Món quà thị trưởng Mỹ tặng Hoàng Thái tử cách đây 60 năm đang đe dọa Nhật Bản
Một món quà từ thị trưởng Chicago (Mỹ) dành cho Hoàng Thái tử Nhật Bản Akihito vào năm 1960 đã châm ngòi cho khủng hoảng sinh thái học kéo dài nhiều thập niên tại đất nước Mặt Trời mọc.
Tờ National Geographic (Mỹ) cho biết khi Hoàng Thái tử Nhật Bản Akihito đến thăm Chicago ngày 3/10/1960, đề nghị duy nhất của ông là được đến thăm Thủy cung Shedd. Thị trưởng Chicago khi đó Richard J. Daley đã tặng Hoàng Thái tử Nhật Bản món quà mà chính ông này lấy ra từ bể cá trong thủy cung, đó là 18 con cá bluegill, loài cá linh vật chính thức của bang Illinois.
Tờ Chicago Tribune khi đó đưa tin rằng Hoàng Thái tử 26 tuổi vốn đam mê nghiên cứu cá và lên kế hoạch đưa những con bluegill này đặt vào hào xung quanh cung điện ở Nhật Bản.
Vào ngày hôm sau, Hoàng Thái tử đến sân bay quốc tế O’Hare để trở về Nhật Bản cùng món quà mà ông không thể tưởng tượng được rằng nó sẽ gây ra khủng hoảng sinh thái học nhiều thập niên tại quê nhà.
Nhà nghiên cứu Kenji Saitoh tại Cơ quan Nghiên cứu và Giáo dục Thủy sản Nhật Bản cho biết những con cá bluegill trở thành cơn ác mộng, loài xâm lăng nhiều hồ nước ngọt và sông tại Nhật Bản, phá hủy đa dạng sinh học cá địa phương. May mắn là sau 60 năm khoa học đã phát triển và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang thử nghiệm các biện pháp để xử lý loài cá ngoại lai bluegill.
Khi trở về quê nhà sau chuyến thăm Mỹ, Hoàng Thái tử Akihito đề nghị Cơ quan Thủy sản Nhật Bản nhân giống 15 con bluegill còn sống sót sau hành trình dài và hy vọng chúng sẽ được thả vào tự nhiên.
Năm 1966, “hậu duệ” của những con bluegill đến từ Mỹ năm nào được thả vào hồ Ippeki-ko ở ngoại ô thành phố Ito thuộc tỉnh Shizuoka. Ba năm sau đó, loài cá bluegill được thả thêm vào nhiều hệ thống hồ nước ngọt khắp Nhật Bản.
Nhà khoa học Nakai Katsuki tại Bảo tàng Hồ Biwa chia sẻ: “Vào thời điểm đó, chúng tôi chưa gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về loài du nhập và bluegill không nguy hiểm dựa trên thói quen kiếm ăn của nó, chúng không phải là loài ăn thịt hung dữ”.
Chính phủ Nhật Bản sau đó ngừng nhân giống bluegill vì loài cá này chậm lớn trong điều kiện nuôi nhốt. Ông Katsuki nói: “Trong một thời gian, bluegill đã bị lãng quên”.
Nhưng qua thời gian, loài cá này phát triển trong tự nhiên, sinh sôi nảy nở trong các sông, hồ và suối của Nhật Bản, mở rộng chế độ ăn của chúng từ côn trùng, sinh vật phù du và thực vật thủy sinh sang tôm và trứng cá bản địa. Trong môi trường sống của chúng ở Bắc Mỹ, bluegill sinh sản nhanh và sống lâu. Ở Nhật Bản, cá bờ biển bản địa đã tạm thời giữ số lượng loài bluegill trong tầm kiểm soát bằng cách ăn trứng và cá con của chúng.
Nhưng đến năm 1999, cá bluegill đã xâm chiếm tất cả các hệ sinh thái nước ngọt tại Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ nghiên cứu về sự phát tán của bluegill nhưng thời điểm này đã quá muộn.
Đến năm 2000, bluegill đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến các loài sinh vật bản địa quan trọng ở Nhật Bản. Tại hồ Biwa, bluegill đã tiêu diệt quần thể cá chép Crucian, loài cá đặc trưng của hồ và được yêu thích với món ăn ngon lên men mang tên funazushi.
Vì vậy, chính quyền tỉnh Shiga đã treo tiền thưởng 3 USD cho mỗi kg cá bluegill để khuyến khích các ngư dân bắt chúng, đồng thời ban hành một khoản tiền phạt 1.000 USD cho việc thả bluegill làm mồi câu cá. Một số nhóm nghiên cứu đã thiết kế các loại bẫy mới để bắt bluegill và trứng của chúng. Năm 2002, Bộ Môi trường Nhật Bản chính thức xác định bluegill là một mối đe dọa du nhập.
Chính quyền tỉnh còn tạo ra một trang web quảng bá các công thức nấu ăn với nguyên liệu chính là bluegill nhằm khuyến khích mọi người ăn loài cá này. Một công ty chế biến hải sản địa phương đã bán sushi bluegill và funazushi bluegill. Đại học Fukui gần đó đã thử bán bánh mì kẹp thịt cá bluegill. Nhưng ông Katsuki cho biết những sáng kiến này không đạt kết quả.
Vào tháng 6/2005, Đạo luật về các loài ngoại lai xâm chiếm quốc gia của Nhật Bản đã nhấn mạnh cấm nhập khẩu, sở hữu và vận chuyển 97 loài, bao gồm cả bluegill. Hai năm sau, Nhật hoàng Akihito chính thức đưa ra lời xin lỗi vì đã đưa loài cá này về Nhật Bản. Tờ Japan Times dẫn lời Nhật Hoàng Akihito nói: “Trái tim tôi đau đớn khi thấy mọi chuyện như thế này”.
Đến năm 2007, tại Nhật Bản có gần 25 triệu con cá bluegill. Năm 2005, chính quyền tỉnh Shiga chi tới 1,2 triệu USD để loại bỏ 420 tấn cá bluegill khỏi hồ Biwa. Nhờ nỗ lực của chính phủ quảng bá đánh bắt thương mại bluegill, loài cá này đã giảm một nửa số lượng. Nhưng nếu việc đánh bắt bluegill dừng lại, số lượng loài cá này sẽ tiếp tục tăng.
Gần đây, nhà di truyền học Hiroyuki Okamoto tại Nhật Bản đã tập trung vào công cụ biến đổi gene CRISPR-Cas9 để xử lý bluegill. Nhóm nghiên cứu của Okamoto đã giải trình tự bộ gene cả bluegill và tạo ra cá đực thế hệ đầu tiên có thể mang gene bất thụ cái vào quần thể bluegill hoang dã, loại bỏ khả năng sản xuất trứng của chúng. Chương trình đã bước vào năm thứ sáu trong phòng thí nghiệm.
Okamoto ước tính ông sẽ cần thả một số lượng cá bị biến đổi gene tương đương với 7% quần thể bluegill trong tự nhiên để diệt trừ hoàn toàn loài cá này ở Nhật Bản.
Nhiệm vụ có vẻ khó khăn nhưng ông Okamoto nói “không có cách nào hiệu quả hơn để loại bỏ các loài ngoại lai”. Ông cho rằng việc ức chế gene có thể thành công.
Tuy nhiên, ông vẫn chưa chắc chắn rằng các quan chức Nhật Bản có thông qua việc thả cá bluegill biến đổi gene vào hệ thống sông hồ tự nhiên hay không.