Cuối tuần trước, Mỹ đã thông báo cho Hy Lạp, Síp và Israel rằng họ không còn hỗ trợ dự án đường ống dẫn khí đốt EastMed. Đây là một đòn nghiêm trọng giáng vào Athens, bởi họ là người đặt nhiều hy vọng nhất vào chương trình nói trên.
Thỏa thuận về dự án EastMed đã được ký kết vào năm 2020, với kỳ vọng đường ống mới sẽ cho phép bắt đầu chuyển năng lượng từ Israel và Síp đến Hy Lạp, và sau đó có thể tới Ý. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Nhưng giờ đây Washington đã thay đổi quan điểm khi dự án bị cho là tạo ra căng thẳng trong khu vực và không đủ cơ sở về mặt kinh tế. Nhiều người cho rằng chi phí cao và công suất tương đối thấp của EastMed không được biết đến vào thời điểm năm 2020.
Giới phân tích cho rằng sau khi đạt được mục tiêu ở Hy Lạp (vùng lãnh thổ đặt các căn cứ quân sự mới), Mỹ đã từ chối hỗ trợ xây dựng đường ống dẫn khí EastMed, do đó tạo ra một món quà hào phóng dành tặng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Ankara là một bên phản đối kịch liệt EastMed bởi vì họ có quan điểm riêng về các mỏ khí đốt của Síp. Giờ đây khi mất đi sự ủng hộ từ Mỹ, Hy Lạp sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn để chống lại các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Nếu EastMed thất bại, Tập đoàn Gazprom của Nga chắc chắn cũng được hưởng lợi. Rốt cuộc, Mỹ ban đầu ủng hộ dự án của Hy Lạp, Israel và Síp với lý do nó sẽ làm “loãng” vị thế độc quyền của khí đốt Nga tại châu Âu.
Bất chấp điều đó, Moskva vẫn cho rằng dự án EastMed khó có thể gây trở ngại cho họ, bởi vì công suất thiết kế của nó chỉ đạt 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, ít hơn 5 lần so với đường ống Nord Stream 2.
Trong diễn biến khác, mới đây Ủy ban châu Âu đã quyết định công nhận năng lượng hạt nhân và khí đốt là các dự án "xanh". Sáng kiến này thu hút sự chú ý và quan tâm đặc biệt từ Lithuania, bởi họ đang tìm cách xây dựng các nhà máy điện nguyên tử của riêng mình.
Tuy vậy nhiều chuyên gia cho rằng với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng, thật khó để tưởng tượng rằng chính phủ Lithuania có thể tài trợ cho một dự án đầy tham vọng như vậy, chưa kể đến việc thực hiện nó đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
Đối với các cường quốc châu Âu, Pháp dựa vào năng lượng hạt nhân trong khi Đức lại quyết định từ bỏ chúng để đổi sang sử dụng khí tự nhiên. Giờ đây Berlin có thể dựa vào nhiên liệu xanh giá rẻ của Nga, sẽ vào nước này thông qua đường ống Nord Stream 2.
Không giống như Đức, Lithuania không có khí đốt giá rẻ, và cũng khác biệt với Pháp, nước này không có kinh phí cũng như trình độ khoa học kỹ thuật đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Do vậy, Lithuania có nguy cơ rơi vào tình trạng bế tắc năng lượng. Nhưng bất chấp điều đó, cho đến nay Vilnius có vẻ như không nỗ lực khôi phục quan hệ với Moskva hoặc với Minsk.
Vilnius rõ ràng đang ở trong một tình thế khó khăn, họ chẳng những không đạt được độc lập về năng lượng, mà còn cố tình rời xa hai quốc gia láng giềng - những người có thể cung cấp nguồn tài nguyên giá rẻ cho nước này.
Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ chính sách thân Mỹ của chính quyền Lithuania, ngoài ra họ còn lo ngại sẽ bị phụ thuộc vào Nga trong khi phải chịu "uy hiếp về quân sự", thực tế trên rất dễ khiến Vilnius gặp khủng hoảng toàn diện.
Bạch Dương