Một bước ngoặt…

'Xin chào quý thính giả đang đến với làn sóng FM, tần số 89,4MHz của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước'. Đây là câu chào quen thuộc nhất, gần gũi nhất và khiến tôi luôn cảm thấy tự hào trong 19 năm làm nghề của mình.

Bước vào nghề báo với công việc là biên tập viên chương trình văn nghệ, tôi bắt đầu thử sức với vai trò người đọc, dẫn chương trình (MC) văn nghệ - công việc mà tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ đảm nhiệm, bởi tôi chưa hề có một chút kiến thức, kinh nghiệm hay kỹ năng dẫn. Thế là tôi bắt đầu vừa làm vừa tự học, một cách âm thầm…

Những ngày tháng đó, sau giờ làm việc tại cơ quan, về nhà là tôi trốn ngay vào phòng riêng. Đóng kín cửa, 1 tay cầm chiếc máy cassette để gần khẩu hình, ngón tay cái thì giữ nút Rec (nút bấm thu âm), 1 tay cầm văn bản… thế là “công cuộc” tập đọc của tôi bắt đầu. Mỗi lần đọc xong, tôi đều “tua” lại băng cassette nghe đi nghe lại từ nào phát âm chưa chuẩn, đoạn nào đọc chưa tốt, chưa mềm mại và điều chỉnh để đọc tốt hơn. Ngày qua ngày, tôi đã khắc phục được những khuyết điểm và tự tin hơn trong công việc.

Khi đáp ứng được một phần công việc, tôi bắt đầu được lãnh đạo cho thử sức với vai trò dẫn chương trình trực tiếp phát thanh Ca nhạc theo yêu cầu, giao lưu với thính giả nghe đài. Đây là chương trình được đánh giá nhàn hơn so với các anh chị đồng nghiệp dẫn talkshow hay đọc, dẫn các chương trình chính luận. Nhưng bấy nhiêu đó đối với một cô gái hơn 20 tuổi luôn được ba mẹ bảo bọc, không va chạm nhiều với đời và kỹ năng sống khá khiêm tốn như tôi cũng được xem là một bước ngoặt lớn. Vì sự tin tưởng của lãnh đạo cơ quan, tôi nỗ lực học từ các anh chị đồng nghiệp, tham khảo cách dẫn của MC các đài bạn và luôn chuẩn bị thật nhiều câu hỏi để khi giao lưu với thính giả không bị “bí” câu, từ. Tuy bên ngoài trông tôi khá dạn dĩ nhưng thực chất tôi là người rất nhút nhát và thiếu tự tin. Mỗi khi bước vào một vai trò mới, tôi thường mất ngủ vì lo lắng.

Biên tập viên Thanh Thúy (bìa trái) cùng đồng nghiệp trải nghiệm chương trình phát thanh trực tiếp tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH)

Biên tập viên Thanh Thúy (bìa trái) cùng đồng nghiệp trải nghiệm chương trình phát thanh trực tiếp tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH)

Tôi nhớ, những ngày đầu tiên dẫn trực tiếp phát thanh là cuối năm. Trên đường từ nhà đến cơ quan, tôi luôn phải mặc áo khoác để tránh gió lạnh. Nhưng khi khoảng cách từ bên ngoài với phòng thu chỉ 1 bước chân cũng khiến cơ thể tôi bắt đầu tăng nhiệt độ, như người đang nóng sốt. Khi nhạc hiệu bắt đầu vang lên, tôi hồi hộp đến không thở được nhưng vẫn cố gắng không để đồng nghiệp và thính giả biết mình thiếu tự tin. Rồi 60 phút cũng trôi qua... tôi quen dần với công việc mới.

Dẫn chương trình trực tiếp chắc chắn không thể tránh khỏi những tình huống “khó đỡ” nhưng để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý. Trải qua nhiều bài học để rồi tôi nhận ra rằng: “Không bài học nào giống bài học nào”. Có những bài học nhẹ nhàng, nhưng có những bài học đắt giá nhất đó chính là lỗ hổng kiến thức, nói sai vấn đề nào đó khiến không chỉ thính giả mà lãnh đạo cũng cảm thấy mất niềm tin vào người dẫn chương trình và tôi từng mắc lỗi như thế. Mỗi lần nói sai, sau khi đã nhận trách nhiệm trước lãnh đạo, tôi không ngừng dằn vặt bản thân và quyết tâm học hỏi để làm giàu vốn kiến thức…

Rồi có tình huống thính giả nói những lời không hay, không đẹp trên sóng, bày tỏ bức xúc cá nhân… với chương trình. Lúc như thế, vì muốn an toàn, kỹ thuật viên vội kéo cần âm thanh xuống để ngăn chặn những câu từ không hay tiếp theo. Còn người dẫn chương trình như tôi thì như “á khẩu”, không biết phải xử trí thế nào... Nhưng sau vài tình huống như thế, tôi đã có những cuộc tranh luận với đồng nghiệp. Tôi không muốn chọn cách xử lý như vậy. Điều đó dễ dẫn đến sự ức chế của thính giả khi giao lưu chương trình, còn đối với người nghe đài, họ chỉ thấy được sự bất lực và kém cỏi của MC. Đây là chương trình trực tiếp, phải chấp nhận bất cứ mọi tình huống có thể xảy ra với chương trình. Từ đó, tôi bắt đầu bình tĩnh, không cắt sóng mà tiếp tục nhẹ nhàng trò chuyện và hướng thính giả đến những điều tích cực. Dần dần, tôi không cảm giác mình là MC, thính giả là thính giả, mà phần giao lưu là cuộc trao đổi giữa 2 người bạn, chia sẻ điều mình biết, mình trải qua. Tôi luôn dặn lòng, không phải là MC thì gì cũng hay, cũng biết, cũng giỏi nên tránh sự giáo điều, “dạy dỗ” thính giả trên sóng mà chỉ khéo léo đưa ra quan điểm cá nhân để xoa dịu nỗi buồn, an ủi, động viên họ một cách nhẹ nhàng.

Biên tập viên Thanh Thúy (bên phải) cùng đồng nghiệp BPTV thực hiện chương trình Âm nhạc và cuộc sống

Biên tập viên Thanh Thúy (bên phải) cùng đồng nghiệp BPTV thực hiện chương trình Âm nhạc và cuộc sống

Đến lúc này, tôi không thể nhớ mình đã lên sóng bao nhiêu lần, giao lưu với bao nhiêu thính giả, nhưng có một điều tôi không bao giờ quên. Đó là, công việc nào cũng cần học hỏi, trau dồi, bổ sung kiến thức. Đặc biệt với nghề dẫn chương trình, phải luôn giữ được năng lượng, tinh thần lạc quan và sự bình tĩnh, không để cảm xúc riêng ảnh hưởng đến công việc chung.

Thế nhưng, có một lần tôi không thể làm được điều đó…

Đó là lúc 15 giờ 15 phút ngày 8-11-2010. Khi chương trình bắt đầu 15 phút, trong lúc đang phát bài hát, tôi nhận được cuộc điện thoại từ gia đình thông báo ba tôi đã qua đời. Tôi như chết lặng, đầu óc trống rỗng, mắt hoa dần nhưng không dám rời sóng mà vẫn giao lưu với thính giả tiếp theo. Các đồng nghiệp như nhận thấy sự bất thường của tôi và hỏi lý do vì sao. Lúc này, tôi không kiềm nén được và khóc òa. Tôi đã được ê-kíp cho rời sóng và MC còn lại cáng đáng tiếp chương trình. Tôi không kịp gặp ba lần cuối, nhưng tôi biết ba sẽ không trách đứa con gái nhỏ vì đã luôn sống có trách nhiệm và hết mình với công việc.

Ê-kíp tạo nên chương trình, MC là linh hồn của chương trình, còn thính giả là người quyết định chương trình “sống thọ” bao lâu. Vì thế, tôi không thể để mình mất năng lượng hay cảm xúc riêng làm ảnh hưởng đến chương trình. Có những lúc tâm trạng không tốt, nhưng khi đèn on air bật sáng cũng là lúc tôi bỏ lại hết những chuyện không vui, chú tâm làm tốt vai trò của mình để mỗi chương trình lên sóng đều đáp ứng yêu cầu.

Có lẽ, nhiều người biết tôi sẽ đặt câu hỏi: một người biết hát khi mới 4 tuổi, đứng trên sân khấu lớn để thi thố từ năm 9 tuổi và đoạt giải ba Tiếng hát truyền hình Bình Phước từ năm 15 tuổi, thì việc dẫn chương trình có gì khó khăn? Nhưng không, tôi có thể hát một lúc 10 bài mà không sai lời, lạc giọng, nhưng chỉ cần cầm micro nói một câu thì vấp đến 2, 3 lần và không nhớ là mình đang nói gì. Thời học Cao đẳng Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, các bạn đều đi học khóa MC để thêm tự tin và có thể phát triển ở lĩnh vực mới, riêng tôi cho rằng mình với chiều cao khiêm tốn, ngoại hình lại không bắt mắt, trí nhớ không tốt thì học MC cũng không có cơ hội để vận dụng. Nhưng đến nay, thực tế đã chứng minh điều ngược lại…

Cuộc đời luôn trao cho chúng ta cơ hội, một bước ngoặt mới mở ra thì hãy đón nhận. Nếu không đi thì làm sao đến đích? Hãy dấn thân để biết rằng, chúng ta có thể còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa.

Thanh Thúy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/145479/mot-buoc-ngoat