Truyền thông Nga cho biết, cách đây vài tuần, một phái đoàn ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Moskva để thảo luận về tương lai của Syria và Libya.
Hiện các nhà ngoại giao Nga đã đến Ankara trong một chuyến thăm đáp lễ. Điều đó xảy ra khi Moskva và Ankara đang ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột ở cả hai quốc gia này. Liệu hai bên có thể thỏa hiệp và điều khoản là gì?
Không còn nghi ngờ gì nữa, điểm nhức nhối nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia chính là Syria, nơi mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực tranh giành ảnh hưởng.
Damascus là đồng minh của Moskva và quân đội Nga đang ở trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập theo lời mời chính thức. Tuy nhiên Ankara rõ ràng coi vùng đất Syria là "tạm thời bị chiếm đóng" và có ý định thiết lập lại biên giới lịch sử của Đế chế Ottoman.
Tất cả những điều này tạo ra một vấn đề địa chính trị rất lớn. Nói cách khác, chính quyền Ankara không tuân thủ nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ Syria. Trên thực tế, họ ủng hộ các nhóm phiến quân tại tỉnh Idlib, đồng thời cũng "đánh chiếm" một phần tỉnh Aleppo và toàn bộ Afrin.
Lý do chính thức cho việc can thiệp và chiếm đóng các khu vực chiến lược quan trọng này là bởi người Kurd ở Syria cần phải tạo ra một hàng rào an ninh.
Sau khi chiếm đóng, Ankara bắt đầu trục xuất người Kurd khỏi vùng biên giới của mình, thay thế họ bằng những người Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi về mặt dân tộc và văn hóa. Trên thực tế, chỉ còn một bước nữa là đến lúc tuyên bố "Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ miền Bắc Syria".
Điều này sẽ tạo ra một nút thắt mâu thuẫn dày đặc hơn mà chỉ có thể cắt đứt bằng vũ lực. Mùa xuân năm ngoái, nguy cơ về một cuộc đụng độ quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hoàn toàn hiện hữu.
Xung đột chỉ tránh được nhờ các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Erdogan. Trên thực tế, Idlib bị chia cắt thành hai phần phía Bắc và phía Nam, tương ứng thuộc về người Thổ Nhĩ Kỳ và người Syria.
Tuy nhiên các quan chức Damascus không có ý định chịu đựng tình trạng như vậy vô thời hạn, họ tuyên bố cần phải đẩy những kẻ xâm lược ra khỏi lãnh thổ của mình.
Một lệnh ngừng bắn mong manh có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi có những "người chơi" bên ngoài quan tâm đến việc tạo ra các vấn đề cho Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới của họ.
Tất nhiên chúng ta đang nói về quốc gia Bắc Phi Libya xa xôi, nơi người Thổ Nhĩ Kỳ bị Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia, Pháp và Nga phản đối.
Tổng thống Erdogan đã tận dụng lời mời của chính thức từ Tripoli và cử quân đội đến Bắc Phi để hỗ trợ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) trong cuộc đối đầu với Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Đổi lại, ông Erdogan nhận được quyền tiếp cận thềm lục địa giàu hydrocacbon và củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự mới.
Kết quả là một liên minh quốc tế chống Thổ Nhĩ Kỳ rộng lớn đã được thành lập, trong đó có Nga. Như đã biết, lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đang chiến đấu bên phía Nguyên soái Haftar.
Do đó có một chủ đề để mặc cả giữa Moskva và Ankara. Nếu liên minh thực sự bắt đầu những hành động thù địch với người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải và ở Libya để kiềm chế sự cuồng nhiệt của ông Erdogan, Nga sẽ có hai lựa chọn.
Tổng thống Putin có thể hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các đồng minh NATO bằng việc cung cấp vũ khí, hoặc ngược lại mở mặt trận thứ hai chống lại họ bằng cách hỗ trợ cuộc tấn công của Syria ở phía Bắc Idlib.
Với sự liên kết địa chính trị này, Điện Kremlin có thể cố gắng thương lượng với Ankara về việc phi quân sự hóa Idlib trên thực tế để đổi lấy sự trung lập thân thiện, đặc biệt là ủng hộ Libya và Đông Địa Trung Hải.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về mối đe dọa từ người Kurd ở khu vực biên giới của mình, họ có thể đồng ý rút quân để cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình ở đó thông qua Liên Hợp Quốc.
Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là bước đi nghiêm túc nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Bạch Dương