Một bộ phận cán bộ chưa có ý thức dùng văn bản điện tử thay văn bản giấy

Ngày 7-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đầu cầu Hà Nội.

Tại đầu cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và đại diện các sở, ngành liên quan dự.

Theo tổng hợp của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện gửi, nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Hiện, 100% bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó có 65 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh, 30 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tính đến ngày 4-2-2020, đã có gần 1,25 triệu văn bản, trong đó có khoảng 298.000 văn bản gửi và 945.000 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương làm tốt là Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Long An, An Giang, Kon Tum, Cần Thơ, Hà Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Quảng Ngãi.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Điển hình là, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ về hiệu quả trong việc sử dụng văn bản điện tử có ký số, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Điều này dẫn tới phát sinh khối lượng công việc không nhỏ khi văn bản vẫn được ký tay trực tiếp, chụp, đưa vào hệ thống và ký số. Theo đó, đối với các văn bản, hồ sơ có thành phần tài liệu lớn lên tới hàng trăm trang thì việc số hóa đưa vào hệ thống tốn rất nhiều công sức và thời gian.

Với việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, dù các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhưng chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ hoặc đã làm nhưng có tỷ lệ sai mã thủ tục hành chính hơn 30% là không nhỏ, gồm các địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Nai, Hải Dương…

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/957707/mot-bo-phan-can-bo-chua-co-y-thuc-dung-van-ban-dien-tu-thay-van-ban-giay