Một bệnh nhi tử vong do Cúm A/H1N1pdm

Chiều 11-12, Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên xác nhận, một bệnh nhi 27 tháng tuổi đã tử vong do mắc Cúm A/H1N1pdm.

Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên xác nhận với báo chí bệnh nhi tử vong do Cúm A/H1N1pdm.

Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên xác nhận với báo chí bệnh nhi tử vong do Cúm A/H1N1pdm.

Bệnh nhi đã tử vong là nam, tên V.V.M.N, sinh năm 2017. Theo hồ sơ bệnh án, cháu bé có địa chỉ ở phường 5, thành phố Tuy Hòa, tuy nhiên thực tế sinh sống tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên. Hiện các cơ quan y tế của tỉnh Phú Yên đang phối hợp, tích cực điều tra, giám sát khu vực có người bệnh để tránh lây lan.

Về diễn biến của ca bệnh: cháu bé có dấu hiệu sốt, ho vào ngày 29-11, người nhà đã tự mua thuốc uống nhưng không khỏi, đến ngày 30-11, gia đình đưa cháu đến bệnh viện Sản Nhi Phú Yên điều trị và được chuẩn đoán là “Viêm phổi nặng”. Sau ba ngày điều trị, thấy bệnh tình nặng thêm, nên ngày 4-12 người nhà xin tự chuyển cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để điều trị. Tại đây, bác sĩ cũng chẩn đoán bệnh nhân bị “Viêm phổi nặng”. Đến ngày 6-12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm gửi về Viện Pasteur Nha Trang và được trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với Cúm A/H1N1pdm. Ngày 9-12, gia đình tiên lượng bệnh tình xấu, đã xin đưa về nhà và cháu bé đã tử vong trên đường.

Ngay sau khi có bệnh nhân tử vong do Cúm A/H1N1pdm, các đơn vị y tế của tỉnh Phú Yên đã thu mẫu bệnh phẩm người nhà trong gia đình gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã cấp hóa chất cho gia đình và hướng dẫn vệ sinh môi trường nhà cửa, dụng cụ gia đình; tuyên truyền cho các hộ gia đình chung quanh biết về bệnh Cúm A/H1N1pdm và cách phòng chống. Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, Trạm Y tế xã Hòa An được giao nhiệm vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của 10 người tiếp xúc gần với bệnh nhân và các hộ xung quanh trong vòng 14 ngày.

Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, cái khó hiện nay là Cúm A/H1N1pdm có biểu hiện tương đồng như các triệu chứng cúm thông thường, nên nếu không giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sớm thì phát hiện bệnh muộn. Như trường hợp cháu bé vừa tử vong, từ lúc mắc bệnh đến ngày thứ bảy, khi quá nặng mới lấy mẫu xét nghiệm thì mới phát hiện bệnh. Trong thời gian này có thể sẽ lây nhiễm nhiều người. Trong khi đó, hiện nay, nhiều người chưa biết nhiều về cúm A/H1N1pdm cũng như tiêm ngừa vắc-xin này. Những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao lại từ chối lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và điều này rất dễ lây lan, nhất là khi đây là thời điểm giao mùa, loại cúm này bùng phát.

Hiện nay rất khó để phân biệt giữa Cúm A/H1N1pdm với cúm mùa thông thường. Chính vì vậy khi có triệu chứng như: ho, sốt, đau đầu mọi người cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Và chỉ có lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm thì mới có thể khẳng định được có mắc Cúm A/H1N1pdm hay không. Các gia đình cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở: rửa tay bằng xà phòng; lau sạch các bề mặt dụng cụ hay tiếp xúc như sàn nhà, cầu thang bằng chất tẩy rửa; giặt quần áo bằng xà phòng và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Được biết, trong vòng hơn một tháng trở lại đây tại khu vực miền trung và Tây Nguyên đã ghi nhận ba trường hợp tử vong do cúm A/H1N1pdm. Khi nhiễm cúm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong cao.

TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/42551902-mot-benh-nhi-tu-vong-do-cum-a-h1n1pdm.html