Moscow và Rome nỗ lực vượt qua rào cản cấm vận trừng phạt

Ngày 18-2, tại Thủ đô Rome của Italy đã diễn ra cuộc họp lần thứ tư theo hình thức 2+2 giữa lãnh đạo các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước Nga và Italy. Tại cuộc gặp này, về phía Nga có Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu; về phía Italy có Ngoại trưởng Luigi di Mayo và Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzo Guerini.

Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu; Ngoại trưởng Nga S. Lavrov; Ngoại trưởng Italy Luigi di Mayo và Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini tại cuộc gặp lần thứ tư theo định dạng 2+2 ở Rome. (Nguồn: Báo Độc lập, Nga)

Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu; Ngoại trưởng Nga S. Lavrov; Ngoại trưởng Italy Luigi di Mayo và Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini tại cuộc gặp lần thứ tư theo định dạng 2+2 ở Rome. (Nguồn: Báo Độc lập, Nga)

Tại cuộc gặp, hai bên tập trung trao đổi quan điểm về các vấn đề ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, thảo luận tình hình Libya và Syria. Tuy nhiên, chủ đề được đặc biệt quan tâm lại là các vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại song phương, trong bối cảnh “cuộc chiến” cấm vận trừng phạt mà các nước phương Tây và Mỹ phát động chống Nga từ năm 2014, và đến nay đã gây tổn thất cho nền kinh tế của đất nước “hình chiếc ủng” tới hai tỷ USD.

Cuộc họp tại Rome lần này diễn ra sau gần bảy năm gián đoạn và bất luận đạt kết quả ra sao, giới quan sát cũng thực sự coi đây là một minh chứng cho mong muốn và nỗ lực của cả Nga và Italy trong việc khôi phục đối thoại và tái thiết quan hệ song phương, trước hết là giữa các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước. Đáng chú ý, ngay trước thềm cuộc họp, Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte cũng đã có mặt chào đón các vị khách đến từ “Xứ sở Bạch Dương”.

Trong khi đó, vẫn như trước đây, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá các cuộc tham vấn theo định dạng 2+2 luôn chứng minh tính hiệu quả, là cơ hội để giới chức Nga và Italy gặp gỡ và thẳng thắn trao đổi lẫn nhau, tin tưởng cùng nhau tìm ra các giải pháp hữu hiệu và thỏa đáng cho những thách thức và mối đe dọa chung trong thời đại hiện nay. Cụ thể, một trong những mối đe dọa chính lúc này là khả năng triển khai tên lửa của Mỹ tại các quốc gia châu Âu trong thành phần NATO. Moscow hoan nghênh ý định của Rome, không né tránh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sẵn sàng bắt đầu cuộc đối thoại về lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Ngoại trưởng Lavrov đã đưa ra nhận xét này sau cuộc hội đàm.

Nga đánh giá cao động thái của Italy, sẵn sàng tiếp bước Pháp, với những tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Emmanuel Macron, đề cập chủ đề cuộc khủng hoảng kiểm soát vũ khí. Nga cho rằng, dường như Liên hiệp châu Âu (EU) đang thể hiện quyết tâm tìm cách đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống chính trị thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh nước Mỹ, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump, đang có nhiều động thái “phá ngang” các chính sách kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tính cực, nhà ngoại giao Nga Lavrov cũng đưa ra những “phàn nàn” nhất định về chính sách đối ngoại của EU, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của Nga và Italy. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Stampa, trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh, gần bảy năm có rất nhiều cơ hội đã bị bỏ qua, sự hợp tác cùng có lợi giữa Nga và EU nói chung, cũng như với Italy nói riêng đã bị đóng băng. Các biện pháp cấm vận đơn phương chống Nga đã gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế của chính các nước châu Âu, trong đó có Italy.

Theo số liệu thống kê của Nga, kim ngạch thương mại giữa Nga và Italy đã giảm gần một nửa, từ 53,8 tỷ USD năm 2013 xuống còn 26,9 tỷ USD vào năm 2018. Tổng thiệt hại của các nhà sản xuất Italy lên tới gần hai tỷ USD. Trong khi theo số liệu của Italy, trong gần bảy năm áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga, số tiền mà nước này chịu thiệt hại còn lớn hơn nhiều.

Tại một cuộc họp báo sau đó, Ngoại trưởng Luigi di Mayo khẳng định, Rome “đã sẵn sàng thực thi các bước chiến lược mới trong khuôn khổ EU, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với Moscow về tất cả các vấn đề mà EU quan tâm”, trước hết, đó là các vấn đề môi trường, thương mại quốc tế, an ninh, chăm sóc sức khỏe… Đề cập tình hình Libya, Ngoại trưởng Luigi di Mayo nói rằng, hội nghị về ổn định tình hình ở Libya tại Berlin đã không giải quyết được tất cả các vấn đề của đất nước này, nhưng mang lại hy vọng trong tương lai cho người dân Libya cũng như toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Ông di Mayo cũng khẳng định, Italy không cho phép mối đe dọa khủng bố xảy ra ở Libya ảnh hưởng đến an ninh của đất nước và Italy sẵn sàng tham gia tích cực vào việc giám sát lệnh ngừng bắn ở Libya.

Bảo đảm bảo an ninh và ổn định tại phía đông và nam Địa Trung Hải là ưu tiên hàng đầu của Italy vì vị trí địa lý của nước này gần các điểm nóng của cuộc xung đột. Hơn thế, Nga và Italy cũng có những lợi ích kinh tế nhất định ở Libya. Hơn nữa, Italy không thể đơn phương hóa giải những bất đồng giữa các bên tham chiến ở Libya, điều mà họ đã cố gắng thực hiện hồi tháng một vừa qua, mà không đạt kết quả. Nói một cách khác, sự thất bại của Italy trong nỗ lực tháo gỡ tình hình căng thẳng ở Libya đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Rome. Phải chăng, đây cũng chính là một lý do nữa để Rome nỗ lực cùng Nga hóa giải các lệnh trừng phạt cấm vận, khi mà cả hai bên đều có những mối quan tâm và lợi ích chung, trước hết trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Rõ ràng, Nga đã và vẫn sẽ là một đối tác quan trọng đối với Rome.

QUẾ ANH

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43316302-moscow-va-rome-no-luc-vuot-qua-rao-can-cam-van-trung-phat.html