Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's Investors Service vừa nâng 2 bậc triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên 'tích cực' từ 'tiêu cực'...
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa nâng 2 bậc triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên "tích cực" từ "tiêu cực", đồng thời giữ định hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức Ba3.
Tuyên bố ngày 18/3 từ Moody’s cho biết, cơ sở cho đánh giá này là tình hình tài khóa được củng cố và nền kinh tế được cải thiện của Việt Nam.
"Những động lực của triển vọng tích cực bao gồm dấu hiệu về sự khởi sắc sức mạnh tài khóa và tiềm năng cải thiện sức mạnh kinh tế. Những yếu tố này có thể tăng cường hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam theo thời gian", tuyên bố có đoạn viết.
Moody’s ghi nhận thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, hạn chế nợ công. Cố gắng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng Moody's cho rằng gián đoạn đó chỉ là tạm thời. Ngoài ra, Moody’s cho rằng sức mạnh kinh tế của Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sản xuất, thương mại, và tiêu dùng trên toàn cầu sau đại dịch.
"Việc Ủy ban xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam", Bộ Tài chính nói trong một tuyên bố.
"Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, mặc dù khó khăn, thách thức là không nhỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới, duy trì và tiếp tục cải thiện các yếu tố sức mạnh tín nhiệm của quốc gia, tạo nền tảng vững chắc hiện thực hóa các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước".
Tuyên bố của Moody’s cho biết giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ một cách thuyết phục và vững chắc.
Theo ước tính của Moody's tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng nhẹ lên mức 39% vào năm 2020 do đại dịch gây giảm thu và tăng chi. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác và được dự báo sẽ giảm dần trong vài năm tới. Ngoài ra, Moody's cho rằng những nhân tố khiến Việt Nam bị đánh giá triển vọng tiêu cực vào tháng 12/2019 đang suy giảm, trong đó có vấn đề hành chính từng gây chậm việc thanh toán nợ được chính phủ bảo lãnh.
Các chuyên gia của Moody’ lạc quan về khả năng thanh toán nợ của Việt Nam, cho rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường giám sát hành chính đối với các khoản thanh toán trong tương lai, đảm bảo chuẩn bị đủ nguồn tiền để đáp ứng mọi nghĩa vụ nợ khi đến hạn.
"Việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực (tăng hai bậc) là sự ghi nhận kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, đưa nền kinh tế phục hồi trở lại đạt những thành quả hết sức tích cực", Bộ Tài chính nhận định.
Một cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế do hãng tin Bloomberg thực hiện dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% trong năm nay, so với mục tiêu tăng 6% mà Quốc hội đề ra.