Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự, tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM sẽ khiến cho cán cân sức mạnh trong những cuộc giao tranh trên biển tiếp tục nghiêng về phía Mỹ.
Hải quân Mỹ cho biết họ tiếp tục chuẩn bị thử nghiệm tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C phiên bản 1.1 trong điều kiện sát với thực chiến.
Lầu Năm Góc cũng xác nhận, phiên bản AGM-158C LRASM đầu tiên có nhiều lỗi phần cứng và phần mềm, vì vậy kêu gọi hải quân Mỹ tiến hành quá trình thử nghiệm kỹ lưỡng đối với phiên bản nâng cấp 1.1 mới để bảm bảo khả năng chiến đấu trong điều kiện thực tế.
Tên lửa AGM-158C có tầm bắn khoảng 1000km, chúng có khả năng chống nhiễu và được thiết kế để phát hiện mục tiêu bằng các cảm biến lắp trực tiếp trên tên lửa.
Trước đó, phiên bản đầu tiên đã được thử nghiệm trên máy bay ném bom B-1B Lancer vào năm 2018 và 06-2020.
AGM-158C cũng đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận Valiant Shield của hải quân hồi tháng 9-2020 với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Nhật Bản và tàu tấn công đổ bộ USS America.
Các cuộc tập trận này cho thấy Mỹ đã tính đến khả năng loại tên lửa AGM-158C sẽ tham chiến trong trường hợp xảy ra chiến sự ở châu Âu và Biển Đen.
AGM-158C cho thấy nó có thể trở thành một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với hải quân các quốc gia là đối thủ tiềm tàng của Mỹ.
Tên lửa AGM-158C đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động tác chiến của hải quân Mỹ ở cả vùng biển ngoài khơi và vùng ven biển do có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lớn và phân biệt được mục tiêu rõ ràng.
Ông David LRel, Giám đốc của AGM-158C LRASM tại Lockheed Martin Missiles và Fire Control cho biết đây là thứ vũ khí có khả năng "thay đổi cuộc chơi", bảo đảm ưu thế tuyệt đối của Không quân và Hải quân Mỹ trước các đối thủ.
Được biết, tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM là một phiên bản sửa đổi từ tên lửa không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM nổi tiếng của Mỹ đã được sử dụng thực chiến tại Syria.
Chữ LRASM là viết tắt của Long Range Anti Ship Missile (Tên lửa chống hạm tầm xa), dự án này được phát triển nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Suốt thời gian dài Mỹ bỏ ngỏ khả năng phát triển tên lửa hành trình chống hạm tầm xa, tuy nhiên việc Hải quân Nga và Trung Quốc trỗi dậy khiến Lầu Năm Góc buộc phải tái khởi động các dự án tham vọng nhằm tiếp tục duy trì lợi thế trên biển.
AGM-158C LRASM sẽ được phương tiện mang phóng khai hỏa sau khi chúng nhận thông tin từ các phương tiện trinh sát công nghệ cao.
Tên lửa AGM-158C LRASM được trang bị đầu dò đa năng và đường truyền dữ liệu tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận thông tin mục tiêu từ phương tiện phóng, sau đó tiếp tục cập nhật về đối tượng qua kết nối với vệ tinh.
AGM-158C là một trong số ít vũ khí được tích hợp trí thông minh nhân tạo, khi tiến vào khu vực gần mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ lập tức chuyển hệ để bay theo lộ trình được vạch sẵn.
Các cảm biến cực nhạy trên tên lửa sẽ xác định những khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, sau đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua vùng nguy hiểm này.
Khi bước vào giai đoạn công kích, tên lửa AGM-158C LRASM sẽ nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện và bị tiêu diệt bởi các loại vũ khí phòng thủ tầm gần trang bị trên các chiến hạm.
Các thiết bị cảm biến gắn trên tên lửa AGM-158 LRASM sẽ liên tục rà quét các vị trí trang bị vũ khí phòng không trên các chiến hạm và thay đổi quỹ đạo bay để tránh bị bắn hạ.
Đầu nổ xuyên - phá mảnh nặng 450 kg của AGM-158C LRASM đủ sức tiêu diệt nhiều loại tàu chiến khác nhau. Thậm chí chỉ cần 3 quả cũng có thể thổi tung cả tàu sân bay đối phương.
AGM-158C có thể phóng từ máy bay tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược và cả trên các chiến hạm mặt nước. Đây được coi là một trong những vũ khí chủ lực của hải quân Mỹ trong tương lai gần.
Việt Hùng