Moscow: Quân Nga và lực lượng ly khai Donetsk tiến vào trung tâm Mariupol
Hơn ba tuần kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, hai phóng viên của hãng tin AP có mặt tại thành phố Mariupol thuộc tỉnh Donetsk ở đông Ukraine đã ghi lại tình cảnh hỗn loạn ở đây.
Mariupol lúc này thế nào?
Ba tuần qua và tới lúc này Mariupol vẫn đang bị quân Nga bao vây.
Ngày 18-3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết lực lượng ly khai ở Donetsk đang siết chặt vòng vây Mariupol và "chiến đấu với những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở trung tâm thành phố", theo hãng thông tấn Ria Novosti.
Cùng ngày, Thị trưởng Mariupol - ông Vadym Boichenko xác nhận giao tranh giữa hai bên đang diễn ra với xe tăng và súng máy. Ông cho biết "mọi người đang trốn trong các boong ke", theo hãng tin Reuters.
Trước đó vào ngày 16-3, Ukraine cáo buộc Nga tấn công Nhà hát kịch của thành phố, nơi nhiều dân thường đang trú ẩn. Tuyên bố ban đầu từ Kiev ước tính hơn 1.000 người có thể đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga, theo hãng thông tấn Ukrinform.
Phản ứng trước những cáo buộc của Ukraine, quân đội Nga ngày 18-3 cho biết máy bay của họ không thực hiện bất kỳ cuộc không kích nào ở Mariupol vào ngày hôm đó, và nhà hát không nằm trong danh sách mục tiêu của họ trong bất kỳ trường hợp nào, theo đài RT.
Trong thông báo ngày 18-3, phó thị trưởng thành phố cho biết hơn 200 thường dân đã được giải cứu. Mọi người đều ổn, và riêng một phụ nữ bị thương đã được đưa đến bệnh viện.
Thông tin được nhắc đến nhiều nhất là thương vong. Theo các quan chức địa phương, hơn 2.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc pháo kích, trong đó có rất nhiều trẻ em.
Theo AP, thi thể của những người xấu số được chôn trong các ngôi mộ tập thể ở ngoại ô thành phố. Công việc chôn cất thi thể cũng phải được tiến hành gấp rút vì những người làm nhiệm vụ này hoàn toàn có nguy cơ trúng pháo kích bất cứ lúc nào, nếu họ ở ngoài trời nhiều.
Thậm chí nhà chức trách Mariupol khuyến khích các gia đình nên chấp nhận để thi thể người thân ngoài đường vì việc tổ chức tang lễ, chôn cất là quá nguy hiểm.
Trong khi đó, người còn sống phải trải qua những ngày vô cùng khó khăn vì thiếu thực phẩm và năng lượng sưởi ấm. Họ phải đốt đồ đạc trong những chiếc lò - được làm bằng gạch và mảnh kim loại từ các tòa nhà bị phá hủy - để sưởi ấm và cố tồn tại bằng chút thức ăn ít ỏi còn sót lại.
Nước gần như không còn. Người dân phải rã băng tuyết để uống cầm cự.
Điện và hầu hết các mạng di động đều bị cắt đứt.
Trước tình cảnh đó, nhiều người đã phải cướp thực phẩm từ các cửa hàng hoặc thậm chí đánh nhau giành thức ăn. Một số người thậm chí đã để lại con ở bệnh viện, với hy vọng ở nơi đó con họ sẽ có được cơ hội sống sót cao hơn khi có điện và nước.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về lập hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường vẫn chưa có kết quả. Các quan chức Ukraine ước tính vẫn còn hàng trăm nghìn người bị kẹt ở thành phố và không có nơi nào để đi.
Mariupol từng rất tươi sáng
Chỉ vài tuần trước, Mariupol vẫn rất tươi sáng. Ở đây, các nhà máy sản xuất sắt thép và các cảng nước sâu phát triển mạnh. Ký ức về các cuộc giao tranh hồi năm 2014 đã mờ dần trong ký ức người dân. Có thể nói, nếu không có xung đột, Mariupol vẫn đang trên đường tiến đến sự thịnh vượng.
Xung đột xảy ra, chính vị trí địa lý vốn có lợi cho Mariupol bấy lâu nay lại chống lại nó.
Mariupol nằm kẹp giữa các khu vực do phe ly khai miền đông Ukraine kiểm soát và Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014. Chính vì thế, theo AP, việc kiểm soát được Mariupol sẽ giúp Nga thiết lập được một hành lang trên bộ xuyên suốt, giúp nước này kiểm soát được biển Azov.
Đặc điểm địa lý này khiến Mariupol trở thành một trong những khu vực giao tranh đẫm máu nhất.
Ngày đầu giao tranh, người dân Mariupol vẫn lạc quan
Theo ông Serhiy Orlov - phó thị trưởng thành phố, khoảng 100.000 người đã kịp rời đi trước khi quân Nga bao vây thành phố. Tuy nhiên, một số lượng lớn người dân vẫn quyết ở lại. Họ nghĩ rằng mình có thể ứng phó được với các tình huống và xấu nhất thì sẽ đi về phía Tây như rất nhiều người khác.
"Tôi cảm thấy hồi năm 2014 đáng sợ hơn bây giờ. Không có gì phải hoảng sợ. Không có nơi nào để chạy, chúng ta có thể chạy đến đâu?" - cô Anna Efimova nói vào ngày 24-2.
Cùng ngày hôm đó, một radar quân sự và sân bay của Ukraine là một trong những mục tiêu đầu tiên của pháo binh Nga. Mọi người dành phần lớn thời gian trong các hầm trú ẩn vì các cuộc pháo kích và không kích có thể xảy đến bất cứ lúc nào.