Mong ngân hàng khoanh nợ, cho vay mới...

Ông Nguyễn Văn Mười vớt được bình ắc quy trên con tàu đã chìm của gia đình và cố gắng sửa lại để dùng nhưng không được. Ảnh: LÊ HẢO

Mong ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời cho vay mới để tái sản xuất, ổn định cuộc sống và có điều kiện trả nợ. Đó là mong muốn chung của nhiều ngư dân ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, nơi bị thiệt hại nặng nề bởi đợt mưa lớn, gió mạnh vào cuối tháng 3 vừa qua.

Mưa gió bất thường, trở tay không kịp

Sáng 6/4, biết tin có người đang bán dây thừng cũ với giá chỉ một nửa so với dây mới, ông Dương Ngọc Thắng ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải vội đến mua. Ông Thắng cho biết: Dây thừng mới có giá 95.000 đồng/kg, còn dây cũ họ bán 45.000 đồng/kg, tôi mua về tận dụng dằn lồng nuôi tôm để giảm chi phí, chứ đợt vừa rồi mưa gió bất ngờ, chúng tôi trở tay không kịp, thiệt hại quá lớn.

Cũng như nhiều hộ khác ở thôn Nhơn Hội, gia đình ông Dương Ngọc Thắng sống nhờ vào nghề nuôi tôm hùm. Trước đợt mưa gió bất ngờ vào cuối tháng 3 vừa qua, nhà ông thả nuôi 10.000 con tôm hùm ương; giờ chỉ còn khoảng 1.000 con. Gần 70 chiếc lồng nuôi tôm cũng bị gió xoáy quăng quật, móp méo hết cả. “Còn nước còn tát, gia đình cố vớt vát được phần nào hay phần đó, rồi gầy lại từ từ. Chỉ lo món nợ ngân hàng 700 triệu đồng, những ngày tới không biết làm sao để trả”, ông Thắng buồn rầu nói.

Đang ẵm đứa con nhỏ gần 1 tuổi, chị Lê Thị Thúy Liễu ở gần đó cho biết: Vợ chồng tôi có hai đứa con, con lớn đang học lớp 3. Mấy năm qua, chúng tôi chủ yếu nuôi tôm thịt ở Đầm Môn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Thấy làm ăn được nên tháng 2 vừa rồi, vợ chồng bàn nhau vay ngân hàng 1,4 tỉ đồng để nuôi tôm ương gần nhà. Ai dè mới tháng trước thả nuôi 23.000 con; sau một đợt mưa to, gió lớn, tôm còn chưa đầy một nửa. Nợ ngân hàng thì vẫn còn treo đó…

Không chỉ thiệt hại phần tôm nuôi, gia đình ông Nguyễn Văn Mười cũng ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải còn mất luôn cả phương tiện mưu sinh là chiếc tàu chuyên đánh bắt gần bờ. Theo ông Mười, ông lập gia đình, về sinh sống ở làng biển Nhơn Hội gần 30 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy mưa gió bất thường vào tháng 2 âm lịch như năm nay. “Sóng lớn, rồi gió giật, xoáy, đánh chìm cả tàu. Hôm sau tôi ra vớt lại, chỉ còn ít dây chão, lốc máy và bình ắc quy, nhưng bị ngâm trong nước biển nên cũng bán sắt vụn chứ không sử dụng được. Về tôm thì gia đình tôi thả nuôi 10.000 con, qua đợt mưa gió chỉ còn khoảng 1.200 con. Tổng số tiền chúng tôi bỏ xuống biển là 2 tỉ đồng, trong đó có 1,15 tỉ đồng tiền vay ngân hàng, thế chấp bằng nhà, đất và cả con tàu vừa bị chìm”, ngư dân sinh năm 1966 này cho hay.

Cũng theo ông Mười, làng biển Nhơn Hội này, trong đợt bão cuối năm 2017 đã bị thiệt hại rất lớn. “Tuy nhiên, đó là mùa động, sức người không thắng nổi sức trời, chúng tôi đành chấp nhận, còn người thì còn làm lại từ từ. Nhưng nay chưa kịp hồi phục, lại gần như mất trắng. Mất giữa mùa biển yên thì quá ức!”, ông Mười nói.

Ông Dương Ngọc Thắng mua dây thừng cũ về tận dụng dằn lồng nuôi tôm. Ảnh: LÊ HẢO

Ông Dương Ngọc Thắng mua dây thừng cũ về tận dụng dằn lồng nuôi tôm. Ảnh: LÊ HẢO

Rà soát thiệt hại, kịp thời hỗ trợ khách hàng

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 2.500 lồng bè nuôi tôm hùm ương bị thiệt hại với tổng số tiền lên đến 140 tỉ đồng; trong đó có hơn 2.000 lồng với 600.000 con tôm hùm ương trị giá 120 tỉ đồng ở xã An Hòa Hải. Hiện người nuôi tôm hùm nơi đây đứng ngồi không yên vì mất mát quá lớn; trong khi khả năng huy động vốn để tái sản xuất khó khăn vì nợ cũ chưa trả được do ảnh hưởng bởi đợt mưa to, gió lớn bất thường vừa qua.

“Hồi giờ đâu có! Làm biển bao nhiêu năm, ai cũng biết mùa này là mùa yên, tranh thủ làm ăn để đến mùa động thì nghỉ. Ai ngờ chỉ trong một đêm mà ai nấy đều điêu đứng, trở tay không kịp”, ông Dương Thêm ở thôn Nhơn Hội nói. Ông Thêm chia sẻ, sau tết, gia đình vay ngân hàng 500 triệu đồng, rồi gom tiền nhà, mượn tiền anh em được hơn 1 tỉ đồng nữa để mua 17.000 con tôm hùm giống thả nuôi. Giờ gần như trôi ra biển hết rồi.

Theo ông Thêm, không riêng gia đình ông, ngoài phần vốn tự có, phần lớn bà con ở thôn Nhơn Hội đều vay vốn ngân hàng để làm ăn, có người còn mượn thêm anh em, bạn bè. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để tái sản xuất, ổn định đời sống và có tiền trả nợ ngân hàng.

Ngay sau khi xảy ra đợt mưa lớn kết hợp gió, sóng biển dâng cao gây thiệt hại lớn cho người đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã có công văn yêu cầu giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ đạo phòng nghiệp vụ, các phòng giao dịch của đơn vị chủ động rà soát, nắm tình hình khách hàng bị thiệt hại; kịp thời chia sẻ, động viên và áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng.

Qua thống kê, rà soát sơ bộ của các tổ chức tín dụng, ước tính có hơn 53,7 tỉ đồng dư nợ của 161 khách hàng cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn bị ảnh hưởng. Các khách hàng đều hoạt động ở lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, bị thiệt hại về con giống, ngư cụ, dụng cụ. Trong đó có 1 khách hàng đã chết trong quá trình chăm sóc tôm lúc xảy ra mưa giông, gió giật mạnh vào ngày 31/3. Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình thiệt hại của khách hàng nhằm kịp thời chia sẻ, động viên và áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng.

“Thời gian qua, Phú Yên gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản và ngư nghiệp. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) chỉ đạo hội sở các ngân hàng thương mại có cơ chế cho vay đặc thù, ưu đãi về lãi suất, cơ chế đảm bảo tiền vay cũng như phương án xử lý rủi ro... để hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại của đợt áp thấp gây mưa lớn, gió mạnh vừa qua, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết.

Trong thông báo kết luận tại cuộc họp trực tuyến phòng chống áp thấp gây mưa lớn, gió mạnh từ ngày 30/3, đánh giá tình hình thiệt hại và biện pháp khắc phục khẩn cấp do Văn phòng UBND tỉnh vừa ban hành, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đề nghị các ngân hàng thương mại rà soát khách hàng bị thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ, khắc phục kịp thời, cụ thể là khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay mới để người dân tái sản xuất.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/273023/mong-ngan-hang-khoanh-no-cho-vay-moi.html