Mong dịp lễ ai ra đường cũng trở về nhà

Tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng nó vẫn cứ xảy ra. Mỗi ngày, có nhiều người ra đường và không thể trở về nhà.

Tây Nguyên là nơi tôi sẽ tới trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 dài 4 ngày năm nay. Đây không phải là chuyến đi nghỉ mà là việc riêng đột xuất. Tôi thuộc số ít người không dùng ngày lễ để đi chơi, đi nghỉ vì rất ngại việc đi lại đông đúc, đặc biệt là ái ngại về nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Cận lễ nên vé xe, vé máy bay vừa đắt vừa khó mua. Các hãng xe giường nằm cao cấp tuyến về Pleiku (Gia Lai) đã cháy vé. Những hãng xe phổ biến thì cũng chỉ còn những ghế hàng cuối, rất xóc.

Không giữ khoảng cách, 3 xe ô tô tông nhau trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7, làm 2 người chết, nhiều người bị thương.

Không giữ khoảng cách, 3 xe ô tô tông nhau trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7, làm 2 người chết, nhiều người bị thương.

Mua không được vé nhưng quả thực cũng mừng cho các hãng xe. Như vậy là đã "sống" lại rồi, sau mấy năm ngắc ngoải vì dịch bệnh.

Tính đi tính lại, tặc lưỡi mấy lần, tôi quyết định tự chạy xe từ TP.HCM đi Gia Lai, khoảng cách là 501km. Tôi không ngại đường dài, chỉ ngại ngày lễ đông đúc, xe cộ nhiều, nhất là TNGT - điều mà không hề ai mong muốn. Nhưng có một thực tế là lễ, Tết nào TNGT cũng tăng so với ngày thường, thậm chí tăng cao.

Như dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, toàn quốc có 347 vụ TNGT, làm 138 người chết, 285 người bị thương. Dù đã giảm về số người chết và số vụ (so với kỳ nghỉ lễ năm 2023) nhưng cao hơn mức bình quân rất nhiều. Tính ra trong 5 ngày nghỉ lễ, bình quân mỗi ngày có khoảng 27 người ra đường và không trở về nhà.

TTính chung 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 2.723 người chết vì TNGT, tức bình quân 13 người mỗi ngày.

Một câu hỏi luôn khiến tôi, và chắc hẳn với nhiều người luôn ám ảnh: Ngày lễ, ngày Tết là ngày rất vui, mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, hạnh phúc bên gia đình hoặc đi du lịch, nhưng tại sao vẫn có nhiều người sáng ra đường mà tối không thể về nhà?

CSGT Đội Hàng Xanh (TP.HCM) lập biên bản phạt một người đi xe máy có nồng độ cồn vượt mức 0,4mg/lít khí thở. Ảnh: Đặng Đại

CSGT Đội Hàng Xanh (TP.HCM) lập biên bản phạt một người đi xe máy có nồng độ cồn vượt mức 0,4mg/lít khí thở. Ảnh: Đặng Đại

Trong khi đó, hạ tầng giao thông những năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều, giúp người dân lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn. Hàng loạt tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp, sửa chữa giúp phương tiện đi lại êm thuận. Nhưng vì sao TNGT vẫn cứ xảy ra, và tăng cao mỗi dịp lễ?

Tôi nghĩ, nguyên nhân chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. Hầu hết các vụ TNGT thời gian qua đều do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia rồi cố tình lái xe, thậm chí không tuân thủ các quy tắc giao thông đơn giản nhất.

Nhất là trên cao tốc, việc tham gia giao thông đòi hỏi tài xế phải cẩn trọng hơn rất nhiều, nắm vững các kỹ năng cũng như kiến thức về an toàn giao thông hơn. Thực tế, từ những vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến cao tốc gần đây cho thấy, hầu hết đều xuất phát từ lỗi hoặc sự chủ quan của các tài xế.

Hay như hành vi uống rượu bia lái xe, dù cơ quan chức năng đã xử lý rất quyết liệt, song vẫn còn không ít người cố tình vi phạm. Họ sẵn sàng lái xe trong tình trạng mất kiểm soát, và khi hậu quả xảy ra, đâu chỉ bản thân họ phải gánh chịu hậu quả.

Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng chẳng ai nói trước được điều gì.

Và để không còn những vụ tai nạn đau lòng, không gì khác, mọi người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Bởi chỉ cần một tích tắc chủ quan, hậu quả sẽ khó mà nói trước. Lúc đó, mọi lý do biện bạch đều vô nghĩa.

Mong sao, dịp lễ Quốc khánh năm nay, "ai đi sao về vậy", ai ra đường rồi cũng sẽ trở về nhà, để dịp lễ được trọn vẹn niềm vui.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mong-dip-le-ai-ra-duong-cung-tro-ve-nha-192240830045033361.htm