Moscow lộ 'xương sống' kinh tế, Ukraine tố 'quyền lực ngầm' Rosatom vẫn tồn tại, EU khẳng định cai thành công khí đốt Nga

Bất chấp nhiều vòng trừng phạt đánh vào kinh tế, Rosatom vẫn là một trụ cột tài chính của kinh tế Nga và nguồn khí đốt từ Moscow vẫn là nguồn cung quan trọng đối với châu Âu.

Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga - Rosatom, là công ty lớn nhất thế giới về làm giàu uranium, chiếm tới 35% thị trường thế giới. (Nguồn: aa.com)

Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga - Rosatom, là công ty lớn nhất thế giới về làm giàu uranium, chiếm tới 35% thị trường thế giới. (Nguồn: aa.com)

Tập đoàn Rosatom vừa hoàn tất niêm phong các lô hàng trị giá 140 tỷ USD, chuẩn bị vận chuyển đi quốc tế - một minh chứng cho thấy, Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga vẫn là một trong những trụ cột tài chính của nền kinh tế Nga.

Trụ cột tài chính khổng lồ Rosatom

Thông tin trên do một chuyên gia của Ukraine cung cấp - Tiến sĩ Maksym Strikha, nhà khoa học tại Viện Vật lý bán dẫn, NAS của Ukraine cho biết, "Cho đến nay, tổng số đơn đặt hàng quốc tế của Rosatom lên tới khoảng 140 tỷ USD. Đây vẫn là một trụ cột tài chính khổng lồ của chính phủ Nga".

Theo đó, tập đoàn năng lượng Nga kiểm soát khoảng 1/3 sản lượng uranium của thế giới và vẫn đang nghiên cứu, triển khai việc xây dựng 34 đơn vị năng lượng hạt nhân ở 11 quốc gia.

Ngoài ra, hiện có 20 cấu phần của nhà máy điện hạt nhân (NPP) thuộc dự án Vver Nga đang hoạt động ở châu Âu, trong đó Rosatom có kế hoạch sản xuất nhiên liệu trong một liên doanh với Framatome có trụ sở tại Pháp.

Chuyên gia Ukraine Strikha đưa ra cáo buộc, Rosatom còn là một công ty quốc phòng. Ông trích dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành Rosatom Aleksey Likhachev rằng, ông này "tự hào về các nhân viên của tổ hợp vũ khí hạt nhân - tổ chức sống theo chương trình nghị sự quân sự theo đúng nghĩa đen".

“Tuy nhiên, phương Tây vẫn chưa làm được gì nhiều để hạn chế tầm ảnh hưởng của Rosatom”, vị chuyên gia Ukraine lưu ý.

Như truyền thông đưa tin, vào đầu tháng 5, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo luật cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga. Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật cấm nhập khẩu uranium làm giàu cấp độ thấp, chưa qua chiếu xạ, từ Nga. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Đạo luật nhằm giảm và dần chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân dân sự của Nga.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 16/5 cũng đax lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Rosatom và những người có thể gây ra mối đe dọa an ninh đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - cơ sở đã bị Nga chiếm đóng từ mùa Xuân năm 2022.

Nhưng trên thực tế, "quyền lực ngầm" của Rosatom đang bảo vệ Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga đứng vững trước sóng gió chính trị. Rosatom vào năm 2022 là công ty lớn nhất thế giới về làm giàu uranium, với 35% thị trường thế giới, cũng như nắm giữ trữ lượng uranium lớn thứ hai toàn cầu và cũng là nhà sản xuất uranium lớn thứ hai thế giới.

Lập tức phản hồi động thái của Mỹ, Tập đoàn Rosatom của Nga cho biết, lệnh cấm của Mỹ đối với nhiên liệu hạt nhân của Nga, là một động thái chính trị mang tính phân biệt đối xử, sẽ làm suy yếu thị trường toàn cầu trong vấn đề làm giàu uranium. Tuy nhiên, công ty này cho biết họ sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Điện Kremlin cho biết, quyết định trên của Mỹ không có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, nhưng nói rằng người Mỹ, khi cảm thấy khó cạnh tranh với Moscow, đã tìm đến các biện pháp bóp méo và làm suy yếu các chuẩn mực của thị trường toàn cầu.

Rosatom cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản với Reuters: “Chúng tôi coi luật cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga mới ban hành gần đây của Mỹ mang tính phân biệt đối xử và phi định hướng thị trường. Rosatom duy trì vị thế vững chắc là công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ hạt nhân, và sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài quan tâm đến hợp tác lâu dài."

EU đã cai dứt khí đốt Nga?

Trong khi đó về khí đốt – một trong những nguồn thu quan trọng khác của kinh tế Nga, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định, không có lý do gì để kéo dài quá trình vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. EU đã có thời gian hơn hai năm để chuẩn bị cho việc chấm dứt quá cảnh khí đốt của Nga qua hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine, nên không có lý do gì để yêu cầu Kiev gia hạn bất kỳ hợp đồng trung chuyển nào với các công ty Nga.

Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson đã tuyên bố điều này tại Brussels mới đây, trước Hội đồng Giao thông, viễn thông và năng lượng EU. Thỏa thuận quá cảnh cho phép vận chuyển khí đốt qua tuyến Ukraine đã được kéo dài vào năm 2019, với một hợp đồng 5 năm. Điều này có nghĩa là hợp đồng sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.

“Tôi đã đến thăm Kiev vài tuần trước và tôi đã tuyên bố rất rõ ràng khi gặp những người đồng cấp của mình thuộc Cơ quan điều hành hệ thống truyền tải Ukraine, rằng trong hơn hai năm qua, châu Âu đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm thỏa thuận quá cảnh hết hạn”, Ủy viên châu Âu nói.

Ông Kadri Simson tuyên bố thêm: “Chúng tôi đã tìm thấy các tuyến cung cấp thay thế và phía chúng tôi thấy không cần phải yêu cầu Ukraine tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với các công ty Nga”.

Như truyền thông đưa tin, EU từ lâu đã chuẩn bị cho thời điểm thỏa thuận quan trọng với Nga về vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Ngay cả sau chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine, đây vẫn là tuyến đường trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, mặc dù đường ống này chỉ được sử dụng dưới 40% công suất theo hợp đồng.

Giới truyền thông bình luận, động thái dứt khoát nói trên của EU là sự thay đổi đáng kể trong chính sách năng lượng của Khối này và có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Âu, thậm chí có thể dẫn đến việc tăng chi phí nhiên liệu cho người tiêu dùng. Các quốc gia như Áo, Slovakia và CH. Czech phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp khí đốt Nga qua đường trung chuyển Ukraine.

Quyết định của EU được thúc đẩy bởi một số yếu tố, trong đó bao gồm mong muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Nga và tăng cường an ninh năng lượng của cộng đồng. Trong những năm gần đây, EU đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặc dù vậy, khi các quan chức EU tự tin đã có đủ nguồn cung năng lượng thay thế, đến từ Trung Đông, Mỹ, hay thậm chí là Na Uy và Azerbaijan, thì điều quan trọng nhất là các thành viên EU cảm thấy sự cần thiết phải thắt chặt nguồn thu nhập của Nga.

Tuy nhiên mới đây đã có diễn biến đáng quan tâm, khi Moldova - quốc gia đang xây dựng đường lối đối ngoại hướng tới châu Âu và thể hiện quan điểm thân phương Tây, nhưng họ vẫn có thể đóng vai trò to lớn và hữu ích trong việc gắn kết EU với Nga. Moldova rất có thể sẽ thay thế Ukraine làm trạm trung chuyển khí đốt Nga, nếu hợp đồng với Ukraine không được gia hạn", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Moldovagaz thuộc sở hữu của Gazprom - ông Vadim Cheban đã trực tiếp lên tiếng.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt cho châu Âu.

(theo TASS, Ukrinform)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/moscow-lo-xuong-song-kinh-te-ukraine-to-quyen-luc-ngam-rosatom-van-ton-tai-eu-khang-dinh-cai-thanh-cong-khi-dot-nga-273825.html