Một bé trai phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn hạt dưa

Sau khi ăn hạt dưa, một bé trai ở Long An đột ngột ho sặc sụa, khóc và ói ra thức ăn. Người nhà đưa bé đi nhập viện trong tình trạng khó thở, môi tái…

Ngày 16.4, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu kịp thời một bé trai bị dị vật khí quản sau khi ăn hạt dưa hấu.

Qua nội soi cho thấy, dị vật là hạt dưa hấu gây bít tắc gần hết lòng khí quản đoạn bên dưới gần chỗ chia phế quản gốc - Ảnh: BV

Qua nội soi cho thấy, dị vật là hạt dưa hấu gây bít tắc gần hết lòng khí quản đoạn bên dưới gần chỗ chia phế quản gốc - Ảnh: BV

Theo người nhà của bé trai L.K.Ng (22 tháng tuổi, ngụ ở Vĩnh Hưng, Long An), khoảng 17 giờ ngày 14.4, bé đang ăn hạt dưa, sau đó đột ngột ho sặc sụa, môi tái nhẹ, khóc nhiều, ói ra thức ăn, người nhà đưa trẻ vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, môi tái, nồng độ oxy trong máu (SpO2) 86%, chi ấm, mạch quay đều bắt rõ 148 lần/phút; tim đều rõ 148 l/phút, không âm thổi; thở đều 48 lần/phút co kéo, nghe tiếng rít thì hít vào; phổi thô, phế âm giảm nhẹ bên trái; bụng mềm, gan lách không sờ chạm; các cơ quan chưa phát.

Bệnh nhi được chỉ định chụp CT Scan ngực thì ghi nhận dị vật khí quản vị trí carina (chỗ chia đôi của phế quản trái và phải) chiếm gần hết lòng khí quản, không đông đặc nhu mô phổi, không tràn khí màng phổi. Bệnh nhi được chẩn đoán dị vật lòng phế quản giờ thứ 6.

Sau đó, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh. Bệnh viện tiến hành hội chẩn chuyên khoa hô hấp tai mũi họng và quyết định nội soi đường thở.

“Trong quá trình nội soi bằng ống soi mềm qua ngả miệng, chúng tôi ghi nhận ở hạ họng thông thoáng, thanh quản thông thoáng, 2 dây thanh trơn láng, khép mở tốt. Tuy nhiên, ở khí quản có dị vật dạng hình thoi, thuôn 2 đầu, màu nâu nghĩ là hạt dưa đoạn 1/3 dưới khí quản, bít gần hoàn toàn lòng khí quản. Ê kíp đã dùng kềm gắp dị vật thành công. Soi kiểm tra sau lấy dị vật ghi nhận khí quản thông thoáng, 2 phế quản gốc trái, phải thông thoáng, không dị vật tồn lưu. Sau gắp dị vật trẻ hết khó thở, tỉnh táo”, bác sĩ Tiến thông tin.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh khi cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi ăn trái cây phải lấy hết hạt ra, để tránh trẻ hóc dị vật đường thở, làm tắc nghẽn gây khó thở, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mot-be-trai-phai-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-an-hat-dua-231628.html