Mong sớm được tiêm vắc xin ngừa Covid-19
ĐBP - Là 1 trong 13 tỉnh trên toàn quốc hiện đang có dịch Covid-19 nên khi biết thông tin hôm nay là ngày đầu tiên Điện Biên triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng là những cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ, người dân phấn khởi và mong lắm! Bởi có vắc xin thì có thể sớm khống chế dịch, người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường và mong sớm được tiêm phòng để yên tâm hơn trước dịch bệnh.
Do đặc thù đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên những nhân viên giao hàng rất mong muốn được sớm tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong ảnh: Anh Hoàng Anh Tuấn kiểm tra thông tin đơn hàng trước khi đi phát cho khách.
Khốn khó mưu sinh
Bánh bao nóng đây, ai bánh bao nào…! - Tiếng loa phát ra từ chiếc xe đạp cũ mèn của người đàn ông trung niên đầu đội mũ cối màu thời gian đứng phía trước cổng Trường Trung học cơ sở Thanh Bình. Nhìn những tốp học sinh cuối cùng rảo bước nhanh qua cổng, anh thở dài, hất mạnh chiếc chân chống xe uể oải đạp về phía khu dân cư gần đó với mong muốn bán thêm được số bánh bao vẫn còn trong nồi hấp… Đó là anh Đào từ dưới xuôi lên Điện Biên mưu sinh đã gần chục năm nay. Cả gia đình sống bằng nghề bán bánh bao dạo. Điểm dừng chân của anh thường là trước các cổng trường, khu dân cư, khu chợ rồi bên vỉa hè… Thế nên mọi ngõ ngách ở Điện Biên với anh đã trở nên quá quen thuộc. Anh Đào cho biết, tiền thuê nhà, điện nước cả tháng đã hơn 1,5 triệu đồng rồi hàng loạt các chi phí cho con cái học hành, trang trải cuộc sống. Trước khi chưa có dịch Covid-19, chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng gia đình cũng để ra được một vài triệu đồng; song dịch bệnh ập tới, nhất là khi Điện Biên xuất hiện 3 trường hợp mắc Covid-19 tới nay thì cuộc sống khó khăn lắm. Không còn nhiều người mua bánh, nhất là khi học sinh được nhắc nhở không ăn sáng tại cổng trường để phòng chống dịch, nhiều gia đình tự nấu ăn, hạn chế đồ ăn vặt… Các khoản chi phí sinh hoạt vẫn từng đó, chưa kể các khoản phát sinh nhưng số tiền kiếm được thì giảm quá nửa, trong khi nguyên liệu bột mì lấy từ dưới xuôi lên giá lại cao hơn do cước vận chuyển tăng vì dịch bệnh…
Không chỉ người bán hàng rong như anh Đào mà các ngành nghề khác đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Anh Thanh làm nghề đạp xích lô nhiều năm qua ở phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cũng gặp khó khăn không kém khi dịch bệnh Covid-19 ập tới. Anh Thanh quê ở Hưng Yên lên lập nghiệp ở Điện Biên đã hơn 5 năm. Anh Thanh bảo, quê nhà khó làm ăn nên dắt díu vợ con lên Điện Biên mưu sinh. Chồng chở xích lô, vợ tần tảo sớm khuya về các ruộng rau lớn vùng lòng chảo Mường Thanh lấy hàng bán đổ cho các quán ăn, nhà hàng; phần còn lại bán lẻ đầu ngõ. Công việc dù bận rộn, vất vả nhưng có thu nhập hơn hẳn trông vào đồng ruộng như ở quê trước đây. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cuộc sống gia đình anh đảo lộn. Nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa vì lượng khách giảm đột ngột, cũng vì thế mà thu nhập từ bán đổ rau xanh, củ quả của vợ anh Thanh nhiều năm qua cũng chẳng thể duy trì. Nghề đạp xích lô của anh cũng chẳng khá khẩm hơn. Anh Thanh trải lòng, trước đây các cửa hàng vật liệu xây dựng, đồ nội thất (bàn ghế, tủ…) nhiều khách mua hàng lắm! Họ gọi điện là tôi có việc làm, có thu nhập. Nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19 đến nay các cửa hàng nội thất - “mối ruột” của tôi ế ẩm. Thu nhập của các gia đình đều bị ảnh hưởng nên nhu cầu mua sắm đã không còn như trước. Có tuần tôi chỉ chạy được mỗi “cuốc”, cuộc sống vì thế mà ngày càng chật vật. Bố mẹ già ở quê đau ốm, những năm trước còn tiết kiệm gửi về quê để ông bà thêm vào chữa bệnh nhưng từ khi dịch bệnh, việc làm không có nên co kéo cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống. Tết vừa rồi anh Thanh cũng chẳng thể về quê vừa vì thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa vì phải tính toán chi phí đi lại khi mỗi đồng mỗi đến.
Mong sớm được tiêm phòng
Trao đổi với anh Thanh, anh Đào và rất nhiều người lao động vất vả bươn chải mưu sinh, điều tôi nhận thấy rõ ràng nhất là ai cũng mong muốn người dân sớm được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Anh Đào bảo, từ hôm biết thông tin nước ta đã nhập được vắc xin phòng Covid-19 và tỉnh ta đang có dịch nên được ưu tiên phân bổ để tiêm phòng, tôi mừng lắm! Hôm nay các lực lượng chống dịch làm việc tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ bắt đầu được tiêm vắc xin phòng Covid-19 rồi, tiếp sau nữa là các lực lượng làm việc tại các địa bàn có dịch, các chốt kiểm dịch và những người làm việc ở khu cách ly tập trung… cũng sẽ được tiêm phòng. Tôi biết, với lượng vắc xin nước ta nhập về hạn chế như hiện nay thì những người bán hàng rong, lao động tự do cho chúng tôi chưa phải là đối tượng được ưu tiên. Tuy nhiên, tôi tin với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; càng thêm nhiều người được tiêm vắc xin phòng bệnh thì cộng đồng càng thêm nhiều người được bảo vệ sức khỏe, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn. Khi cộng đồng an toàn, việc buôn bán của chúng tôi cũng mới dễ dàng hơn.
Là nhân viên giao hàng của Giaohangtietkiem tại Điện Biên, anh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Hàng ngày tôi phải nhận hàng, kiểm hàng và tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, đi nhiều nơi. Dịch Covid-19 tại tỉnh ta hiện đã được kiểm soát tốt nên tôi yên tâm hơn trong quá trình làm việc. Tuy nhiên do đặc thù công việc, tôi rất mong những người như chúng tôi sẽ sớm được Nhà nước miễn phí hoặc hỗ trợ một phần để được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Khi bản thân tôi được an toàn thì khách hàng của chúng tôi cũng sẽ được bảo vệ và ngược lại. Chính vì vậy khi tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, tôi mừng lắm. Bởi trong số rất nhiều những người được tiêm phòng này họ cũng chính là khách hàng của chúng tôi. Càng thêm nhiều người được tiêm phòng bảo vệ sức khỏe thì chúng tôi càng yên tâm hơn khi gặp gỡ, tiếp xúc.
Câu chuyện tiêm vắc xin miễn phí của Nhà nước với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 vừa qua cũng mang lại tinh thần lạc quan, niềm vui khó diễn tả với biết bao người yếu thế trong xã hội. Chị Lò Thị Xuân (bản Đắng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng) cho biết: Người chồng qua đời đã nhiều năm do mắc bệnh hiểm nghèo nên mình chị tần tảo nuôi các con. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi ruộng ít, nương bạc màu và đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên con lớn không đi phụ hồ, làm thuê được nhiều như trước. Chính vì vậy, khi biết người nghèo thuộc một trong những nhóm đối tượng được miễn phí tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì phấn khởi lắm. Chị Xuân bảo, “Chính sách nhân văn của Nhà nước sẽ giúp những người nghèo khó như chúng tôi được bảo vệ sức khỏe mà không phải lo gánh nặng chi phí để tiêm vắc xin phòng Covid-19”!