Món quà từ trại tạm giam và lời xin lỗi muộn
Ngô Thanh Dĩ vốn nghĩ rằng cái gọi là 'trả giá' gì đó cũng chỉ là '5 ăn, 5 thua' và biết đâu cuộc chơi của Dĩ luôn rơi lệch về phần thắng. Dĩ đâu ngờ, chính suy nghĩ 'điên rồ' đó đã đẩy bản thân vào vòng tù tội một cách 'lẹ làng' đầy hối tiếc đến như vậy…
Chỗ đứng của bị cáo ngày hôm ấy… chật cứng, có lẽ đây cũng là vụ án đầu tiên tại TP Đà Nẵng có số lượng bị cáo trong một vụ án lên đến con số 21. Màu xanh áo phạm trở thành “điểm nhấn” đập vào mắt mọi người nếu vô tình ngang qua đây. Người của hai băng nhóm tưởng rằng sẽ mãi là “hai đường tiệm cận không ngừng đến gần nhau nhưng mãi chẳng thể giao nhau” thì hôm nay đã vì một trận chiến mà xôm tụ lại một chỗ, đứng đó cùng nhìn về một hướng để… nhận án.
21 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này về các tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng” gồm Phạm Thanh Phong, Võ Văn Vy (cùng SN 1994, trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Phạm Công Diễn, Ngô Thanh Dĩ (cùng SN 1994, trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Trương Quốc Khanh (SN 1999), Đặng Văn Anh (SN 1998), Trương Quang Huy (SN 2003), Trương Văn Hà (SN 2002), Lê Công Hậu (SN 1999), Ngô Văn Tuyền (SN 2003),
Dương Thanh Dũng (SN 1999), Nguyễn Vũ Khánh Duy (SN 1999), Huỳnh Bảo Lê Duy (SN 1999), Lê Văn Tâm (SN 2001), Tạ Bá Hoàng Châu (SN 2002), Huỳnh Văn Vương (SN 1998), Bùi Văn Sinh (SN 1991), Nguyễn Thanh Luận (SN 1988), Nguyễn Viết Vũ (SN 1987), Nguyễn Quý Quá (SN 2002, cùng trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và Nguyễn Xuân Cường (SN 1996, trú P.Chính Gián, Q.Thanh Khên, TP Đà Nẵng).
Trong đó, các bị cáo Phạm Thanh Phong, Võ Văn Vy, Trương Quốc Khanh, Đặng Văn Anh, Trương Quang Huy, Trương Văn Hà, Lê Công Hậu, Dương Thanh Dũng, Nguyễn Vũ Khánh Duy, Huỳnh Lê Bảo Duy, Lê Văn Tâm, Ngô Thanh Dĩ, Bùi Văn Sĩnh, Phạm Công Diễn, Ngô Văn Tiền, Tạ Bá Hoàng Châu, Huỳnh Văn Vương phạm vào tội “Giết người”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Luận, Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Viết Vũ, Nguyễn Quý Quá phạm vào tội “Gây rối trật tự công cộng”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 318 BLHS .
Cáo trạng xác định, tối 22/4/2021 Phạm Thanh Phong, Võ Văn Vy, Trương Quốc Khanh, Đặng Văn Anh, Trương Quang Huy, Trương Văn Hà, Lê Công Hậu, Dương Thanh Dũng, Nguyễn Vũ Khánh Duy, Huỳnh Lê Bảo Duy, Lê Văn Tâm, Ngô Thanh Dĩ, Bùi Văn Sĩnh, Phạm Công Diễn, Ngô Văn Tiền, Tạ Bá Hoàng Châu và Huỳnh Văn Vương đã có hành vi dùng cây ba chĩa, đao, mác, mã tấu, dao phóng lợn, súng săn, súng bắn cá, gậy gỗ, tuýp sắt, thanh nhôm, gạch, đá, bình xịt hơi cay đánh, chém, đâm, ném làm cho Nguyễn Viết Vũ bị thương tích vùng ngực, đầu, mặt với tổng tỷ lệ thương tích là 46 % và Nguyễn Thanh Luân bị thương tích vùng cổ, vùng người, tay với tổng tỷ lệ thương tích là 19 %.
Cũng thời gian trên, Nguyễn Thanh Luận, Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Viết Vũ, Nguyễn Quý Quá dùng đao, mác, mã tấu, súng đánh nhau gây rối mất an ninh trật tự công cộng với nhóm Phạm Thanh Phong và Võ Văn Vy làm gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương…
Vụ án đông bị cáo nhưng trong số 21 bị cáo của phiên tòa hôm ấy, Ngô Thanh Dĩ “đặc biệt” gây chú ý cho những người dự khán. Từ đầu đến cuối đôi mắt Dĩ luôn ướt, nếu không phải trả lời thì đều cúi đầu, dí chặt mũi dép xuống nền gạch như cố tình dồn nén hết tất thảy cảm xúc của bản thân xuống đó. Ai cũng nói Dĩ “sui” mới phải nhận kết quả ngày hôm nay nhưng Dĩ biết, trong cuộc chơi này nếu đã gọi là băng, là nhóm thì không thể đứng ngoài khi có biến.
Nguyên nhân vụ hỗn chiến gây xôn xao dư luận là do ăn nhậu khai trương quán đường Phạm Vấn (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), trong đó băng Phong “khỉ” (Phạm Thanh Phong) đòi giảm giá nhưng nhóm Luận “bò” (Nguyễn Thanh Luận) bênh vực chủ quán đang khó khăn, thiếu tiền mua sữa cho con… Trong cả cả 2 đêm ăn nhậu, Dĩ đều vắng. Nhưng tối 22/4/2021, nghe đại ca Phong “khỉ” gọi điện, Dĩ không chần chừ liền mang theo súng bắn cá tham gia hỗn chiến và kết cục là hôm nay phải đứng chung ở đây.
Mặc dù có xì xào, có “lục đục” nhau trong khi trả lời các câu hỏi nhưng trên cơ bản tất cả các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời nói sau cùng cũng vì vậy mà đa số đều nói trên tinh thần nhanh, gọn, lẹ. Duy chỉ có Dĩ, lời nói sau cùng dài hơn, trong đó mỗi câu, mỗi chữ, mỗi cử chỉ đều là thái độ tràn đầy sự ân hận.
Sau những lời xin lỗi gia đình, người thân xuất phát từ tận đáy lòng, Ngô Thanh Dĩ thiết tha xin HĐXX xem xét, tạo điều kiện cho phép được gửi gia đình món quà lưu niệm mang theo từ nơi tạm giam. Đây là những món quà do chính tay Dĩ đan kết thủ công bằng dây dù trong suốt những ngày qua. Món quà Dĩ tặng mẹ là móc khóa hình trái tim kết chữ “Mẹ yêu” và “Bình an”; còn quà cho người yêu là giỏ hoa hồng kết tên Dĩ và tên người yêu “K.Đ - My memory - For my love” cùng vô số trái tim lãng mạn.
Những người có mặt tại phòng xét xử ngày hôm ấy thực sự nói không dối lòng chính là đã bị Dĩ làm cho cảm động. Nếu đem ra đong đếm, so đo, cân nhắc thì cái sai của Dĩ, dĩ nhiên là sai mười mươi nhưng ai cũng sẽ thấy được sự hối hận ăn năn của Dĩ đã tràn cả ra ngoài không tài nào giấu giếm. Đặc biệt, khi nói đến bản thân đã được làm cha, thì sự hối tiếc trong Dĩ lại càng lớn. Nếu như không có ngày hôm ấy thì không có ngày hôm nay, như vậy chắc chắn con của Dĩ sẽ có một người cha “đàng hoàng” và người con gái Dĩ yêu sẽ đường đường chính chính là một người vợ đúng nghĩa.
Cái sai của Dĩ chính là vậy, khi Dĩ bị bắt khi người yêu T.N.K.Đ có thai. Khi Dĩ ra tòa, con đã 1 tuổi nhưng cả hai chưa cưới và đương nhiên đến thời điểm này Dĩ chưa biết mặt con. Đây cũng chính là điều khiến sự day dứt, ân hận dày vò Dĩ trong suốt quá trình bị tạm giam. Món quà của Dĩ được làm, được gói ghém tỉ mẩn tất thảy sự yêu thương ở trong đó, cũng thể hiện một lời xin lỗi thật tâm tự đấy lòng.
Trước nguyện vọng của Dĩ, HĐXX hỏi Dĩ khi cầm cây ba chĩa hỗn chiến, chĩa súng bắn cá vào đối thủ và hét lên “thách tụi mày vào đây”, Dĩ có nghĩ đến mẹ, vợ và con không? Dĩ cúi đầu im lặng, đến khi ngẩng đầu, cặp mắt đã đỏ hoe.
Có lẽ rồi đây Ngô Thanh Dĩ sẽ nhớ rất lâu cái thời khắc ngoái đầu để nhìn về vợ và đứa con nhỏ mới 1 tuổi đứng nhìn Dĩ từ bậc cầu thang, trước khi Dĩ bước lên xe chở phạm.
Chưa bao giờ thời gian lại trở nên “nghiệt ngã” đối với Dĩ như thế, Dĩ càng muốn kéo dài thêm một chút để khắc ghi hình ảnh đứa con nhỏ vào trí nhớ lại càng không được phép. Dĩ phải mất thêm 8 năm để hối tiếc vì không có cơ hội để cùng vợ, gia đình nuôi dạy con, chứng kiến con lớn lên.
Dẫu biết đã quá muộn nhưng Dĩ vẫn thiết tha, chân thành gửi đến mẹ, đến vợ và người thân lời xin lỗi trước khi cánh cửa xe đóng lại, ngăn cách…