Mong manh cuộc sống những gia đình bên bờ sông Vinh
Cách mố cầu Cửa Tiền 2 mấy chục mét về phía Bắc, bên bờ sông Vinh, phường Cửa Nam, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) có 3 gia đình sinh sống trong mấy cái chòi tạm bợ bằng những cọc tre, che tôn. Bên kia bờ sông Vinh là Khu đô thị mới Cửa Tiền – Vinh Tân với những biệt thự đồ sộ, nguy nga, đường sá tấp nập...
Mấy căn chòi ổ chuột cách những căn nhà cao tầng, dân sống đông đúc chỉ một con đường.
Chồng bà Hoàng Thị Thắng (quê ở xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) mất sớm, mấy mẹ con bà phiêu dạt đến ở đây cũng ngót nghét hơn 20 năm.
Ngày ngày bà Thắng đánh bắt cá trên sông Vinh kiếm sống. Những năm gần đây, sông Vinh ô nhiễm nghiêm trọng, cá cũng ít hơn trước nhiều, chài lưới bữa được bữa không. Quê nhà cũng không còn đất nhà, gia đình bà đành quanh năm lên đênh trên mặt sông, cuộc sống mong manh.
Gia đình anh Ngô Tuấn Anh, chị Trần Thị Sen cũng lênh đênh ở khúc sông này gần chục năm. Anh Tuấn Anh quê ở Hưng Lam, một xã ven Sông Lam, trước đây làm nghề khai thác cát và vận chuyển cát. Từ khi không được khai thác cát ở Hưng Lam, anh lang thang đến đoạn sông này dựng lều ở tạm bợ. Hàng ngày, anh nghề bốc vác thuê trong chợ Vinh, còn vợ anh thuê ki - ốt làm nghề cắt tóc.
Chỗ ở của anh chị và 2 đứa con chỉ khoảng 6 - 7 m2. Đứng trên bờ sông nhìn xuống không khác gì một tổ chim nằm lưng chừng gốc cây gần đó. Giọng anh đượm buồn: “Cực chẳng đã mà ở đây, mưa bão đến là cuốn bay chỗ ở của mấy gia đình. Thế là mọi người lại đi mua tre, nứa về dựng lại. Cơn bão năm ngoái chúng tôi chẳng ai còn chỗ mà ở. Thỉnh thoảng chính quyền ra yêu cầu chuyển đi chỗ khác, những chẳng biết đi đâu, đành liều ở đây”.
Chung cảnh lênh đênh, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng cũng quê xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, đến ở đây được hơn 1 năm. Con gái chị kể: “Bố cháu đau yếu rồi mất, một mẹ nuôi ba chị em. Trước đây gia đình cũng có một căn nhà xập xệ ở khối 15, phường Cửa Nam. Sau khi bố mất nợ nần chống chất, nợ tiền bố đi viện, nợ tiền cho chúng cháu ăn học, nên mẹ phải bán đi. Bán nhà tiền không đủ trả nợ, bốn mẹ con đưa nhau xuống đây ở”.
Một năm nay, chị Hằng đi làm giúp việc nhà, sáng 6h đi, tối 17h mới về. Hai đứa con lớn thương mẹ vất vả vào TP HCM làm ăn, nhưng mấy tháng nay do dịch Covid-19 không có việc làm. Con gái chị chia sẻ, sẽ cố gắng học hết lớp 9 rồi nghỉ để đi làm phụ mẹ. “Cháu muốn học lắm, nhưng với đồng tiền ít ỏi của mẹ làm sao cung cấp đủ cho cháu học tiếp. Cháu ước gì gia đình cháu được một phần nhỏ như gia đình các bạn trong lớp”, con gái chị Hằng nói.
Trong cả ba căn lều nhỏ của ba gia đình chẳng có một đồ vật gì đáng giá. Khách đến ngồi trên những tấm ván lát tạm, chỗ nằm được kê ván...
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết, những hộ này từ các nơi khác dạt về đây làm ăn, không phải người phường nên phường không quản lý. Họ chỉ đăng ký tạm trú tạm vắng tại địa phương.
Trước đây, có 1 hộ người trong phường đi bộ đội về, kinh tế khó khăn, không có chỗ ở xuống dựng lều ở. Sau nhiều năm vận động, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương nên hộ này đã lên bờ, có chỗ ở ổn định.
Ba gia đình còn lại, năm 2019, MTTQ thành phố và MTTQ phường có đến khảo sát nhưng vẫn chưa có chủ trương cụ thể.
“Cũng thấy và biết họ quá vất vả, nhưng điều kiện của địa phương cũng có hạn nên khó có thể đưa các hộ lên bờ được. Cũng mong các ngành có hướng giải quyết, giúp những họ dân này sớm an cư lạc nghiệp”, ông Tuấn nói.
Cuộc sống của những hộ dân còn mong manh khi vẫn phải bám vào mép sông. Mùa mưa bão đến, họ lại canh cánh lo tính mạng của mình và người thân.