Môn nước tình quê
Quê hương như chiếc nôi cuộc đời của mỗi người, để khi đi xa, nỗi nhớ niềm thương cứ hoài vương vấn. Có khi, ký ức của người này là dòng sông ngai ngái phù sa, ghe xuồng ngược xuôi tấp nập sớm chiều; nhưng với người kia lại là mùa điên điển vàng bông, hay tít tắp lục bình dập dềnh theo con nước ròng, nước lớn. Riêng tôi, nỗi nhớ khôn nguôi là hình ảnh những triền môn nước mướt xanh hai bên bờ kênh trước cửa nhà nội.
Bây giờ, thi thoảng đi chợ chồm hổm, tôi hay thấy một vài bà chị bán dưa môn nước. Bất chợt, hình ảnh tất tả của má tôi ngày xưa, cũng bán dưa môn, dành dụm tiền để nuôi tôi ăn học, lại hiện về vẹn nguyên. Bẹ môn sau khi cắt đem vô nhà, má rửa sạch, cắt thành từng khúc dài tầm 4 - 5cm, rồi đem đi phơi nắng, khi ngó chừng nó heo héo thì phải nhanh tay đem vô nhà.
Để dưa có độ đậm đà, ngó đẹp mắt, má xắt gừng, củ riềng và ớt chín thành những lát mỏng, rồi trộn vào môn, thêm ít muối đường cho vừa ăn, trút hết vô khạp, sau đó đổ nước vo gạo đã được lóng trong cho ngập, rồi đậy kín nắp. 3 - 4 ngày sau, khi miếng dưa môn ngả sang màu vàng vàng là ăn được...
Nói là vậy, chứ để làm ra một chén dưa môn đâu phải dễ, phải tỉ mẩn và có cả một bí kíp chứ không phải giỡn chơi. Dưa môn có thể ăn kèm với cá kho, hay đem nấu canh chua với cá rô đồng, cá lóc thì ngon hết xẩy. Cái vị nhẫn nhẫn, bùi bùi, cái mùi hăng hắc, nồng nồng, chua chua của dưa môn đã ngấm vào máu thịt tôi đến tận giờ và trở thành nỗi nhớ.
Cha tôi nấu ăn cũng khá ngon, nhưng mỗi bận má nấu cháo môn nước, cha gật gù, ngồi ăn đến căng bụng mới chịu thôi. Để có nồi cháo môn ngon cho cả nhà, má phải chọn những con lươn lớn, vàng tươi và những bẹ môn còn non thì nấu mới đủ ngon. Khi nồi cháo sôi, gạo vừa nở, má cho tất cả bẹ môn xắt mỏng vào nấu chung, còn lươn mau chín thì để vào sau cùng. Đến khi tất cả chín đều, má mới bỏ rau ngò om, sả ớt băm nhuyễn và nước cốt dừa vào, rồi nhắc xuống, dọn ra mâm... Mà không biết, có phải vì cái nồi cháo môn nước má nấu mà cha tôi đã từ bỏ cô nhơn tình má hồng môi đỏ, để quay về cùng sống với má con tôi, hay vì sự bao dung, thứ tha của má? Còn với tôi, mùi cháo môn nước cứ nồng nàn theo miết đến tận bây giờ.
Điện thoại lên, má nói với vợ chồng tôi: “Luống rày cha tụi bây đi đồng mắc mưa, nên bị cảm, tao phải nấu nước môn cho ổng uống”. Nghe má nói, tôi thấy nóng ruột quá chừng, phần thì thương cha, nhưng tôi thương má phần nhiều hơn. Ly nước môn ngòn ngọt, hương thơm thanh dịu có tác dụng giải cảm trừ độc, nhưng tình yêu của má dành cho cha lại ngọt ngào và thơm lành hơn ly nước môn má nấu. Tôi thương má quá đỗi, thương cả một thời thanh xuân vì con cái và thương cái nết đôn hậu của phụ nữ miền Tây, vuông tròn mái ấm gia đình.
Biết tôi ưa món dưa môn nước nấu canh chua cá lóc đồng, cuối tuần, vợ tôi đi chợ thật sớm. Vợ tôi bảo hôm nay không có cá lóc đồng ngon, nên cả nhà ăn canh chua dưa môn nước nấu với cá rô đồng. Chan một ít nước canh vào chén cơm, tôi nghe mùi dưa môn không nhẫn bùi, hăng hắc, không nồng nồng, chua chua, thơm thiệt thơm như mùi dưa ngày xưa má mần. Nhưng thôi, sống ở chốn thị thành, một chút tình quê dẫu không nồng vị cũng ấm lòng những người xa quê.
Chiều nay, thành phố bất chợt đổ mưa. Tôi ngồi nhìn mưa rơi, bỗng nghe lòng xốn xang, nhớ câu nói của má: “Yêu thương là cả một đời dài đằng đẵng, chứ đâu riêng một mùa môn cho bẹ làm thuốc”. Thương thiệt thương!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mon-nuoc-tinh-que-727425.html