Moody's thay đổi triển vọng tín nhiệm của Mỹ sang 'tiêu cực'
Hôm thứ Sáu (10/11), Moody's đã thay đổi triển vọng về xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ 'ổn định' thành 'tiêu cực' sau khi chỉ ra tình hình tài chính ngày càng tồi tệ và sự phân cực chính trị là những mối lo ngại lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù vậy, sự thay đổi này không dẫn đến việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và Moody's vẫn duy trì xếp hạng của Mỹ ở mức cao nhất là Aaa. Nhưng điều này lại là một vết đen khác đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhấn mạnh mối đe dọa do lãi suất tăng, gánh nặng nợ ngày càng tăng và Quốc hội phân cực đã không thể đồng ý về các cách giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ.
Moody's là cơ quan cuối cùng trong ba cơ quan xếp hạng lớn duy trì xếp hạng cao nhất cho Chính phủ Mỹ. Fitch Ratings đã thay đổi xếp hạng của Mỹ từ AAA thành AA+ vào tháng 8, sau khi S&P hạ xếp hạng của Mỹ xuống AA+ kể từ năm 2011.
Mặc dù động thái của Moody’s không phải là hạ xếp hạng, nhưng điều này vẫn có thể gây ra vấn đề chính trị cho Tổng thống Joe Biden. Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu nghiêm ngặt để giảm khoảng cách giữa số tiền Mỹ chi tiêu và số tiền họ kiếm được từ doanh thu thuế. Tổng thống Biden đã đề xuất giảm thâm hụt trong tương lai bằng cách mở rộng nền kinh tế và tăng thuế đối với những cá nhân và tập đoàn có thu nhập cao.
Trong báo cáo mới nhất, Moody’s cho biết rằng, họ không nhìn thấy con đường ngay lập tức để Mỹ giải quyết tình trạng khó khăn tài chính của mình.
Moody's cho biết trong một tuyên bố: “Trong bối cảnh lãi suất cao hơn, không có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng doanh thu của chính phủ, Moody’s dự đoán rằng thâm hụt tài chính của Mỹ sẽ vẫn rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ. Sự phân cực chính trị tiếp tục trong Quốc hội Mỹ làm tăng nguy cơ các chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài chính nhằm làm chậm sự suy giảm khả năng chi trả nợ”, báo cáo cho biết.
Mặt dù việc thay đổi triển vọng có thể dẫn tới hạ mức xếp hạng trong tương lai, nhưng Moody's cho biết, họ đã không hạ mức xếp hạng tín nhiệm vì "sức mạnh tín nhiệm mạnh mẽ" của Mỹ, khi lưu ý đến khả năng phục hồi của nền kinh tế, sức mạnh của các thể chế kinh tế của Mỹ và vai trò của đồng đô la là tiền tệ dự trữ của thế giới.
Việc Moody's hạ mức xếp hạng có thể làm trầm trọng thêm những lo ngại về tài chính, nhưng các nhà đầu tư cho biết, họ nghi ngờ rằng điều này sẽ có tác động đáng kể đến thị trường trái phiếu Mỹ, vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn vì độ sâu và tính thanh khoản của nó.
Tuy nhiên, “đó là lời nhắc nhở rằng đồng hồ đang điểm và thị trường đang ngày càng tiến gần hơn đến mức hiểu rằng chúng ta có thể bước vào một giai đoạn kịch tính khác mà cuối cùng có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa”, Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Financial cho biết.
Các quan chức Bộ Tài chính và Nhà Trắng cho biết họ không đồng tình với sự thay đổi triển vọng của Moody's và đổ lỗi cho đảng Cộng hòa đã tạo ra tình trạng rối loạn.
Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Quyết định thay đổi triển vọng của Mỹ của Moody’s là một hậu quả khác của chủ nghĩa cực đoan và rối loạn chức năng của đảng Cộng hòa trong quốc hội”.
Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong một tuyên bố: “Mặc dù tuyên bố của Moody’s duy trì xếp hạng Aaa của Mỹ, nhưng chúng tôi không đồng tình với việc chuyển sang triển vọng tiêu cực. Nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và trái phiếu Kho bạc là tài sản an toàn và thanh khoản ưu việt của thế giới”.