Theo thông tin từ trang web Bulgarian Military, trong đoạn phim gần đây được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy một chiếc máy bay bốc lửa được cho là máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) A-50U của Nga. Mặc dù chi tiết chính xác vẫn chưa rõ ràng.
Còn cách đây không lâu, một máy bay A-50U của Nga đã bị phòng không Ukraine bắn rơi; đây là chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U thứ hai bị Nga mất kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chiếc đầu tiên bị mất vào tháng 2/2023. Lần này, máy bay A-50U bị Ukraie bắn hạ trên khu vực Biển Đen.
Nếu thông tin về việc chiếc A-50 của Nga mới đây bị bắn hạ là đúng, thì hiện tại Quân đội Nga chỉ còn tổng cộng 5 máy bay cảnh báo sớm A-50, đồng nghĩa với việc khả năng phát hiện và trinh sát trên không của họ đã bị suy yếu đáng kể.
Tất nhiên, kết quả ngày hôm nay của Quân đội Nga chỉ có thể nói là những “món nợ” mà họ chưa trả trước đây. Quân đội Nga hiện tại chỉ đang trả những món nợ của Quân đội Liên Xô trước đây và của chính họ. Suy cho cùng, Nga phát triển máy bay cảnh báo sớm chậm, số lượng không nhiều và chủ yếu là dòng A-50.
Mặc dù Nga đã phát triển máy bay cảnh báo sớm A-100 tiên tiến hơn, nhưng chưa đưa vào sản xuất loạt quy mô lớn. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga bị phương Tây trừng phạt gắt gao, do vậy việc cung cấp một số linh kiện điện tử cốt lõi bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ máy bay A-100.
Khi Liên Xô phát triển máy bay cảnh báo sớm, hướng nghiên cứu và phát triển của họ hoàn toàn trái ngược với Mỹ. Bởi trong thời kỳ Xô Viết, sức mạnh không quân được chia thành Lực lượng phòng không – không quân và Lực lượng không quân; hai quân chủng có nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau.
Lực lượng Phòng không – không quân Liên Xô chủ yếu được trang bị một nhóm máy bay chiến đấu đánh chặn, chịu trách nhiệm tiêu diệt những mục tiêu bay khác nhau trong không phận Liên Xô. Trong khi Không quân Liên Xô có phạm vi chiến đấu rộng hơn và được trang bị nhiều loại máy bay hơn.
Nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất cũng được đặt lên vai Không quân Liên Xô, do đó nhiều máy bay trang bị cho Không quân Liên Xô lúc bấy giờ đều tập trung vào khả năng đánh chặn máy bay tấn công và tên lửa của đối phương, chẳng hạn như máy đánh chặn tốc độ cao MiG-31.
Hai quân chủng tác chiến trên không lớn của Liên Xô sử dụng các hệ thống chỉ huy khác nhau, nhưng hai hệ thống chỉ huy khác nhau này có một điểm chung, đó là không dựa vào máy bay cảnh báo sớm trên không mà chủ yếu dựa vào các trạm radar và dẫn đường từ mặt đất.
Do vậy, ngay từ đầu Liên Xô đã không quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu và phát triển máy bay cảnh báo sớm. Nhưng sau này, Liên Xô cũng phát hiện ra một vấn đề, đó là các trạm radar triển khai trên mặt đất sẽ có những “vùng mù” nhất định khi tiến hành tìm kiếm mục tiêu trên không và mặt đất.
Khi xung đột xảy ra, nếu Quân đội Mỹ phát hiện ra sự tồn tại của những điểm mù này, thì rất có thể đó là mối đe dọa. Máy bay ném bom sẽ lợi dụng điểm mù, đe dọa an ninh hàng không của Liên Xô. Vì vậy, Liên Xô phải có máy bay cảnh báo sớm để “xóa” các vùng mù trong mạng lưới trinh sát phòng không.
Máy bay cảnh báo sớm đầu tiên do Liên Xô phát triển là Tu-126, loại máy bay cảnh báo sớm này sử dụng thân của máy bay chở khách Tu-114, tuy nhiên do loại máy bay chở khách này sử dụng cánh quạt đồng trục quay ngược, nên sẽ gây ra một số khó khăn nhất định, gây nhiễu cho radar và không thể phát hiện mục tiêu kịp thời như tên lửa hành trình; nên phải tìm loại máy bay thay thế.
Để thay thế máy bay cảnh báo sớm Tu-126, Liên Xô chuyển sự chú ý sang máy bay vận tải chiến lược IL-76. Máy bay vận tải chiến lược IL-76 có tầm hoạt động hàng nghìn km, không gian bên trong đủ rộng, thân máy bay còn có thể được trang bị radar cỡ lớn.
Do đó, Liên Xô đã sử dụng thân máy bay vận tải IL-76 để phát triển máy bay cảnh báo sớm thế hệ thứ hai, hiện là mẫu máy bay cảnh báo sớm A-50 chính của Nga. Tuy nhiên, công nghệ của loại máy bay cảnh báo sớm này vẫn chưa cao.
Hiệu suất của máy bay IL-76 bị giảm đi rất nhiều do được bổ sung radar, thậm chí không thể cất cánh khi đổ đầy nhiên liệu và thời gian trên không chỉ chưa đầy 4 giờ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát hiện và phát hiện mục tiêu của Quân đội Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế Nga cũng phải đối mặt với khủng hoảng, nguồn ngân sách quốc phòng giảm mạnh; đối tượng tác chiến không rõ ràng; do vậy máy bay cảnh báo sớm trên không đã trở thành “thừa thãi”.
Lúc này công nghệ radar đã phát triển từ kỷ nguyên radar xung Doppler sang radar mảng pha quét điện tử chủ động (EASA). Tuy nhiên Quân đội Nga chưa bắt kịp và vẫn phải tiến từng bước một, nên Quân đội Nga hiện tại chỉ có thể tiếp tục sử dụng máy bay cảnh báo sớm A-50, vốn đã lạc hậu.
Không phải Nga chưa tính đến việc cải tiến loại máy bay cảnh báo sớm này, ngay từ năm 2003, Quân đội Nga đã bắt đầu cải tiến A-50 lên phiên bản A-50U. Tuy nhiên do hạn chế về mặt kỹ thuật và tài chính, nên chỉ có thể thực hiện được phần nào.
Ví dụ về phần radar, radar xung Doppler quét cơ học cũ vẫn được sử dụng, nhưng công nghệ được cải tiến đôi chút so với trước đây. Một thiết bị tiếp nhiên liệu trên không đã được bổ sung, không gian bên trong đã được điều chỉnh lại, nhưng nhìn chung, hiệu suất của máy bay A-50U vẫn còn tụt hậu; nhưng nó vẫn là “báu vật” của Quân đội Nga.
Vì vậy, 8 chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U do Nga trang bị thực chất là những máy bay còn sót lại từ thời Liên Xô; nhưng sau hai năm xảy ra xung đột với Ukraine, chỉ còn lại 5 chiếc. Nói đúng ra, trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, 5 chiếc máy bay cảnh báo sớm này là không đủ.
Liên Xô trước kia và Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga thời kỳ đầu sau này đã tạo ra một lỗ hổng rất lớn cho sự phát triển của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga hiện tại. Chỉ có Quân đội Nga nỗ lực giải quyết vấn đề này mới loại bỏ được những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình phát triển.
Nhưng trong bối cảnh công nghệ phong tỏa, ngân sách quốc phòng thì hạn chế, các dịch vụ khác cũng đang chờ hỗ trợ, sự phát triển của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vẫn chỉ có thể “giậm chân” tại chỗ và chương trình máy bay cảnh báo sớm cũng không là ngoại lệ.
Tiến Minh (Theo Bulgarian Military)