Mong muốn góp sức xây dựng quê hương

Mùa xuân năm 1975 đã để lại mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, giang sơn thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. Trong không khí hân hoan, rạo rực nhân dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng những người sinh ra trên mảnh đất Quảng Trị vào năm 1975. Mặc dù hoàn cảnh xuất thân, nghề nghiệp khác nhau nhưng họ đều có chung nghị lực vươn lên trong cuộc sống, công việc và mong muốn góp sức xây dựng quê hương.

 Anh Lê Cảnh Thu tác nghiệp tại hiện trường - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Anh Lê Cảnh Thu tác nghiệp tại hiện trường - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Trong những lần tác nghiệp tại huyện Triệu Phong, chúng tôi luôn thấy anh Lê Cảnh Thu, phóng viên của Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao (VHTT-TDTT) Triệu Phong có mặt từ sớm với tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Anh Thu sinh ngày 20/1/1975 tại Quận Nhì, Đà Nẵng (cũ). Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình anh trở về quê hương sinh sống ở thôn Bích Trung, xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong. “Nhà tôi có 5 anh em. Mặc dù những năm sau ngày đất nước thống nhất gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng ba mẹ vẫn răn dạy chúng tôi cố gắng học hành để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, anh em chúng tôi luôn động viên nhau học tập thật tốt để ba mẹ yên lòng”, anh Thu trải lòng.

Năm 1999, anh Thu tốt nghiệp THPT và thi đậu vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế (TP. Huế). “Mặc dù học lịch sử nhưng duyên số đẩy đưa tôi đến với nghề báo. Những năm đầu về quê, tôi làm cộng tác viên cho Báo Quảng Trị. Có thể nói, đây là nơi tôi được tiếp cận cách thức làm báo chuyên nghiệp và rèn giũa cho tôi tình yêu với nghề báo cũng như nghiệp vụ làm báo sau này. Sau đó ít lâu, tôi được Đài Truyền thanh huyện Triệu Phong (nay là Trung tâm VHTT-TDTT Triệu Phong) ký hợp đồng lao động và gắn bó cho đến bây giờ. Tôi luôn quan niệm rằng mình yêu nghề thì nghề sẽ yêu lại mình”, anh Thu kể.

Với tinh thần cầu thị, thái độ làm việc nghiêm túc nên anh Thu nhanh chóng được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao về kỹ năng xử lý tin, bài và quay, dựng phim. Vừa làm trôi tròn nhiệm vụ mà cơ quan giao phó, anh vừa viết tin, bài gửi cộng tác đến các cơ quan báo, đài địa phương và trung ương. Không chỉ được nhiều đồng nghiệp tin yêu, anh Thu còn khiến nhiều người nể phục, quý mến bởi tấm lòng thơm thảo. Tính đến nay, anh đã 18 lần tham gia hiến máu cứu người và tích cực vận động bạn bè, người thân cùng đi hiến máu để nhân lên nghĩa cử cao đẹp.

Một ngày đầu tháng 4, tôi gặp anh Nguyễn Đình Độ (sinh ngày 16/12/1975) ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, là một trong những người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế nơi vùng cát Gio Mỹ.

 Anh Nguyễn Đình Độ là người tiên phong làm trang trại, phát triển kinh tế tại xã Gio Mỹ - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Anh Nguyễn Đình Độ là người tiên phong làm trang trại, phát triển kinh tế tại xã Gio Mỹ - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Anh Độ là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Trong ký ức của anh, những ngày nghèo khó, cơm không đủ no, áo không đủ mặc như vừa mới hôm qua. “Mặc dù lúc đó còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ những năm sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống gia đình tôi và bà con trong làng rất nghèo. Nghèo đến nỗi trong nhà không có khoai sắn nên ba mẹ tôi phải đào gốc chuối lên để luộc ăn. Hầu như trong suy nghĩ của chúng tôi lúc ấy là chỉ mong sao có một bữa cơm thật no”, anh Độ nhớ lại.

Học xong lớp 12, anh Độ đi bộ đội ở Tiểu đoàn 43, Trung đoàn Bộ binh 842, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị. Trong quân ngũ, anh vừa nỗ lực rèn luyện, vừa chăm chỉ học hành, bồi dưỡng kiến thức. Kỳ thi đến, anh viết đơn xin nghỉ phép để vào Quảng Nam dự thi. Nhờ quá trình nỗ lực, chăm chỉ học tập, anh thi đậu vào Trường Trung cấp Thủy lợi (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, trong đơn vị ai nấy đều ngạc nhiên nhưng cũng không giấu được niềm vui cho người lính trẻ. “Tôi được ra quân trước thời hạn 6 tháng để nhập học. Lúc này, tiền ra quân gần đủ để nộp học phí cho 2 năm. Tôi cũng nhận được học bổng trong suốt thời gian học tại trường. Nhờ vậy mà ba mẹ tôi đỡ vất vả phần nào”, anh Độ kể.

Từ năm 2005 đến nay, anh Độ làm công chức địa chính - nông nghiệp tại UBND xã Gio Mỹ. Là cán bộ, đảng viên, anh luôn cầu thị trong công tác, tích cực học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương. Năm 2010, anh xây dựng trang trại tổng hợp ở vùng cát cạnh bìa làng với diện tích khoảng 20 ha. Hiện tại, anh Độ đang trồng 1ha cỏ voi và chăn nuôi 20 con bò giống, 2 ha cá nước ngọt và hơn 10 ngàn con gà, vịt.

Ấn tượng ban đầu khi gặp anh Lê Văn Hải (sinh ngày 6/6/1975), Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hồ là người giản dị, dễ gần và tràn đầy năng lượng tích cực. Năm 1998, anh Hải tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trở về Quảng Trị, anh bắt tay vào nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin vào công việc văn phòng tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian này, anh mở trung tâm đào tạo tin học, hỗ trợ các cơ quan nhà nước, trường học, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp thiết bị máy vi tính.

 Anh Lê Văn Hải là người tràn đầy năng lượng tích cực - Ảnh: Trần Tuyền

Anh Lê Văn Hải là người tràn đầy năng lượng tích cực - Ảnh: Trần Tuyền

Sau đó ít lâu, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hồ (trụ sở tại thành phố Đông Hà), chuyên về du lịch lữ hành, phân phối sơn Thái Lan, cung cấp thiết bị máy vi tính, camera giám sát… Hiện nay, công ty của anh mở rộng thị trường vào Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận. “Công ty tôi hiện phát triển mạnh về mảng du lịch và phân phối sơn Thái Lan. Tôi đang thực hiện mô hình kinh doanh “Cổ đông vận hành” trong công ty mình hơn 1 năm nay để hỗ trợ, giúp đỡ những người trẻ khởi nghiệp. Đây là mô hình đa điểm, mỗi người đều có thể là 1 cổ đông, 1 mắt xích trong hệ thống chung. Vì đã có “lõi” hệ thống được xây dựng từ trước nên mỗi người khi tham gia vào mô hình này tiết kiệm đáng kể về chi phí, công sức trong kinh doanh. Mô hình này hiện đang được tôi triển khai hiệu quả ở hệ thống Quảng Bình, Huế và trong tỉnh”, anh Hải nói. Ngoài trụ sở chính ở Đông Hà, công ty anh còn có văn phòng đại diện ở một số huyện, thị xã trong tỉnh và sắp khai trương văn phòng đại diện ở Quảng Bình.

Anh Hải là người luôn tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra cái mới phù hợp nhất trong công việc và cuộc sống. Mặc dù bận bịu điều hành doanh nghiệp nhưng anh Hải tự tay viết phần mềm quản lý bán hàng, bảo hành, thiết kế và điều hành tua du lịch ứng dụng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Trong quá trình vận hành kinh doanh, anh vừa áp dụng phần mềm, vừa cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp thực tế nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Anh Hải cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hướng đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua, anh vận động, kết nối, kêu gọi bạn bè trong và ngoài tỉnh ủng hộ khoảng 700 triệu đồng cho người dân vùng bị ngập lụt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157270&title=mong-muon-gop-suc-xay-dung-que-huong