Một bộ phận trẻ lớp 1 ở TP.HCM quên mặt chữ, giáo viên dạy lại từ đầu
Sau gần 4 tháng nghỉ dịch, học sinh lớp 1 tại TP.HCM quay lại trường với nhiều khó khăn. Một bộ phận trẻ quên mặt chữ, không thể đọc, viết.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19, trước khi học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT TP.HCM dự báo sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh lớp 1 không đọc thông, viết thạo vào cuối năm học.
Nguyên nhân được nhiều giáo viên cho rằng dù đã tổ chức dạy học trực tuyến nhưng đối với cấp tiểu học, đây chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa".
Thầy Trần Văn Tám, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học An Phú 1 (huyện Củ Chi) cho hay trong mỗi lớp có một vài em quên mặt chữ, cách đọc viết.
Rải rác học sinh quên cách đọc, viết, cầm bút
Theo thầy Trần Văn Tám, mọi năm đến thời điểm này, học sinh lớp 1 đã có thể đọc thông thạo mà không cần đánh vần, viết bằng bút mực. Hiện tại, sau khi trở lại trường, một số em đã quên mặt chữ, quên cách đọc viết.
"Một lớp cũng có vài em quên mặt chữ, quên cách cầm bút. Những em này phải được kèm cặp thêm để bắt kịp với các bạn khác. Mục tiêu khi hết lớp 1 các em phải đọc thông, viết thạo. Trong tuần đầu của năm học lớp 2, học sinh được dành thời gian ôn tập thêm cho học sinh", thầy Tám nói.
Tại trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, thầy Nguyễn Văn Hải, hiệu trưởng thông tin một số trường hợp cá biệt học sinh đã quên cách đọc, viết. Nhà trường tin tưởng giáo viên sẽ nhanh chóng giúp các em lấy lại kiến thức để hoàn thành chương trình, có thể lên lớp.
Theo thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, kết quả năm học này của học sinh lớp 1 phụ thuộc nhiều vào việc học online trong thời gian nghỉ dịch. Đặc biệt sự hợp tác, hỗ trợ của phụ huynh với giáo viên rất quan trọng.
Trong hai tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, các giáo viên phải rà soát, hệ thống lại kiến thức của học sinh trong thời gian học trực tuyến. Ghi nhận ban đầu ở trường không có tình trạng học sinh quên hẳn mặt chữ. Tuy nhiên trong lớp vẫn có những em cần phụ đạo thêm để bắt kịp các bạn khác.
"Cuối học kỳ I thông thường là các em đã làm quen viết bằng bút mực, tuy nhiên thời gian nghỉ quá lâu, ảnh hưởng đến kỹ năng này của các em. Kỹ năng đọc cũng bị ảnh hưởng. Giai đoạn này giáo viên đang phụ đạo thêm, chia nhóm để bù đắp kiến thức các em thiếu hụt", thầy Bình nói.
Khi học sinh quay lại lớp, giáo viên đã nắm được quá trình, kết quả học trực tuyến của học sinh. Thầy cô biết rõ em nào học đầy đủ, em nào gián đoạn, mức độ tiếp thu kiến thức tới đâu để phân loại nhóm đối tượng và hỗ trợ.
Những em nào học liên tục, tiếp thu tốt thì giáo viên sẽ bồi dưỡng thêm lượng kiến thức phù hợp. Em nào học chưa đầy đủ hoặc không tham gia học trực tuyến do gia đình đưa về quê nghỉ dịch, giáo viên phải dạy lại kiến thức trọng tâm trong 2 tuần đầu đi học lại.
"Kết thúc năm học, chất lượng học sinh các lớp, không chỉ riêng lớp 1, sẽ không bằng các năm. Điều này cũng dễ hiểu, do kết quả học trực tuyến không như ý muốn", ông Bình nhận định.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ cho rằng tình trạng học sinh nhớ nhớ, quên quên sẽ xảy ra nhiều ở những nơi phụ huynh không tiếp cận được công nghệ thông tin hiệu quả hoặc không quan tâm đến việc học trực tuyến của con.
Không đọc thông viết thạo sẽ không được lên lớp
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận, cho rằng học sinh nghỉ 3, 4 tháng dẫn đến quên kiến thức là điều dễ hiểu, ở tất cả mọi khối lớp không riêng gì học sinh lớp 1.
Lường trước tình hình này, Sở GD&ĐT Bình Thuận đã yêu cầu các trường, giáo viên nỗ lực lấy lại kiến thức cho học sinh.
"Học online chỉ là giải pháp tình thế. Khi học sinh quay lại trường, chúng tôi phải tổ chức vừa dạy vừa ôn tập. Giáo viên đang rất vất vả, nỗ lực để ôn tập và dạy kiến thức mới cho các em. Ngoài ra phải phụ đạo thêm các em yếu", ông Thái nói.
Mặc dù chưa thống kê cụ thể đối với học sinh lớp 1 nhưng khảo sát chung trên toàn tỉnh Bình Thuận cho thấy có 2% học sinh nhà không có ti vi và 20% học sinh không có internet để học tập. Như vậy, ít nhiều sẽ có học sinh không tiếp cận được việc học online, học trên truyền hình dẫn đến việc ảnh hưởng kết quả học tập của năm nay.
Đối với địa bàn Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng tình trạng học sinh lớp 1 quên cách đọc, cách viết ít nhiều sẽ xảy ra.
"Hiện sở chưa thống kê con số cụ thể nhưng chắc chắn có tình trạng học sinh quên cách đọc, viết. Các em mới làm quen mặt chữ nên nghỉ học dài ngày chắc chắn sẽ quên. Sở đã yêu cầu các trường nắm bắt tình hình để kịp thời động viên và kèm cặp các cháu thêm. Nếu không được động viên, hỗ trợ kịp thời thì các cháu sẽ bị tụt lại so với bạn bè, ảnh hưởng đến những năm học sau", ông Luân nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng đây là thực tế không thể tránh khỏi ở tất cả địa phương, không riêng TP.HCM.
Sắp tới, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế sẽ có khảo sát cụ thể dành riêng cho học sinh lớp 1 để nắm rõ tình hình học tập các em. Từ đó, sở đưa ra các biện pháp phụ đạo, hỗ trợ cụ thể.
"Quan điểm của chúng tôi học sinh lớp 1 phải đọc thông, viết thạo, đạt chuẩn quy định thì mới lên lớp 2. Nhà trường chấp nhận cho các em yếu, không theo kịp ở lại lớp một năm vì lớp 1 rất quan trọng. Học sinh yếu vẫn lên lớp dẫn đến tình trạng ngồi nhầm lớp, ngồi nhầm suốt 12 năm học", ông Tân nêu ý kiến.