Mộng ca hát không thành, ông lão ve chai về ở nghĩa trang, nguyện chăm sóc mộ nghệ sĩ

Ở tuổi 63, ông Độ lui về sống ở Nghĩa trang và Chùa Nghệ sĩ (Gò Vấp, TP.HCM). Ban ngày ông cùng mọi người chăm sóc mộ phần, ban đêm thì đi nhặt ve chai kiếm sống.

"Tui không hát thì cho tui kéo màn, làm công việc tay chân gì cũng được, miễn sao ở cạnh đoàn, được rày đây mai đó là tui vui…" - Đó là lần đầu tiên anh Chín Độ (tên thật Nguyễn Văn Độ-PV) năm 14 tuổi xin theo đoàn cải lương Trâm Hoa Mai đi lưu diễn khắp Nam Kì Lục tỉnh.

Ấy vậy, đối với anh Chín Độ kéo màn sân khấu năm nào, 3 năm ngắn ngủi trước khi Trâm Hoa Mai giải thể, đó mãi mãi là năm tháng rực rỡ và tươi đẹp nhất cuộc đời.

Dù chỉ tham gia phụ kéo màn, nhưng niềm đam mê sân khấu vẫn chảy mãi trong người ông Độ.

Dù chỉ tham gia phụ kéo màn, nhưng niềm đam mê sân khấu vẫn chảy mãi trong người ông Độ.

14 tuổi theo nghiệp sân khấu, hơn 50 tuổi lui về ở Nghĩa trang và Chùa Nghệ sĩ

Ông Độ kể lại, khi vừa sang lớp 9, vì đam mê âm nhạc nên ông đã xin bố mẹ được theo đoàn cải lương đi biểu diễn. Giữa lúc gia cảnh nghèo, không thể tiếp tục cho con đến trường nên gia đình ông nhanh chóng đồng ý.

Những 60 của thế kỷ trước, cải lương là loại hình nghệ thuật thịnh hành nhất Nam Kỳ Lục tỉnh. Ở Sài Gòn, các đoàn lớn như Kim Chung, Dạ Lý Hương... đêm đêm khán giả ngồi chật rạp, hàng loạt tên tuổi như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, nghệ sĩ Thanh Nga… khiến ai nấy đều say mê.

Riêng đoàn Trâm Hoa Mai, dù là đoàn nhỏ, chỉ chuyên hát hò ở đình, ở chợ những khán giả cũng đông đúc tận miền Tây Nam Bộ đến Phú Yên, Bình Định.

Ông Độ vẫn nhớ mãi thời huy hoàng của cải lương.

Ông Độ vẫn nhớ mãi thời huy hoàng của cải lương.

Dù cái duyên sân khấu chưa bén, công việc chỉ đủ 3 bữa ăn, ông Độ vẫn một mực nhận trọng trách kéo màn sân khấu để được ở lại, theo chân các nghệ sĩ rày đây mai đó.

Đến 3 năm sau, ông bầu đoàn Trâm Hoa Mai đột ngột qua đời, danh nghệ sĩ lần lượt bỏ đoàn, tỏa đi tứ phương lập nghiệp. Từ đó, một mình ông Độ quay về Sài Gòn, hành nghề bán vé số qua ngày.

"Tui quen được vợ, có với nhau một đứa con, nhưng nhiều năm sau thì cô ấy cũng mất. Con cái giờ đã có gia đình nhưng nghèo, tui không muốn phiền hà ai nên vẫn chọn ở lại TP.HCM tự nuôi thân mình" - ông Độ kể lại.

Ở tuổi xế chiều, ông lui về Nghĩa trang & Chùa Nghệ sĩ ở cạnh các mộ phần.

Ở tuổi xế chiều, ông lui về Nghĩa trang & Chùa Nghệ sĩ ở cạnh các mộ phần.

Một lần tình cờ bán vé số quanh Nghĩa trang & Chùa Nghệ sĩ, ông Độ ghé vào, xin được tá túc ở lại để làm công quả cho các nghệ sĩ. Ấy vậy, bầu Xuân thấy lòng thành nên nhanh chóng đồng ý.

Thế là từ năm 2003, ông Độ ở trong một căn phòng giữa nghĩa trang. Ban ngày ông quét dọn sân vườn, cùng ông Tèo (người chăm sóc mộ phần-PV) phụ lau chùi, phát cỏ và dẫn khách đi tham quan mộ phần của các cố nghệ sĩ nổi danh.

Qua nhiều năm, ông lão đã nhớ kỹ từng chi tiết, khu mộ của từng nghệ sĩ trong khuôn viên nghĩa trang.

"Đối với tôi ở đây có nghệ sĩ tôi kính trọng, yêu mến nên nó giờ mới là ngôi nhà của tôi vậy" - ông Độ cười.

Khu mộ của cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Khu mộ của cố nghệ sĩ Thanh Nga.

"Ở cạnh nghệ sĩ, chăm sóc họ, đó là niềm vinh dự…"

Một lần trong quá trình làm việc, ông Độ đột ngột động kinh. Từ đó, một bên cánh tay ông co quắp hoàn toàn. Ông thôi không đi bán vé số, ban đêm chỉ nhặt ve chai ở các khu dân cư gần bên.

"Cơm thì các sư nấu cho, đồ ăn thì mỗi ngày chỉ 20, 30 nghìn đồng. Thấy tui tội, nhiều gia đình cố nghệ sĩ đến thăm viếng là cho tiền. Có mỗi đợt dịch kéo dài 4 tháng không ra ngoài được, tui chỉ gắng gượng ăn cơm với nước tương…"

Ban đêm ông hành nghề ve chai để kiếm thêm thu nhập.

Ban đêm ông hành nghề ve chai để kiếm thêm thu nhập.

Dù ở tuổi cuối đời, cuộc sống chẳng mấy tốt đẹp, thế nhưng đối với ông Độ, mỗi ngày được ở bên cạnh các cố nghệ sĩ, đó là niềm vinh dự.

"Dù ngày xưa chỉ phụ kéo màn nhưng nhiều người tới đây vẫn xưng với tôi là nghệ sĩ khiến tôi vui lắm. Sau này già nữa không làm được thì tôi về viện dưỡng lão nghệ sĩ, mất đi rồi thì cũng chỉ mong được chung với các anh chị ca hát như thế thôi…" - ông Độ cười.

Người thân của các nghệ sĩ nhờ, ông sẽ nhanh chóng đi xách nước để chăm các cây cảnh.

Người thân của các nghệ sĩ nhờ, ông sẽ nhanh chóng đi xách nước để chăm các cây cảnh.

Bà Thúy Phượng (người thân của một cố nghệ sĩ) chia sẻ: "Bản thân thấy ông Độ sống ở đây rất lâu. Ông hiền lành, chịu khó, ngay cả ngày Tết cũng không về quê mà ở lại để phụ giúp mọi người hương hoa khiến ai nấy đều thương. Giờ già yếu, không còn đủ sức nên lần nào đến đây tôi cũng cho ông ít tiền thuốc men, chỉ mong ông có thể sống lâu dài ở Nghĩa trang Nghệ sĩ để phụ giúp mọi người…".

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/mong-ca-hat-khong-thanh-ong-lao-ve-chai-ve-o-nghia-trang-nguyen-cham-soc-mo-nghe-si-172211209100525169.htm