Mong muốn QIA vào khảo sát các dự án đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Tối 30/10, giờ địa phương, sau khi tới Doha bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sheikh Bandar Al Thani, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) kiêm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar và ông Sheikh Faisal Al Thani, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á, châu Phi của QIA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sheikh Bandar Al Thani, Chủ tịch HĐQT Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA). (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sheikh Bandar Al Thani, Chủ tịch HĐQT Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA). (Ảnh: Thanh Giang)

QIA là Quỹ đầu tư quốc gia của Qatar, được thành lập bởi Nhà nước Qatar vào năm 2005 để củng cố nền kinh tế của đất nước bằng cách đa dạng hóa các loại tài sản mới. Đến hết năm 2023, QIA có vốn tài sản ước tính khoảng 475 tỷ USD. QIA quản lý thặng dư dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Chính phủ Qatar. Do chiến lược đặt ra là giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc của Qatar vào giá năng lượng, Quỹ chủ yếu đầu tư vào các thị trường quốc tế (Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương) và trong Qatar ngoài lĩnh vực năng lượng. Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030 chuyển đổi từ doanh thu dựa trên khí đốt tự nhiên sang các khoản đầu tư.

Chủ tịch QIA Sheikh Bandar Al Thani bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng tại Qatar; quan hệ chính trị 2 bên rất tốt đẹp; QIA đang tìm hiểu những dự án đầu tư dài hạn ở Việt Nam; tin rằng thị trường Việt Nam là mới nổi, có nhiều cơ hội kinh doanh; cho biết chính sách của QIA là khá khắt khe trong lựa chọn dự án đầu tư lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Sheikh Bandar Al Thani, Chủ tịch HĐQT Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA). (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Sheikh Bandar Al Thani, Chủ tịch HĐQT Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA). (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tập trung vào các dự án hạ tầng chiến lược gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục. Trong hạ tầng giao thông, Việt Nam đang tập trung vào hệ thống đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, cảng hàng không, cảng biển trung chuyển quốc tế; về hạ tầng mềm như viễn thông, vệ tinh viễn thám, truyền thông, hệ thống cáp quang, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, các dự án điện gió ngoài khơi, trong bờ, dự án điện năng lượng mặt trời, các dự án liên quan tích điện, hệ thống truyền tải điện… rất đang cần được đầu tư.

Thủ tướng trân trọng mời QIA vào Việt Nam khảo sát danh mục các dự án, có thể trước mắt QIA cử 1 tổ kỹ thuật vào tiền trạm. Để bảo đảm cho các nhà đầu tư lâu dài, Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; thực hiện đột phá về hạ tầng chiến lược để bảo đảm giảm giá thành, chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa; chú trọng các hạ tầng y tế, giáo dục, bảo đảm phúc lợi; xây dựng thể chế thông thoáng, phù hợp xu thế phát triển hiện nay, bảo đảm công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm các thủ tục hành chính, giảm các chi phí tuân thủ; bảo đảm thể chế đáp ứng ngay các yêu cầu của nhà đầu tư, giảm chi phí đi lại…; đột phá về nguồn nhân lực để nâng cao tính hiệu quả cho các nhà đầu tư, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm hiệu quả cao hơn trong sử dụng lao động.

Thủ tướng muốn mời QIA nghiên cứu tìm các dự án phù hợp. Chính phủ Việt Nam rất ủng hộ việc này; ngoài ra, QIA có thể tư vấn cho Việt Nam những vấn đề liên quan kinh tế, đầu tư.

Thanh Giang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mong-muon-qia-vao-khao-sat-cac-du-an-dau-tu-lau-dai-tai-viet-nam-post842252.html