Mossad và vụ 'tự đánh cắp' 5 tàu hộ vệ tên lửa
50 năm trước, đúng vào đêm Giáng sinh, 5 tàu hộ vệ tên lửa lớp Saar-3 đã được đóng xong tại xưởng đóng tàu Felix Amiot ở Cherbourg, Pháp, theo hợp đồng giữa Israel và Pháp bị 'đánh cắp' nhưng lực lượng bảo vệ cảng Cherbourg chẳng hề hay biết gì.
Vụ đánh cắp được thực hiện chính do Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Israel bởi lẽ sau cuộc chiến tranh 6 ngày xảy ra giữa Israel với Ai Cập, Arab Saudi, Syria, Jordan, tổng thống Pháp khi ấy là Charles de Gaulle đã ra lệnh phong tỏa cả 5 chiếc tàu nhằm tránh làm mất lòng các quốc gia thuộc khối Arab...
Mất bò mới lo làm chuồng
Giữa tháng 11/1969, chiếc tàu hộ vệ tên lửa cuối cùng lớp Saar-3 trong số 5 chiếc mà xưởng đóng tàu Felix Amiot ở Cherbourg, Pháp, thực hiện theo đơn đặt hàng của Hải quân Israel được hạ thủy. Đây là loại tàu cao tốc tác chiến gần bờ dài 75m, rộng 7,6m, hoạt động bằng 4 động cơ tổng công suất 12.400 mã lực, tốc độ tối đa 74km/giờ. Theo dự kiến, nó sẽ được chuyển giao cho Hải quân Israel vào đầu năm 1970.
Ngược dòng thời gian, hơn 2 năm trước đó - ngày 5/6/1967 - Israel phát động cuộc chiến tranh chống Ai Cập, Arab Saudi, Syria và Jordan. Chỉ trong 6 ngày, Israel đánh tan liên quân 4 nước, giành quyền kiểm soát phía Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và cao nguyên Golan. Kết quả của cuộc chiến ấy đã ảnh hưởng đến địa chính trị của khu vực cho đến tận bây giờ.
4 tháng sau cuộc chiến 6 ngày - tháng 10/1967 - một tàu khu trục của Israel là chiếc INS Eliat do Hải quân thiếu tá Yitzhak Shoshan là thuyền trưởng, bị một tàu tên lửa lớp Komar của Ai Cập tấn công khi nó đang di chuyển trên lối vào kênh đào Suez, cách cảng Port Said 20km.
Lúc ấy là 5 giờ 49 phút chiều. Tiếng còi báo động trên tháp quan sát của tàu INS Eliat hú lên rền rĩ. Từ đường chân trời ở phía nam, trong ánh hoàng hôn, 4 chấm đen nối đuôi nhau xuất hiện, kéo theo những luồng khói trắng đục. Thuyền trưởng Yitzhak Shoshan thấy nó hướng thẳng về phía mình và ông hiểu rằng chỉ còn chưa đầy 1 phút để cứu tàu INS Eliat cùng 200 sinh mạng.
Tăng tốc động cơ hết công suất, Yitzhak Shoshan cho con tàu lượn theo hình vòng cung với một góc rất hẹp nhưng đã quá muộn. Quả tên lửa đối hải Styx đầu tiên nổ tung, xé toạc thân tàu bên trái. 3 quả tiếp theo rơi xuống giữa tàu, buồng máy và mũi tàu. Chiếc INS Eliat nhanh chóng chìm xuống đáy biển. 47 người thiệt mạng và 106 người bị thương.
Cuộc tấn công tàn khốc của một tàu hộ vệ tên lửa Ai Cập do Liên Xô sản xuất đã gây sốc cho cả hải quân Israel lẫn hải quân phương Tây, vốn chưa được chuẩn bị để đối phó với những trận hải chiến bằng loại vũ khí mới.
Vì thế, dưới sự đề xuất của đô đốc Yohai Bin-Nun, tư lệnh Hải quân Israel, Thứ trưởng Quốc phòng Shimon Peres đã trực tiếp trình lên Thủ tướng Israel lúc ấy là ông Levi Eshkol, xin phép được đóng mới một số tàu hộ vệ tên lửa bởi lẽ Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon cho rằng cuộc chiến tiếp theo sẽ được quyết định bởi máy bay và xe tăng chứ không phải tàu khu trục. Cũng chính vì suy nghĩ ấy, lực lượng Hải quân Israel lúc đó chỉ gồm 3 chiến hạm có từ thời Thế chiến 2 với tổng quân số 2.500 người.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Shimon Peres, những chiếc tàu nhỏ trang bị tên lửa có ưu thế là tốc độ cao, cơ động nhanh, rẻ tiền, dễ chế tạo. Hơn nữa, tuy tàu nhỏ không thể mang súng hạng nặng vì độ giật của chúng khi khai hỏa nhưng nó lại đóng vai trò là bệ đỡ cho tên lửa vì tên lửa khi bắn đi, không có độ giật lùi.
Sự ra đời của 5 tàu hộ vệ tên lửa lớp Saar-3
Được Thủ tướng Levi Eshkol đồng ý, Thứ trưởng Quốc phòng Shimon Peres quyết định chọn nước Đức làm đối tác mặc dù trong Thế chiến II, hơn 6 triệu người Do Thái đã thiệt mạng trong các trại tập trung của Đức Quốc xã.
Theo ông Shimon Peres, kỹ thuật đóng tàu chiến của người Đức có rất nhiều ưu điểm mà các nước phương Tây chưa theo kịp. Hơn nữa, trong một cuộc gặp không chính thức với với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Franz Josef Strauss tại nhà riêng ở Bavaria, ông Franz Josef Strauss đã cam kết với ông Shimon Peres một ngân khoản trị giá 60 triệu USD viện trợ, coi như bồi thường cho việc Đức Quốc xã tàn sát người Do Thái mặc dù cả hai không đề cập đến vấn đề này.
Kết thúc cuộc gặp, 60 triệu USD được điều chỉnh thành 5 tàu cao tốc. Ngay sau đó, một nhóm sĩ quan Hải quân Israel tiến hành tìm hiểu cách biên chế tàu bè của các hạm đội nước ngoài nhằm tìm kiếm một con tàu có thể trở thành tàu hộ vệ tên lửa. Cuối cùng, họ chọn phóng lôi Jaguar của Đức, là phiên bản cải tiến từ tàu phóng lôi Schnellboot, đã từng gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Đồng Minh ở Đại Tây Dương hồi Thế chiến II.
Khi bản thiết kế của chiếc Jaguar gửi về Israel, Đô đốc Erell, phó tư lệnh Hải quân Israel muốn nhiều hơn nữa.Ông bay tới Đức, yêu cầu Hải quân Đức kéo dài tàu thêm 2m để phù hợp với những thiết bị mà Israel dự định lắp đặt bởi lẽ ngoài 4 tên lửa chống hạm Harpoon, một kỹ sư Israel là Ori Even-Tov còn phát triển thành công loại tên lửa đối hạm Grabiel. 5 chiếc tàu này được đặt tên là tàu hộ vệ tên lửa lớp Saar-3.
Tuy nhiên, trước khi việc đóng tàu cho Israel có thể bắt đầu, cơ quan tình báo của các quốc gia thuộc khối Arab đã đánh hơi thấy mùi sắt thép. Lập tức, họ thông báo cho phía Đức rằng nếu Chính phủ Đức vẫn cố tình giúp đỡ Israel thì họ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao, các hợp đồng mua bán dầu mỏ sẽ bị hủy bỏ.
Đầu năm 1969, Hải quân Đức chính thức tuyên bố chấm dứt hợp đồng đóng 5 tàu hộ vệ tên lửa cho Israel nhưng sau lưng, họ vẫn cam kết cung cấp đủ 60 triệu USD cùng toàn bộ bản vẽ kỹ thuật của tàu Saar-3 để Israel có thể tìm đối tác khác.
Song song với những việc ấy, 100 sĩ quan, thủy thủ Israel lao vào học tập cách điều khiển Saar-3 trên mô hình, mỗi ngày từ 12 đến 14 tiếng để khi đóng tàu xong, họ có thể tác chiến ngay mà không phải mất thời gian tập luyện bởi lẽ thời điểm này, hải quân Ai Cập với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã đưa vào hoạt động các tàu hộ vệ tên lửa mới thuộc lớp Osa khiến cán cân sức mạnh trên Địa Trung Hải hoàn toàn nghiêng về khối Arab.
Sau nhiều ngày bí mật thăm dò, tìm kiếm, các điệp viên thuộc Cơ quan Tình báo Mossad, Israel đã được xưởng đóng tàu Felix Amiot ở Cherbourg, Pháp đồng ý thi công 5 chiếc Saar-3. Đến tháng 11, cả 5 chiếc đã hoàn thành, chỉ chờ bàn giao thì bất ngờ các điệp viên Mossad nắm được một thông tin tuyệt mật.
Đó là tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã lặng lẽ chỉ thị cho Bộ Quốc phòng phong tỏa 5 tàu Saar-3, không cho chúng rời khỏi nước Pháp để không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Pháp và các quốc gia thuộc khối Arab. Các điệp viên Mossad còn biết chỉ thị phong tỏa 5 tàu Saar-3 chưa được phổ biến rộng rãi bởi một số quan chức Bộ Quốc phòng Pháp có khuynh hướng thân Israel, đang tính toán làm thế nào phổ biến cho Israel mà không mất đi mối giao hảo.
Vì thế, Hải quân Israel quyết định phải hành động ngay tức thời bằng cách đánh cắp 5 tàu hộ vệ tên lửa của chính họ trước khi các lực lượng canh giữ cảng Cherbourg nhận được lệnh phong tỏa từ Bộ Quốc phòng.
Diễn tiến vụ đánh cắp tàu Saar-3
Để thực hiện chiến dịch đánh cắp 5 tàu hộ vệ tên lửa lớp Saar-3, Chuẩn Đô đốc Mordechai "Mokka" Limon, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Israel được Bộ Quốc phòng Israel chọn làm người chỉ huy. Bằng cách lập công ty bình phong Starboat, Na Uy, đăng ký ở Panama, do Limon là tổng giám đốc, chuyên về thăm dò dầu khí với hơn 100 nhân viên đều là sĩ quan, thủy thủ thuộc Hải quân Israel. Theo kịch bản, Starboat đề nghị Bộ Quốc phòng Pháp bán cho họ 5 tàu Saar-3 để thăm dò dầu khí.
Sáng 21/12/1969, 180 sĩ quan, thủy thủ Israel và nhân viên tình báo Mossad, những người đã được huấn luyện nhuần nhuyễn trên mô hình tàu Saar-3 bay đi Paris rồi chia thành từng nhóm nhỏ, đến cảng Cherbourg bằng tàu hỏa. Trên danh nghĩa, họ đến để chuẩn bị cho việc học tập cách điều khiển, bảo dưỡng tàu Saar-3 nếu vụ mua bán thành công. Theo lệnh Chuẩn Đô đốc Limon, kế hoạch đánh cắp phải được thực hiện vào đêm Giáng sinh, khi mà mọi sự canh phòng có phần lơi lỏng.
Ban đầu, người chỉ huy trực tiếp vụ đánh cắp là thuyền trưởng Hadar Kimhi dự định khởi hành lúc 8 giờ 30 tối nhưng do thời tiết xấu vì một cơn bão nên mãi đến 2 giờ 30 sáng 25-2, 5 chiếc Saar-3 không bật đèn hiệu, không mở radio, lặng lẽ ra khỏi cảng Cherbourg trong cơn mưa tầm tã và tiếng sóng vỗ ầm ào, át hẳn tiếng nổ của động cơ được cho chạy với vận tốc thấp.
Vượt qua vịnh Biscay, 5 chiếc Saar-3 đến được Bồ Đào Nha, nơi có 1 tàu tiếp nhiên liệu của Israel ngụy trang thành tàu chở hàng, đã đợi sẵn. Đây là một trong nhiều tàu hỗ trợ được Israel triển khai dọc theo 5.150 km đường biển, từ cảng Cherbourg của Pháp đến cảng Haife, Israel.
Về phía người Pháp, mãi 8 giờ sáng 25/2, họ mới phát hiện sự biến mất của 5 tàu Saar-3. Rất tức giận, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Debré ra lệnh cho 2 phi đội phản lực tiêm kích Mirage “đánh chìm 5 tàu bằng mọi giá” nhưng lệnh này không được Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp thi hành vì Thủ tướng Jacques Chaban-Delmas lo ngại rằng việc Bộ Quốc phòng Pháp không giao 5 tàu lớp Saar-3 cho Israel đã khiến tình hình 2 bên căng thẳng.
Nay nếu Pháp lại tiêu diệt 5 tàu này thì sự thù địch sẽ gia tăng, nhất là lúc ấy nước Pháp đang cải thiện mối quan hệ của mình với các quốc gia Arab sau khi thuộc địa của Pháp là Algeria giành được độc lập. Cách trả đũa duy nhất được người Pháp thực hiện là trục xuất Chuẩn Đô đốc Mordechai "Mokka" Limon, Tổng Giám đốc Công ty ma Starboat!
Phục thù
Sau khi 5 tàu hộ vệ tên lửa về đến cảng Haifa đúng ngày đầu năm mới 1970, Hải quân Israel tiến hành lắp đặt 4 tên lửa Harpoon và 3 tên lửa Grabiel cùng 1 hải pháo 76mm và 6 đại liên 7,62mm. Bên cạnh đó, họ còn lắp đặt radar Thompson CFS chuyên theo dõi máy bay, radar THD 1040 theo dõi mặt biển và radar Selenia Orion RTN-10X kiểm soát hỏa lực đối phương.
Ngày 6/10/1973, chiến tranh nổ ra giữa một bên là Israel còn bên kia là Syria và Ai Cập. Đây cũng là lần đầu tiên tàu hộ vệ tên lửa lớp Saar-3 tham chiến kể từ khi Israel đánh cắp nó. Ngay trong buổi chiều 6/10, 4 tàu Saar-3 và 1 tàu tuần dương của Israel đã bắn chìm 3 tàu tên lửa lớp Komar của Syria trên vùng biển gần cảng quân sự Latakia, Syria.
Thoạt đầu, tàu Komar khai hỏa trước bằng 1 quả tên lửa Styx có tầm bắn gấp đôi tên lửa Grabiel của tàu Saar-3. Rất bình tĩnh, thuyền trưởng tàu Saar-3 khởi động thiết bị gây nhiễu khiến tên lửa Styx không còn nhận ra mục tiêu. Sau đó, chiếc Saar-3 đáp trả bằng 1 quả tên lửa Grabiel, xóa sổ tàu Komar trong nháy mắt.
Chiều ngày 10/10, 2 tàu Saar-3 của Israel tiếp tục bắn chìm 2 tàu tên lửa Syria đồng thời bắn cháy kho nhiên liệu đặt trong cảng quân sự Latakia, mở đầu cho kỷ nguyên tác chiến nhanh, hỏa lực mạnh bằng tàu cao tốc hộ vệ tên lửa…
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/mossad-va-vu-tu-danh-cap-5-tau-ho-ve-ten-lua-604636/