Moody's đánh giá triển vọng phục hồi của Campuchia sau đại dịch

Theo Moody's, nền kinh tế Campuchia ngày càng được nhìn nhận một cách nổi bật trong số các nước đang kiểm soát đại dịch COVID-19 và nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bản đánh giá triển vọng được công bố ngày 25/6, Moody’s Analytics cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia ít nhất đã cao gấp 2 lần so với mức trung bình của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trừ Singapore.

Theo báo cáo của công ty đánh giá tài chính thuộc cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service, nền kinh tế này “ngày càng được nhìn nhận một cách nổi bật trong số các nước đang kiểm soát đại dịch COVID-19 và nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine với những quốc gia chưa thực hiện được điều này.”

Bản đánh giá triển vọng của Moody’s bao gồm một biểu đồ cho thấy mức độ tiêm chủng được quản lý tại Campuchia đã đạt hơn 45% cho người trưởng thành từ hôm 17/6/2021. Tỷ lệ tiêm chủng tại Lào và Malaysia là 20%, trong khi với Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều dưới 15%.

Cùng thời gian này, một biểu đồ khác cho thấy Singapore đạt mức tiêm chủng ở tỷ lệ 90% dân số, còn ở Trung Quốc là hơn 70%. Hong Kong (Trung Quốc) đạt tỷ lệ tương đương Campuchia.

Báo cáo triển vọng của Moody’s cho rằng Singapore có thể đạt quy mô phục hồi cộng đồng (được xác định với mức 65% dân số trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ) trong quý 3/2021. Theo báo cáo, Hong Kong có thể tiếp bước Singapore vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.

Các chuyên gia của Moody’s kết luận: “Những quốc gia bị tụt lại phía sau trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm trễ trong việc phục hồi nền kinh tế nội địa.”

Moody’s cũng lưu ý về sự hồi phục chậm chạp trong tiêu dùng nội địa của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo cho rằng Đông Nam Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất của đại dịch khi số ca nhiễm COVID-19 mới còn rất cao ở Indonesia và Philippines, bên cạnh các đợt bùng phát mới nổi lên ở Thái Lan và ở mức độ thấp hơn là Việt Nam.

Ngay cả Singapore, quốc gia đứng đầu khu vực về tỷ lệ tiêm chủng cũng đang phải chật vật đối phó với những chùm lây nhiễm trên quy mô nhỏ.

Tính đến ngày 25/6, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.065 ca mắc COVID-19, trong đó 40.769 người đã khỏi bệnh.

Trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm phòng để giảm lây nhiễm và tử vong vì COVID-19, Bộ Y tế Campuchia vừa công bố số liệu cho thấy tính đến ngày 24/6, nước này đã tiêm phòng cho 3.715.751 người trong độ tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), tương đương 37,16% trong tổng số dân cần được tiêm phòng để thực hiện miễn dịch cộng đồng là 10 triệu người.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine ngày 22/6 cho biết số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này có thể đạt mức 4 triệu người trong một tuần nữa, sớm hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra./.

Trần Long (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/moodys-danh-gia-trien-vong-phuc-hoi-cua-campuchia-sau-dai-dich/722650.vnp