Môn tích hợp ở lớp 8, 9: Vẫn nên phân giáo viên đơn môn giảng dạy

Bộ GD&ĐT hướng dẫn phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công.

Năm học 2024 – 2025, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thực hiện ở lớp 5, lớp 9, lớp 12. Sau năm học này, toàn bộ lớp ở các bậc học phổ thông đều đã áp dụng chương trình mới.

Chương trình 2018 đổi mới rõ nét nhất ở bậc trung học cơ sở là xuất hiện môn tích hợp: môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý.

Thực tế, môn học tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên đã và đang là vấn đề của các cơ sở giáo dục, của giáo viên và cả học sinh.

Người viết đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngành Hóa – Sinh loại giỏi, đã từng là giáo viên giỏi các cấp cả môn Hóa học và Sinh học. Bản thân người viết đã tự nâng chuẩn đại học ngành Sư phạm Hóa, học và được cấp Chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, đã dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7, lớp 8.

Sau ba năm trực tiếp tham gia dạy môn Khoa học tự nhiên, cùng với đó là nghe chia sẻ của đồng nghiệp, người viết có một số nhận xét về sách giáo khoa, dạy, học môn Khoa học tự nhiên.

Thứ nhất, nội dung sách giáo khoa Khoa học tự nhiên thể hiện tính chất liên môn của các đơn môn Hóa học, Sinh học, Vật lý rất ít, chưa đủ để gọi môn Khoa học tự nhiên là môn tích hợp của các đơn môn Hóa học, Sinh học, Vật lý.

Chủ đề kiến thức “chung, tích hợp” có thể phân công giáo viên đơn môn dạy được rất ít, còn lại là các chủ đề đơn môn hoàn toàn.

Theo người viết, thời lượng số tiết có tính chất "tích hợp" đúng nghĩa ở mỗi lớp như sau: lớp 6 là 17 tiết, lớp 7 là 6 tiết, lớp 8 là 3 tiết, lớp 9 là 3 tiết có thể phân công giáo viên Vật lí, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên đảm nhiệm theo Phụ lục 1 Công văn Số: 5636/BGDĐT-GDTrH. [1]

 Ảnh chụp màn hình Phụ lục 1 Công văn 5636 do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình Phụ lục 1 Công văn 5636 do tác giả cung cấp

Với môn Lịch sử và Địa lý, sách giáo khoa tách bạch rõ ràng thành 2 đơn môn Lịch sử, Địa lý; môn Lịch sử và Địa lý chỉ là "ghép môn", chưa phải môn tích hợp.

Thứ hai, từ thực tế của bản thân và ý kiến của đồng nghiệp, người viết thấy khó có thể có giáo viên đơn môn nào đủ tự tin có thể dạy tốt được môn tích hợp, đặc biệt là ở lớp 8 và lớp 9 sắp tới.

Có thể nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên đã tốt nghiệp phổ thông, kiến thức trong sách Khoa học tự nhiên cũng chỉ là kiến thức phổ thông, dạy cho học sinh cũng dễ thôi, ai cũng có thể dạy được.

Đúng là nắm được kiến thức phổ thông ai cũng có thể dạy được, nhưng dạy như thế nào, thầy dạy hay học sinh phổ thông dạy; biết một dạy một hay biết mười dạy một, là hoàn toàn khác nhau.

Biết mười dạy một mới có thể gọi là thầy dạy, nếu chỉ biết một, dạy một, học sinh tiếp thu lại rơi rụng một phần thì học được cái gì? Thầy biết một dạy một làm sao kiểm tra đánh giá học sinh, giúp học sinh có kiến thức, kĩ năng?

Thực tế, sau thời gian dạy học, kiến thức ngoài môn chuyên của giáo viên dần rơi rụng.

Ngay bản thân người viết, kiến thức phổ thông môn Vật lý sau hơn 20 năm dạy Hóa - Sinh gần như đã quên hết, giờ đọc sách giáo khoa phần Vật lý như mới hết, phải học lại từ đầu.

Thứ ba, giáo viên đơn môn khi dạy môn tích hợp chỉ có thể truyền cảm hứng, tạo hứng thú cho học sinh học tốt phần kiến thức đơn môn của giáo viên được đào tạo.

Muốn tạo hứng thú cho người học, ngoài phương pháp phù hợp, người dạy phải có kiến thức chuyên sâu mới có thể mở ra chân trời mới cho học sinh, tạo “thần tượng” cho học sinh.

Giáo viên không thể chỉ qua tự học, tự đào tạo trong ngày một ngày hai mà có thể có kiến thức chuyên sâu, nếu làm được điều đó đâu cần gì trường sư phạm, đâu cần gì sự giảng dạy của giáo sư, tiến sĩ.

Cho nên, giáo viên được đào tạo đơn môn, khi dạy môn tích hợp sẽ có thể để lại lỗ hổng về kiến thức cho học sinh.

Thứ tư, giáo viên đào tạo đơn môn dạy môn tích hợp chỉ có lợi cho nhà trường trong quản lý, thuận lợi cho giáo viên; giáo viên chủ động trong ra đề kiểm tra đánh giá, vào điểm, nhưng học sinh thiệt thòi, học sinh không thích, không muốn giáo viên được đào tạo đơn môn dạy môn tích hợp.

Năm học vừa qua, người viết đã thăm dò học sinh lớp 8 mà bản thân mình dạy môn Khoa học tự nhiên với câu hỏi: “Em thích thầy dạy phần kiến thức nào sau đây: Hóa học, Sinh học, Vật lý”. Kết quả là 100% học sinh thích học phần kiến thức Hóa học, Sinh học; số học sinh thích học phần Vật lý rất ít.

Có học sinh trải lòng với tôi: "Em nói thật, thầy đừng buồn nha. Khi thầy dạy Hóa, Sinh thì thật tuyệt, còn đến Lý, em cảm nhận rõ sự lo lắng, thiếu tự tin của thầy khi các bạn hỏi mở rộng hay hỏi khó...".

Thực tế, người viết cũng đã tự học, tự đào tạo, tự tìm hiểu lại kiến thức môn Vật lý, nhưng không thể đạt được kiến thức chuyên sâu đủ tự tin khi học sinh hỏi ngoài sách giáo khoa hay hỏi bài tập khó, đáng buồn hơn, chính là không tạo hứng thú học tập cho học sinh được.

Người viết cũng đã trao đổi với một số giáo viên tâm huyết, thực hiện khảo sát có nội dung tương tự, cũng có kết quả tương tự.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn phân công giáo viên dạy môn tích hợp: Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên. [2]

Từ thực tế, người viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng bộ môn môn tích hợp nói chung, môn Khoa học tự nhiên nói riêng như sau:

Thứ nhất, nhà trường tuyệt đối không ép buộc giáo viên đào tạo đơn môn dạy môn tích hợp, nếu ép buộc bằng chỉ đạo hành chính, giáo viên sẽ chấp hành, có thể thuận lợi cho nhà trường nhưng học sinh sẽ thiệt thòi.

Nhà trường, các tổ chuyên môn hãy để giáo viên bàn bạc, chủ động trong việc phân công chuyên môn với giáo viên dạy môn tích hợp.

Với khối 6, khối 7, kiến thức còn đơn giản, giáo viên có thể dạy cả môn tích hợp, còn với khối 8, khối 9, kiến thức đã chuyên sâu, phân hóa thì không nên.

Thứ hai, khi dạy môn tích hợp, giáo viên cần nêu rõ kiến thức mỗi chủ đề thuộc đơn môn nào để học sinh biết, làm quen với với các đơn môn, giúp học sinh có cơ sở để chọn lựa tổ hợp môn khi vào học lớp 10.

Thứ ba, các địa phương nên bỏ thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở, nếu tổ chức thi học sinh giỏi thì không nên thi môn tích hợp.

Việc bỏ thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở sẽ giảm áp lực cho học sinh, giúp học sinh có thời gian trải nghiệm công bằng với các môn học để phát hiện được năng lực, phẩm chất của mình, có định hướng nghề nghiệp sớm, giúp công tác phân luồng sau trung học cơ sở sẽ dễ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5636-BGDDT-GDTrH-2023-xay-dung-ke-hoach-day-hoc-cac-mon-hoc-Khoa-hoc-tu-nhien-584066.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mon-tich-hop-o-lop-8-9-van-nen-phan-giao-vien-don-mon-giang-day-post244868.gd