Món quà của hoài niệm

Có những thứ dọc đường từ nhà đến cơ quan, nhắc nhở mình về thời gian, dẫu chúng trôi ngang qua không bao giờ dừng lại. Ví như những chậu đào bày bán ở hè phố, nhắc nhớ đến mái hiên nhà ở quê. Giờ này chắc bố đang chăm gốc đào chờ con về đón Tết. Hay những cánh diều ở cửa tiệm đồ chơi, làm dậy lên ký ức bờ đê, mùa này đang lộng gió.

Ngay cả những chiếc lồng đèn Trung thu điện tử mà suốt những năm tuổi thơ mình chưa bao giờ có được, cũng gợi nhắc về một thời ước mơ trong sự tưởng tượng trong veo.

Kể cả lần thấy tóc mình có hai sợi bạc đầu tiên. Không hoang mang cũng không buồn sợ, tôi nhận ra mình đang ở bên kia sườn dốc đời người; và chợt thấy những hoài niệm ngày một ùa về với bao cung bậc cảm xúc bổng trầm. Lúc đó chợt nhận ra rằng, ở một độ tuổi nào đó, người ta sẽ có một đôi mắt khác. Đôi mắt mở ra từ trái tim, đôi mắt như một vườn hoa, từ từ nở ra những hoài niệm về quá khứ.

Nhưng thật lạ thay! Những hoài niệm không về theo trình tự thời gian chúng đã đi qua, cũng không có sự báo trước nào. Chúng như những người bạn thân lâu rất lâu, chợt từ đâu ùa về bất ngờ đầy bỡ ngỡ. Những lần như vậy, tôi thấy cảm xúc mình vừa xa lạ mà lại vừa quá đỗi thân quen. Và có lẽ tuổi thơ, chính là hoài niệm sâu lắng, thiết tha và đẹp đẽ nhất của đời người.

Minh họa: Mai Minh

Minh họa: Mai Minh

Tuổi thơ mà chúng ta hoài niệm, giống như chiếc sáo diều mà mình đã thả vào bầu trời trong một ngày mây gió nên thơ. Để rồi khi là một thanh niên hồ hởi với những cái mới lạ của cuộc sống, hay một trung niên đang ở đỉnh dốc cuộc đời và ngay cả khi mình đã là một cụ già ngồi đếm những chiếc lá vàng rơi bên hiên nhà trong buổi chiều nắng xế; nhìn về phía mây xa, ta vẫn thấy cánh diều lúc mờ lúc rõ bay cao xa, nhưng sao ta lại nghe thấy tiếng sáo diều tuổi thơ vi vút đậu lại bên tai. Như chú chim bay đi khi mình hờ hững, để rồi chú hồ hởi bay về ngay bên cạnh người bạn cũ, hót vang bài ca của tháng năm nào. Người ta nói, đấy chính là tiếng gọi của trái tim, thứ âm thanh trầm lặng mà lại có một sức mạnh phi thường, vượt qua khỏi sự khắc nghiệt và xa cách của không gian và thời gian.

Có người nói rằng, ký ức tuổi thơ là những hạt giống mà ta vô tình đánh rơi trong hành trình trưởng thành đi về phía trước. Cho đến một ngày nhìn lại, bỗng thấy sau lưng mình là một vườn hoa đầy hương sắc. Chẳng phải những ngày thơ ấu, trong những trò chơi tưởng tượng, chúng ta đã thấy mình đang đứng giữa một rừng hoa với tiếng suối trong và tiếng chim muông yên bình rất đẹp. Bây giờ vườn hoa ấy ở ngay phía sau lưng mình, mà sao lòng bỗng nghe bao xúc cảm ùa về, rất lạ.

Cảm xúc nhớ về tuổi thơ không giống bất kỳ một cảm xúc nào ở trên đời. Bởi đấy là thứ cảm xúc đầy đủ hương vị, vừa có mừng vui vừa có bùi ngùi, vừa có hồ hởi mà cũng vừa luyến tiếc. Ai cũng sẽ có sự luyến tiếc về tuổi thơ. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có một sự luyến tiếc cho riêng mình. Một đứa trẻ lớn lên ở miền quê, sẽ có sự luyến tiếc về những buổi tắm sông chưa bao giờ thỏa thích. Những đứa trẻ lớn lên ở phố, sẽ thấy luyến tiếc tiếng bập bênh của nắp cống ở giữa con hẻm trước nhà. Và cũng có khi, người ta luyến tiếc về cả những lỗi lầm trẻ thơ của mình.

Có đứa trẻ nghịch dại, nhốt con mèo con vào cái thùng sắt đến khi lấy ra thì con mèo đã chết khô. Nó tiếc con mèo của tuổi thơ, nhưng cũng chính nhờ con mèo mà đứa trẻ lớn lên, quyết chí học để trở thành nhà báo chuyên viết về đề tài bảo vệ động vật. Hoặc cũng có đứa trẻ luyến tiếc chuyện hồi tám tuổi, mình đã lấy giấy, giả làm tiền đi mua kẹo của bà mù bán hàng. Để rồi hai năm sau, khi bà qua đời, người ta phát hiện bà xếp ngay ngắn những tờ tiền thật và những tờ giấy giả tiền thành hai xấp riêng. Suốt hai năm ấy bà già mù vẫn không hề hờn trách một lời nào. Nhưng đứa trẻ tự thấy mình vừa trải qua một bài học đắt giá. Bài học ấy theo nó đến suốt cuộc đời, rằng mình phải sống thật thà và tử tế. Lỗi lầm và những ngốc nghếch của tuổi thơ được người ta cất giấu vào chiếc hòm gỗ có chìa khóa mang tên “bí mật”. Và đâu ai biết rằng, chiếc chìa khóa vô hình ấy bỗng một ngày mở ra cho ta khung trời cũ, nhưng với một gam màu mới, gam màu của những điều đã dạy dỗ và theo ta gần hết một đời người.

Khi vô tình bắt gặp lại thế giới thần tiên của tuổi thơ nằm trong góc phòng xưa cũ, tôi thấy lòng mình dịu êm trước sự trôi chảy của thời gian. Tôi thấy tuổi thơ thật là kỳ diệu. Bởi khi ấy, một đứa trẻ dẫu sống trong cảnh nghèo khó hay no đủ đều có chung một niềm tin rất thật với chính mình và mọi thứ xung quanh. Niềm tin ngây ngô trong veo đó chính là mảnh đất màu mỡ đầu tiên, để cày xới và gieo hạt. Độ màu mỡ của cánh đồng ấy, chính là thước đo cho sự hoài niệm ở tương lai.

Có câu chuyện rằng, bà cụ chín mươi chín tuổi, thần trí lẫn lộn không nhớ bất cứ người thân quen nào, nhưng bà lại thuộc làu làu những bài đồng dao cách đây gần một thế kỷ. Những đứa cháu ngơ ngác ngạc nhiên. Bởi suốt bao năm, chưa bao giờ nghe bà đọc những bài đồng dao ấy. Chúng tồn tại trong bà già sắp bước qua tuổi một trăm, tự bao giờ. Để khi thần trí hóa trắng như mây, thì trong mây lại có những lời dạy tuổi thơ âm vang vần điệu gọi về. Hình như, những lời thơ, điệu nhạc khi mình là đứa trẻ con, sẽ là hành trang vô hình ký gửi vào đám mây của trời xanh, mãi mãi. Phải chăng, giá trị tinh thần có được ở tuổi thơ là những giá trị có sức tồn tại vĩnh hằng?

Tôi vẫn nhớ những ngày Trung thu của mình. Bố mẹ bận rộn với bao việc mưu sinh, ông nội ở nhà chăm tôi. Ông đã vót tre, dán giấy; cắt tỉa từng cái bông và cả hình chú Cuội ngồi ở gốc đa nơi cung trăng. Tôi chăm chú nhìn theo ông mà miệng thì luôn hỏi: Vì sao bông hoa có năm cánh vậy nội? Vì sao chú Cuội lại ngồi ở gốc đa?... Ông nội vừa làm món đồ chơi cho cháu, vừa từ tốn trả lời từng câu hỏi, một cách dí dỏm và rất tuổi thơ. Để rồi nhiều năm sau, khi tôi đã có đủ khả năng sắm cho mình hàng nghìn chiếc lồng đèn điện phong phú và đa dạng, nhưng lòng vẫn không thể nào quên câu trả lời của ông: “Ngôi sao năm cánh mừng cháu năm tuổi, khi cháu lớn lên một tuổi bông hoa sẽ mừng vui cho ra thêm một cánh”. Và, “chú Cuội ngồi ở gốc đa để xem bé nào ngoan chú sẽ biến vào giấc mơ, đặt cái bánh ở đầu giường trong ngày sinh nhật”.

Thế giới của tôi, và thế giới của bao người từng là “một đứa trẻ” đã trở nên đẹp đẽ, nên thơ bởi những câu chuyện của ông bà, cha mẹ, thầy cô mình. Những người luôn lắng nghe và luôn thấu hiểu rằng, trẻ thơ có một thế giới riêng, thế giới ấy chứa đựng một hạt mầm tâm hồn cần được nâng niu và tưới mát bằng tình yêu thương.

Những ngày vừa mới vào hè, nhìn ra ô cửa nhỏ của chung cư chật hẹp, tôi thấy ngoài khoảng trời còn có những cánh diều hình con bướm tung bay. Tôi quả quyết cánh điều ấy bọn trẻ tự tay làm. Bởi chỉ khi nào nhìn bằng đôi mắt tuổi thơ, thì mới thấy được những tâm hồn tuổi thơ khác ở bên mình. Thật may, nếu chúng ta còn hoài niệm, để thấy lòng mình cũng có lúc lắng trong giữa đời sống biến ảo không ngừng trôi chảy.

Tùy bút của ĐỖ YÊN KHÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mon-qua-cua-hoai-niem-661208