Món quà ân tình gửi thế hệ mai sau

Nhận được cuốn 'Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975)-từ thực tiễn nhìn lại' do chính tay ông Đỗ Hằng, người chủ biên sách gửi tặng kèm bức thư với những dòng chữ rắn rỏi quen thuộc, tôi thực sự xúc động.

Ông Đỗ Hằng viết: “Mấy năm nay xuống Đà Nẵng, chú bị thoái hóa khớp háng; năm 2013 lại bị ung thư gan nặng. Nghĩ cuối đời phải để lại cái gì đó nên đã cùng một số anh em tù Côn Đảo lâu năm viết chuyện tù, để lại một số tư liệu đặng sau này làm sử Côn Đảo, sử dân tộc có cái để mà sưu tầm chứ nhân chứng sống ngày càng mất dần…”. Càng khâm phục và xúc động hơn khi được biết Ban biên soạn chỉ có 7 người, tuổi đã 80-94, đều đã từng trải cuộc đời tù ngục hàng chục năm ở Côn Đảo. Tuổi cao, sức yếu, công việc nặng nề nhưng không ai nhận một đồng thù lao nào, chỉ tâm niệm gánh trách nhiệm với quá khứ, với đồng đội. Cầm cuốn sách dày gần 850 trang được in ấn công phu, tôi hiểu, đây không chỉ là tình cảm riêng tư mà còn là món quà ân tình của “thế hệ cách mạng vàng” gửi thế hệ hôm nay và mai sau…

Cho đến giờ tôi vẫn không thể nhớ đích xác 2 từ “Côn Đảo” đã đi vào tâm trí tự bao giờ. Có lẽ là vào năm cuối phổ thông khi tác phẩm “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận được đưa vào chương trình văn học. Có thể nói, “Bất khuất” đã cho tôi một hành trang kiến thức đầu đời về địa ngục Côn Đảo, về thế giới tâm hồn cao đẹp của những người cộng sản. Bước vào nghề báo, tôi lại có dịp được tiếp xúc với các nhân chứng là những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt đày ra Côn Đảo cùng khá nhiều hồi ức, tư liệu. Tuy nhiên, giờ đây, với “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo”(1957-1975)-từ thực tiễn nhìn lại”, ngẫm những gì đã biết, đã đọc hóa ra chỉ vô cùng nhỏ bé. Cuốn sách này đã cho tôi thêm nhiều kiến thức về thế giới ngục tù Côn Đảo bằng một nguồn sử liệu tươi ròng, phong phú và giàu tính khoa học đến không ngờ.

Nhà tù Côn Đảo-nơi ông Đỗ Hằng bị địch giam cầm. Ảnh: Tiến Dũng

Nhà tù Côn Đảo-nơi ông Đỗ Hằng bị địch giam cầm. Ảnh: Tiến Dũng

Các chiến sĩ hoạt động cách mạng bị địch bắt đày ra Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” với những công cụ đàn áp được coi là “tinh túy” của chế độ Mỹ-ngụy, điều đó đã nói lên tinh thần đấu tranh, ý chí cách mạng kiên cường của họ. Vào hoàn cảnh “lửa thử vàng” mới biết ai là vàng trong lửa. “Trần trụi giữa bầy sói” với muôn vàn thủ đoạn nham hiểm, người chiến sĩ cách mạng chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là tinh thần để lựa chọn một trong hai con đường: hoặc “ly khai” hoặc đấu tranh đến cùng để giữ tròn khí tiết. “Ly khai”-2 tiếng chỉ thốt lên chưa đầy nửa giây đồng hồ nhưng đó là lằn ranh đỏ, là sự mất còn của sinh mạng chính trị. Cuộc đấu tranh tư tưởng để đứng vững bên này cái lằn ranh đỏ mong manh đó thật gian nan, khó tả hết bằng lời…

Cuốn sách đã tái hiện trước mắt ta hàng trăm tấm gương trung trinh để giữ tròn khí tiết của người cộng sản như thế: Đó là các đồng chí Đào Em quê Quảng Nam, Nguyễn Trọng ở Phù Cát, Bình Định hay Tạ Minh Trí ở Sa Đéc… Đặc biệt là cuộc đấu tranh kiên cường chống ly khai của 1.500 tù chính trị Trại I. Có thể nói, đây là một cuộc đấu tranh diễn ra với những điều hết sức kỳ diệu: Ròng rã 3 năm trời, ngần ấy con người trong vòng cương tỏa của những công cụ tàn bạo nhất, thâm hiểm nhất, lại đặt dưới sự chỉ đạo của một viên tướng giàu kinh nghiệm chống Cộng nhất, kẻ thù vẫn không sao đánh rã được khí tiết của những người cộng sản. Ngọn cờ “chống ly khai” trong tay 59 chiến sĩ kiên cường trụ vững trong chuồng cọp cho đến đầu năm 1964, rồi cuối cùng chỉ còn 5 ngôi sao chiến thắng vinh quang trở về với Đảng là một bài ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng chói đến muôn thu.

Lâu nay, qua một số hồi ký, hồi ức của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, người đọc thường đặt ra câu hỏi: Sức mạnh nào đã khiến họ trong điều kiện bị kẻ thù siết bóp, hành hạ đến kiệt cùng về thể xác vẫn giữ vững một tinh thần thép “sống cùng Đảng chết không rời Đảng” như thế? Với phương châm “Tuân thủ tinh thần khách quan, trung thực”, Ban biên soạn cuốn sách đã trả lời thích đáng điều này: Con người trước sau vẫn chỉ là con người. Sự chịu đựng chỉ trở nên phi thường khi bên mình là sức mạnh của một tập thể cùng chung lý tưởng. Vai trò lãnh đạo, sách lược đúng đắn mọi lúc, mọi hoàn cảnh của tổ chức Đảng trong tù cộng với bản lĩnh chính trị được tôi luyện của từng bản thể đã trở thành sức mạnh chiến thắng vô song. Đương thời, kẻ địch có thể không hiểu nổi nhưng bác sĩ Minh-khi vào chích thuốc cho 5 chiến sĩ kiên quyết chống ly khai đến cùng-đã thốt lên: “Không có khoa học nào giải thích được sự sống dai dẳng của các vị anh hùng này. Chỉ có thể giải thích được bằng tài tổ chức của những người cộng sản”. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi cuộc đấu tranh đều toàn thắng. Với tinh thần khách quan “không tô hồng”, các tác giả đã không né tránh “những trận thua, trận hòa” thậm chí là sai lầm, tổn thất. Tổng kết những bài học quý về công tác tổ chức Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng trên một trận tuyến hết sức đặc thù cho thế hệ cách mạng đời sau-có thể nói đây là điều đặc biệt ít thấy ở những cuốn sách thuộc thể loại này.

Mặc dù khiêm tốn tự nhận là “những tay ngang viết sử” nhưng cuốn sách đã toát lên sức hấp dẫn không chỉ với giới nghiên cứu mà còn với các độc giả phổ thông. Có được điều này là bởi Ban biên soạn đã kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa “sử” và “ký”. Giữa các vấn đề, sự kiện, tác giả đã khéo léo đan xen các đoạn nhật ký, hồi ức để minh họa. Tuy ngắn gọn nhưng cũng đủ giúp người đọc hình dung được sự cam go của những cuộc đấu tranh hay bộ mặt tàn bạo của kẻ thù. Tôi vẫn quan niệm: Trong một cuốn sử hay, nếu sự kiện, vấn đề là những chiếc đinh đóng vào tường thì ký chính là những bức tranh được treo dưới nó. Ai có thể quên những chiếc đinh nếu bức họa gắn với nó lại đầy ấn tượng?

Cho đến nay, theo tổng kết của Ban biên soạn, cuốn sách đã tái bản đến lần thứ 4 với số lượng in hàng ngàn bản. Đặc biệt, trong lần tái bản thứ 4 , có 200 cuốn đã được dịch ra tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại nhân dân. Nhiều ký giả và những người bạn Mỹ đã được tặng sách. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về cuốn sách cũng đã được tổ chức. Điều này càng khẳng định thêm giá trị của cuốn sách này và sự thành công của Ban biên soạn, đúng như PGS-TS. Sử học Đỗ Bang đã đánh giá: “Đây là một tài sản tinh thần vô giá viết về cuộc đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc Việt Nam, là tượng đài chiến thắng sau gần 2 thập kỷ đấu tranh một mất một còn để khẳng định chân lý “chính nghĩa thắng bạo tàn”.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/201912/mon-qua-an-tinh-gui-the-he-mai-sau-5660393/