngoài ra, với măng khô cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô sản phẩm có tẩm hóa chất lưu huỳnh. Khi chọn nên đưa lên mũi ngửi vì khí SO2 rất đặc trưng có mùi rất khó chịu. Để loại bỏ lưu huỳnh khỏi măng khô có thể ngâm nước vài ngày sau đó luộc kỹ mới cho ninh khoảng 2 – 3 tiếng.
* Hoa quả nhiều chất xơ
Theo BS Doãn Thị Tường Vi – nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng (Bệnh viện 198), Các loại hoa quả nhiều chất xơ như cam, bưởi… có hàm lượng vitamin C cao nên là thực phẩm lý tưởng khi cần bổ sung vitamin C. Tuy nhiên, ăn quá nhiều lại có thể gây tắc ruột.
Khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tannin và thức ăn nhiều chất xơ. Đặc biệt là nhiều người lại ăn lúc đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao dễ tạo khối bã thức ăn rắn chắc do chất xơ bị kết tủa làm dính các sợi xơ thực vật lại. Với những người có thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ hoặc có tiền sử phẫu thuật dạ dày… nguy cơ tắc ruột càng cao hơn.
Nhiều người chọn bưởi thay những món ăn vặt để hạn chế đồ ăn gây béo, kể cả lúc đói. Điều này sẽ gây hại cho dạ dày vì bưởi chứa acid citric rất cao. Tốt nhất, bưởi nên dùng sau khi ăn cơm để các hoạt động tiêu hóa được dễ dàng hơn.
Các chuyên gia cho rằng, chất xơ rất cần thiết nhưng không có nghĩa ăn bao nhiêu cũng được. Việc tiêu thụ quá nhiều chất xơ lại khiến cơ thể bị đầy hơi, táo bón, rối loạn tiêu hóa... Khuyến nghị của Viện dinh dưỡng quốc gia nên tiêu thụ ít nhất là 20 – 25g chất xơ/người/ngày. Khi ăn các món có chất xơ, người tiêu dùng cần uống nhiều nước hay chất lỏng để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng.
Khi bị tắc ruột, người bệnh thường có các triệu chứng như đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị. Nếu xuống ruột, bã thức ăn sẽ gây tắc ruột với các triệu chứng đau bụng, nôn, bí, chướng. Để phát hiện được cần thực hiện nội soi, chụp Xquang, các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cắt nhỏ bã thức ăn rồi lấy ra.
Do đó, khi mọi người thấy có các triệu chứng là đau, nôn, bí chướng cần nhanh chóng đi kiểm tra. Tắc ruột nếu để lâu dễ gây biến chứng hoại tử ruột, xoắn ruột, thủng ruột, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.