Mong ngành giáo dục 'chuyển mình' để hoàn thiện hơn

Năm học mới, các thầy cô giáo luôn mong muốn được gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình, để ngành giáo dục ngày một 'chuyển mình', hoàn thiện hơn...

Mong ngành giáo dục "chuyển mình" để hoàn thiện hơn. (Ảnh: YN)

Mong ngành giáo dục "chuyển mình" để hoàn thiện hơn. (Ảnh: YN)

Ngày 5/9, các trường học trên cả nước đồng loạt vang lên hồi trống của ngày khai trường, một năm học mới đã bắt đầu.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10, tiến tới sự đổi mới giáo dục một cách toàn diện nhất.

Dưới đây là những tâm tư của một giáo viên:

10 điều ước mong

Thứ nhất, mong mỗi ngày đến trường đều là niềm vui, niềm hạnh phúc cho cả thầy và trò. Điều ngỡ là bình thường nhưng đạt được lại không hề đơn giản. Hiệu trưởng là linh hồn của ngôi trường quả không sai. Giáo viên có được niềm hạnh phúc khi tới trường phụ thuộc rất lớn vào vị thuyền trưởng.

Nếu nơi nào hiệu trưởng tôn trọng giáo viên, đề cao vai trò dân chủ, đối xử công bằng, ghi nhận thành quả hơn những việc làm hình thức, thấu hiểu và sẻ chia với những nỗi vất vả, khó khăn của giáo viên, ân cần và thân thiện trong giao tiếp… thì chính nơi ấy sẽ có một môi trường làm việc nhẹ nhàng và đầy hiệu quả.

Khi giáo viên tới trường hạnh phúc thì chính các em mới thật sự hạnh phúc. Được học tập trong môi trường tràn ngập tình yêu thương, học sinh cũng sẽ chăm ngoan hơn rất nhiều. Và khi đó, cả thầy và trò đều cảm thấy thật vui, thật hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Thứ hai, mong được phụ huynh hợp tác nhiều hơn trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh. Sự hợp tác tích cực, khác xa với sự theo dõi sát sao để bắt lỗi thầy cô tạo cảm giác căng thẳng, ức chế như hiện nay một số phụ huynh vẫn làm.

Thứ ba, học sinh bớt dần đi những áp lực nặng nề về học tập. Muốn thực hiện điều này, ngành giáo dục cần nhiều hơn nữa những đổi mới về thi cử và cách ra đề tránh kiểu học tủ, học vẹt như hiện nay.

Thứ tư, mong cho công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa ngày một hoàn thiện, nhận được sự đồng thuận cao của giáo viên và dư luận xã hội để học sinh được học với một chương trình hoàn chỉnh và tốt nhất.

Thứ năm, mong áp lực về hồ sơ sổ sách sẽ được giảm nhẹ. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn tinh gọn hồ sơ sổ sách cho giáo viên nhưng trong thực tế, không ít trường học vẫn giữ “thói xưa lề cũ” nên giáo viên bị áp lực rất nhiều.

Hãy để giáo viên tự soạn giáo án cho bài dạy của mình, sao cho phù hợp với các đối tượng học sinh trong lớp của mình mà tránh việc quy định cứng phải soạn theo mẫu này hay mẫu kia. Khi áp lực bị đè nặng sẽ rất dễ sinh ra những việc làm hình thức cho có như mua bán, sao chép giáo án.

Thứ sáu, việc học tập để nâng cao trình độ nhà giáo mỗi ngày là rất cần thiết. Tuy nhiên, mong ước của nhiều thầy cô giáo là học nâng cao trình độ, học bổ sung chứng chỉ nhưng không phải đóng tiền.

Thứ bảy, ước mong ngành giáo dục thực hiện tốt việc dạy thật, học thật và thi thật để căn bệnh ngụy thành tích không còn đất sống. Giáo viên không còn bị các chỉ tiêu cao ngất ngưỡng đè chặt.

Thứ tám, những giáo viên hợp đồng mong được xét vào viên chức dựa trên công lao đóng góp và thành tích đạt được của bản thân. Điều này sẽ khuyến khích giáo viên nỗ lực phấn đấu để đạt được.

Thứ chín, việc xếp chuyển hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04 sớm hoàn thành để các nhà giáo yên tâm công tác.

Cuối cùng, mong cho cuộc sống nhà giáo ổn định hơn. Đời sống của nhà giáo hiện nay so với nhiều năm về trước đã được cải thiện khá nhiều. Đó là việc khôi phục lại chế độ phụ cấp thâm niên đã bị cắt trước đó, giáo viên được nhận phụ cấp ưu đãi nghề, nhận chế độ thu hút khi dạy ở vùng sâu vùng xa… Mặc dù, nhà giáo vẫn chưa thể sống được bằng lương nhưng cuộc sống cũng đã bớt lo toan đi rất nhiều.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019 đã bỏ chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Chính phủ đã có hướng dẫn giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới. Sợ rằng sắp tới đây, nhiều gia đình có 2 vợ chồng là nhà giáo thâm niên nghề 20 năm sẽ phải mất một số tiền ưu đãi hàng tháng không hề nhỏ.

Mong cuộc sống nhà giáo ổn định là mong ước chính đáng. Khi những thầy cô giáo không lâm vào tình cảnh ăn bữa trước lo cho bữa sau thì cũng bớt dần đi cảnh “chân ngoài dài hơn chân trong”. Và khi ấy, các thầy cô giáo mới chuyên tâm dành thời gian, nhiệt huyết cho học trò.

Giáo viên cũng cần nỗ lực rất nhiều

Không chỉ ngồi để ước mong, tránh hiện tượng thấy khó, thấy khổ là kêu than, mỗi giáo viên cần phải nỗ lực hết mình trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thầy cô ngại việc, làm qua loa đại khái, giảng dạy chưa hết lòng nhưng lại luôn đòi hỏi chế độ cho bản thân.

Vẫn còn một số thầy cô giáo chạy theo thành tích cá nhân hoặc vì một số lợi ích trước mắt để du di trong việc đánh giá học sinh tạo ra thành tích ảo và sự bất công bằng trong giáo dục.

Công tâm nhìn nhận, trong những năm học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe, thấu hiểu về đời sống giáo dục ở các địa phương.

Từ đó, Bộ đã tư vấn lên một số bộ ngành liên quan hoặc ban hành một số chính sách thiết thực không chỉ nâng cao đời sống cho nhà giáo (tạm thời giữ lại chế độ thâm niên, ưu đãi giáo viên trẻ bằng thang bảng lương cao hơn trước, có chế độ xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm…) mà còn giảm nhiều áp lực về học hành, tiền bạc như bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bỏ chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Trong công cuộc đổi mới giáo dục tiến tới một nền giáo dục toàn diện hơn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, những bất cập và tạo ra những áp lực mới. Tuy thế, nếu tất cả giáo viên đều có sự quyết tâm, đồng lòng, cùng với những trao đổi góp ý trên tinh thần xây dựng, chắc chắn những tồn tại sẽ được khắc phục và ngày một hoàn thiện hơn.

*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

Ngọc Huyền*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mong-nganh-giao-duc-chuyen-minh-de-hoan-thien-hon-197350.html