Mong Tết

Với bản thân tôi, Tết vẫn quan trọng, Tết vẫn là dịp đặc biệt nhất trong năm, từng cái Tết qua đi là từng dấu mốc của cuộc đời. Tết nguyên vẹn tròn trĩnh như cái vanh chả rán vàng ươm nằm trên mâm đồng đợi Tết. Tết rộn ràng theo từng dịp tiết lệ, hăm ba tháng Chạp cúng tiễn ông công, ông táo chầu trời. Con cá chép được thả phóng sinh quẫy đuôi bơi đi, mang theo đi bao buồn vui của năm cũ. Cái vây cá đong đưa uốn lượn mờ dần trong làn nước mang theo ước vọng về một năm mới tốt lành. Tết có đêm ba mươi ngoài trời tối đen như mực, chỉ có bếp lửa nấu bánh chưng, luộc giò là sáng ấm cùng bao câu chuyện đời được kể quanh nồi luộc bánh chưng xanh. Tết có buổi ra đồng, dọn dẹp mộ phần mời ông bà tổ tiên về nhà đón Tết cùng con cháu. Nén nhang thơm ấm nóng cả một khoảng đồng, lòng thành kính bày tỏ sự biết ơn đến tổ tiên, ông bà và các bậc tiền nhân. Trở về dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bày mâm ngũ quả, cúng lễ gia tiên. Tết trong tôi là thế ấm áp thơm nồng như mùi trầm nhang thơm gió quyện giữa cánh đồng chiều.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Từ ngày đất nước mở cửa, đổi mới, kinh tế từng ngày từng tháng đổi thay, có lúc người ta lại hay hoài cổ, nhớ về cái sự háo hức đón Tết của một thời xa vắng. Hoài niệm về kỉ niệm của Tết xưa, với nhiều món ăn chỉ ngày Tết mới có. Thịt đông, dưa chua, giò lụa, chả quế, gà luộc, lòng lợn, tiết canh… Khi người ta viết về Tết nhớ về Tết, phần lớn là khi người ta trưởng thành. Sự khôn ngoan khi va chạm với đời làm cho sự háo hức, náo nức kiểu “già bát canh, trẻ manh 0áo mới” để mong Tết mai một đi nhiều. Chỉ còn lại hình ảnh, thanh âm đẹp đẽ của Tết một thời xa,làm người ta thương nhớ khôn nguôi. Tiếng pháo nổ đì đùng đì đẹt đầu làng cuối ngõ, mùi khói pháo âm âm, thơm thơm ấm cả gió đông.

Tết bây giờ mọi thứ đều được làm chuyên nghiệp, kể cả đến thứ cầu kỳ như mâm ngũ quả cũng có thể đặt ship online. Đồ ăn thức uống ê hề, Tết là dịp để biếu xén, trả ơn, trả lễ… Vị tết khác xưa nhiều. Nhiều người chán Tết muốn bỏ cả Tết âm lịch, chỉ ăn Tết tây theo một số nước bạn. Tết là lại già đi thêm một tuổi đời, tuổi thanh xuân cứ lùi dần, lùi dần về phía chân trời xa mãi. Vậy mà sao lòng tôi vẫn mong Tết, chờ Tết với đủ cả nỗi lòng thật thà mong mỏi. Bên ngoài kia tiết trời trở lạnh, bất chợt gặp đào hoa trên phố, bất chợt nén hương trầm thắp lên, làn khói vương nhẹ mỏng manh bay lên cùng mùi thơm ấm áp, thì trong tôi Tết lại tròn trĩnh hiện về một cách vẹn toàn.

Mong Tết vì chỉ có dịp Tết tôi mới có thể về quê đi thăm quê nội, quê ngoại, gặp và chúc Tết chú, bác, cô, dì thân thuộc của tôi một thời. Những người yêu thương đùm bọc tôi một thủa hoài xa, mà bây giờ guồng quay của cuộc sống hiện đại luôn tất bật, làm tôi khó có thể thu xếp, thường xuyên về thăm viếng được. Với ai thì không rõ nhưng với tôi thì tôi nghĩ, trong sâu thẳm mỗi con người ai mà chả có phần mềm yếu, ai cũng cần cảm giác được yêu thương, che chở vuốt ve. Về với bá với dì của tôi, tôi sẽ lại được làm thằng cu con như ngày nào. Cái cảm giác được yêu thương chở che như ngày còn bé dại. Làm lòng tôi chùng xuống, mềm đi, không còn phải gồng lên với bao trách nhiệm bộn bề, bao lo toan trăn trở, bao nhiêu công việc và dự định dở dang. Tất cả sẽ xếp lại sau lưng khi tôi bước chân vào căn buồng thấp nhỏ. Ngồi cạnh mé giường chiếc giường tre cọt kẹt, nhấp ngụm chè xanh. Lại được bàn tay nhăn nheo in hằn vết thời gian của bá xoa đầu, nắn tay. Cùng tiếng chửi yêu mà nghe sao ấm lòng đến thế.

- Cha bố nhà anh, to lớn quá rồi cơ. Thế có ở lại ăn cơm với bá hay không?

Những lúc như thế tôi chỉ muốn nghỉ Tết thật dài, để được ở lần lượt từng nhà họ hàng thân thuộc. Ở với bao tình thân từng gắn bó với tuổi thơ tôi. Ngày xưa gần đếnTết tôi hay được sai đi biếu mọi người quà Tết do anh trai tôi mua về. Ở quê ngày ấy gói mứt Tết, chai rượu chanh, bao thuốc lá đầu lọc, gói trà mạn là quà quý lắm. Cô dì chú bác cho lại nhà tôi, gạo nếp, gạo nàng hương, con gà, chú vịt… ấm áp và tình cảm không thể nào quên. Tết về quê gặp người thân, thăm hỏi đủ các nơi tôi mới thấy nhẹ lòng. Có thể trong tôi món nợ ân tình của quê hương, của bao người thân luôn luôn trĩu nặng. Chỉ có dịp Tết đến xuân sang tôi mới mang lời chúc đi trả bớt đi món nợ ân tình luôn mang nặng trong lòng.

Tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh bá tôi, cắp đôi gà với cái túi vải nâu, đi qua cái cầu tre bắc qua kênh vào nhà, bá trượt chân phải buông tay bỏ đôi gà rơi xuống nước, chứ nhất định không buông chiếc túi vải nâu. Vì trong đó có chiếc quần bá mang cho tôi mặc Tết. Ông chú tôi với bao gạo vác vai, tay xách mấy quả bưởi còn nguyên cọng lá tươi xanh để bố tôi bày bàn thờ đón Tết. Cái chân đau thậm thọt mà cái miệng vẫn cứ cười hiền. Tôi biết cả đời mình tôi vẫn mang theo hình ảnh thân thương này, nó nhắc tôi luôn hướng về quê hương nguồn cội, luôn nhớ về người thân luôn yêu thương tôi hết lòng và vô điều kiện. Món nợ này chẳng thể nào trả được nên chỉ mong sao có dịp Tết để về quê. Lại được ngửa mặt đón gió sông quê, mở lòng ra hít thở khí trời trong trẻo, lại được sà vào lòng các bá các dì nghe những tiếng chửi yêu. Thấy mình như bé đi trẻ lại khi được vuốt tóc, xoa đầu, lại có một giấc ngủ trưa thật sâu giấc yên bình.

Tết không hờ hững với ai, chỉ có ai đó hững hờ với Tết, nếu cứ để lòng mình nhạt thếch thì có biển muối, rừng gừng cũng không làm lên “muối mặn gừng cay”. Tôi vẫn mong Tết đến từng ngày.

Tuấn Phạm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/mong-tet-299017.html