Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc ở mức Aa2
Moody's giải thích lý do giữ nguyên mức xếp hạng 'Aa2' của Hàn Quốc là bởi nước này chịu ít thiệt hại kinh tế, bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát.
Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc ở mức "Aa2," đồng thời nhận định nền kinh tế lớn thứ tư chấu Á có triển vọng giữ được mức này.
Moody's giải thích lý do giữ nguyên mức xếp hạng "Aa2" của Hàn Quốc là bởi nước này chịu ít thiệt hại kinh tế, bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh trên toàn cầu, nền kinh tế có ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu như Hàn Quốc có thể sẽ phải chịu những tác động lớn đến tiêu dùng và đầu tư.
Bên cạnh đó, Seoul cũng đối mặt với các rủi ro địa chính trị và tình trạng già hóa dân số. Moody's đã duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc ở mức "Aa2," mức cao thứ ba trong thang xếp hạng, sau khi nâng lên hạng mức này hồi tháng 12/2015.
Bên cạnh đó, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch hiện xếp hạng tín nhiệm của Hàn Quốc ở mức "AA-," còn hãng Standard & Poor's (S&P) xếp mức "AA," mức cao thứ ba trong thang xếp hạng tín nhiệm của hãng này.
Trước đó, ngày 12/5, Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố báo cáo "Xu hướng kinh tế tháng 5," trong đó đánh giá nền kinh tế "Xứ sở Kim Chi" đang bị thu hẹp nghiêm trọng khi cả lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng đều giảm mạnh.
Báo cáo của KDI cho biết doanh thu bán lẻ và sản xuất ngành dịch vụ của Hàn Quốc đều "lao dốc" trong tháng Ba, chỉ số tâm lý tiêu dùng tiếp tục xu hướng giảm kéo dài tới tháng 4/2020, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng bị thu hẹp nhanh chóng.
Trên thực tế, tỷ lệ tăng doanh thu bán lẻ tháng 3/2020 là -8%, thấp hơn nhiều so với mức -2,4% của tháng 2/2020.
Sản xuất ngành dịch vụ tháng Hai tăng 1,2% nhưng đến tháng Ba lại giảm 5%. Chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 4 đạt 70,8 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 78,4 điểm của tháng 3/2020.
Cũng theo KDI, do trao đổi thương mại của Hàn Quốc với nước ngoài trì trệ, sự thu hẹp của nền kinh tế vốn đang chịu tác động từ đại dịch COVID-19 lại dần lan sang lĩnh vực xuất khẩu.
KDI cho rằng dù số ngày làm việc trong tháng 3 vừa qua tăng thêm một ngày song tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chỉ tăng 3,5% đã cho thấy rõ tình trạng trì trệ.
Thêm vào đó, việc chỉ số động thái kinh tế tổng hợp (đánh giá tình trạng cũng như xu thế hiện tại của nền kinh tế) và chỉ số dự đoán biến động kinh tế trong tương lai gần đều giảm trong tháng 3 đã cho thấy tình trạng thu hẹp ngày càng nghiêm trọng của kinh tế Hàn Quốc./.