Một buổi đọc sách với nhà văn
Những ý tưởng hay nhất thường đến vào ban đêm, cứ như ban đêm cô trở thành một con người hoàn toàn khác vậy. Anh ta sẽ bảo đó là lối mòn. Anh ta sẽ chuyển chủ đề và bắt đầu một câu mới với từ 'Anh…'. Anh ta sẽ nói: 'Anh có những suy nghĩ rõ ràng nhất vào ban ngày…'.
Cô không sao ngủ được khi biết anh ta sẽ đến Phổ, đến Allenstein, rất gần cô thôi. Cô miệt mài nghiền ngẫm tất cả những khả năng có thể biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Cô sẽ tới sân ga ở một thị trấn vô danh, và anh ta sẽ đi ngang qua cô từ chiều ngược lại. Anh ta sẽ nhận ra cô với vẻ hết sức ngạc nhiên. Cũng có thể như thế này: Cô sẽ đi dọc theo con đường đầy nắng ở một khu chợ nào đó ở Allenstein và anh ta đi từ phía ngược lại. Rồi anh ta sẽ nhận ra cô. Anh ta sẽ run rẩy nhấc chiếc mũ sáng màu ra. Cô sẽ chìa tay về phía anh ta, bình thản, bởi cô đã đi quanh khu chợ hàng giờ chỉ để gặp được anh ta. Nhưng cũng có thể là hoàn toàn khác. Có thể họ đón anh ta từ nhà ga và đưa thẳng đến khách sạn; có thể hôm đó trời sẽ mưa; có thể anh ta sẽ không tới, sẽ hủy chuyến đi vào phút chót…
Sáng ra, cô bất ngờ bảo muốn đi Danzig thăm bố vài ngày. Johann đưa khăn ăn lên miệng chấm chấm, không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên. Từ ngoài đường, tiếng xe ngựa vọng vào. Mùi hương mượt như nhung của hoa tử đinh hương đang nở rộ trước nhà đã ngập tràn căn phòng.
Vậy là cô đi. Tới ga Danzig, cô mua vé đến Allenstein. Cô phát hiện ra rằng Allenstein và Venice bổ khuyết cho nhau. Sau mười năm, chúng bỗng trở thành hai thái cực. Là Bắc và Nam. Là giữa trưa và nửa đêm. Là khô nóng và ẩm ướt. Là quá khứ và khi không còn ý niệm về thời gian. Là nhìn về phía sau và nhìn lên phía trước. Là sự gặp gỡ của những điều trái ngược.
Lần đầu gặp gỡ, anh ta bảo: “Tôi là nhà văn”, nhưng điều này không quan trọng với cô. Chỉ khi thấy cái phòng tắm trong khách sạn, cô mới nghĩ mình thực sự biết anh ta. Chính là cái phòng tắm của khách sạn chứ không phải thứ nào khác, kể cả cái đêm thân mật ấy, đã giúp cô bước vào bên trong con người anh ta. Chiếc khăn vắt ngang bồn tắm, dao cạo râu, bàn chải, chiếc hộp đựng xà bông bằng gỗ-những vật bất động đó là nhân chứng cho sự tồn tại của cơ thể một con người. Chạm vào những thứ đó khi anh ta còn đang ngủ làm cô đột nhiên cảm thấy xúc động. Cái tĩnh lặng buổi sáng khiến người ta thấy bối rối sau một đêm yêu đương.
Cô luôn nhớ lại khoảnh khắc đó. Có lẽ đó là khởi đầu cho tình yêu trong cô. Chẳng phải yêu là thấu hiểu một con người đó sao? Có phải vì lý do này mà mọi người khao khát tìm hiểu cơ thể của nhau, không phải vì khoái cảm hoan lạc, mà là để tiến đến gần nhau nhất có thể được?
Nhà ga ở Allenstein hóa ra nhỏ hơn cô nghĩ. Tới khách sạn, làm như vô tình cô hỏi nhân viên lễ tân: “Có phải là nhà văn T. sẽ tới khách sạn này tối nay không?”.
“Đúng thế. Ông ấy sẽ có buổi đọc sách ở đây vào ngày mai. Vâng, chiều mai”.
Rồi anh ta chỉ vào chiếc chìa khóa treo dưới số I La Mã, bảo: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn một phòng cao cấp dành riêng cho ông ấy”.
Cô hỏi: “Có thật ông ấy nổi tiếng đến thế không?”.
Anh ta đáp như thể câu nói của mình đã trả lời cho tất cả: “Vợ tôi đã đọc tất cả các tác phẩm của ông ấy”.
Cô lên phòng, nghĩ mình vẫn còn khá nhiều thời gian, nên có thể ra ngoài mua sắm, ngắm nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trên các ô cửa kính của các cửa hàng và ngắm cái rộng lớn tạm bợ của khu chợ, hay ngồi uống ly nước chanh dưới một chiếc ô nào đó. Cô đội mũ vào, nhưng lại nhanh chóng nằm vật xuống giường, tay vẫn cầm chiếc ô.
* * *
Họ đi bộ cả ngày quanh thành phố. Venice oi ả và ẩm thấp. Những con kênh bốc mùi hôi thối. Anh ta liên tục nói, như để chứng minh với cô rằng anh ta đang tồn tại, rằng anh ta mang trong mình dòng máu của những thương nhân Hanse. Cô không tin những gì anh ta nói, rằng không phải ai cũng có thể trở nên thú vị. Nó phi logic. Cô nghĩ thế giới là một đám đông và một số ít cá nhân đơn lẻ, một số ít thôi. Với cô, con người giống như một làn sóng, không thể phân biệt được, ngoại trừ những người cô yêu. Mà yêu tất cả mọi người là điều không thể.
Chỉ khi họ cùng nhau ngồi xuống đâu đó, như trong quán cà phê, trên một chiếc ghế trên bãi biển trống trải, hay trên những tấm gỗ ở cầu cảng, thì ánh mắt họ mới gặp nhau. Buổi tối, họ thường ngồi cùng những người khác trên bậc thềm. Lá cây chuyển vàng dưới ánh đèn đem lại ảo giác về một nơi xa xôi ít ai ngờ tới.
Rồi cô tới ngôi nhà đó. Ngôi nhà ẩn trong vạt ngưu bàng. Cô bí mật tiến tới chỉ để nhìn thấy anh ta. Đột nhiên cô thấy mình hiện ra thật lộ liễu. Cô vội chui vào vạt cây ngưu bàng, đi xuyên về phía vườn sau. Ánh sáng hắt ra từ cửa sổ phòng khách. Có lẽ anh ta đang tiếp khách. Chỉ thấy môi, miệng những người bên trong cửa kính mấp máy. Người phụ nữ kia, người phụ nữ xinh đẹp trong bộ đồ màu xanh, là vợ anh ta. Cô ta liên tục mỉm cười. Cô ta kiểm soát mọi thứ thật tốt! Anh ta không có mặt trong phòng khách. Anh ta không có mặt ở đó. Lá ngưu bàng bỗng trở nên sắc cạnh, chích vào da cô đau buốt.
Cô chợt tỉnh! Thì ra chiếc mũ rơm đang chọc vào cổ. Cô đứng dậy soi gương. Đôi mắt đã ngấn nước và hơi sưng lên. Thời gian...
* * *
Allenstein chỉ là nơi nên đến, chứ không để sống, bởi nó là nơi duy trì trật tự của nước Phổ và nỗi u sầu của châu Á. Cô chậm rãi đi về phía nhà ga. Sân ga trống vắng, chỉ có một chàng trai trẻ với bó hoa trên tay, một người phụ nữ cùng hai đứa con đang ngồi trên băng ghế, một du khách nhìn qua là biết luôn muộn giờ tàu. Sau cô là một nhóm người chắc là đại diện cho Allenstein đón chờ sự xuất hiện của một nhà văn. Tiếp theo đó là một nhóm học sinh khá đông. Nhà ga đột nhiên huyên náo.
* * *
“Thật là lạ!”-Anh ta bảo khi họ chia tay ở Venice, nắm lấy tay cô, nước mắt dâng lên. Anh ta bảo: “Thật ngu ngốc, khóc ư? Chúng ta sẽ gặp lại nhau thôi”. Cô đã nghĩ anh ta sẽ cầu hôn cô khi ấy. Cô nghĩ: “Thật ngu ngốc, cầu hôn ư? Dù sao chúng ta cũng sẽ ở bên nhau”. Giờ thì bất kỳ khả năng nào khác cũng đều là không tưởng.
Rồi cô hiểu rằng anh ta đang khóc vì chính anh ta. Trong bức thư thứ năm, anh ta viết: “Anh đã viết cho em bốn bức thư, nhưng lại không gửi chúng đi. Chúng khoét sâu thêm vết thương lẽ ra phải bắt đầu lành. Em thật xinh đẹp và tươi tắn, như thể cả thế giới này không thể chạm được vào em. Em như từ một nơi nào khác tới, như một thiên thần. Càng không có em, anh càng mong có được em”. Cô thấy lá thư này thật khó chịu, dù không biết tại sao. Như thể nó được viết cho người khác.
* * *
Chàng trai trẻ với bó hoa đứng vụt dậy từ băng ghế. Đám người ở sân ga lao xao. Cô chợt hiểu rằng tất cả những người này đang đợi nhà văn T., rằng anh ta đã không còn là của cô nữa, rằng anh ta cũng thuộc về người khác.
Tàu vào ga. Tim cô đập mạnh. Đôi môi khô nẻ. Cô lùi ra phía sau tấm biển hiệu nhà hàng và hạ tấm voan che mặt xuống. Tàu dừng bánh. Đám đông đột ngột di chuyển về phía đầu đoàn tàu. Chàng trai trẻ với bó hoa đi đầu, gần như chạy.
Cô chỉ nhìn thấy anh ta khi anh ta đi ra cửa ga, đám đông vây quanh. Cô ngạc nhiên khi thấy anh ta nặng nề hơn, phàm tục hơn và vụng về hơn. Vẫn là khuôn mặt cô từng biết rất rõ đó, nhưng giờ thì có khác, thực tế hơn. Anh ta trở thành nhân vật trung tâm, trầm tĩnh như không còn gì có thể khiến anh ta ngạc nhiên được nữa.
Bây giờ không phải là lúc... Hãy để sau! Tim cô chùng xuống. Cô đi theo đám đông ở một khoảng cách an toàn cho tới khi họ bước vào xe.
* * *
“Trong đời không gì quan trọng với anh hơn viết văn. Anh biết em sẽ hiểu điều đó”. Lá thư cuối cùng cô nhận được từ anh ta kết thúc như vậy. Cô không hiểu. Cô có tiền. Anh ta có thể sống cùng cô ở Venice hoặc bất cứ nơi nào khác và viết. Có lẽ đó mới là vấn đề. Có lẽ trình độ văn hóa của cô là chưa đủ, hay gia đình cô chưa đủ tốt. Cô nhớ rằng khi nghe thấy từ “giáo sư”, anh ta đã vểnh tai lên, nghiêm người lại. Thật kỳ lạ! Chưa đầy một năm sau thời gian ở Venice, anh ta kết hôn với con gái một giáo sư. Cô không tin rằng đó là tình yêu; hẳn phải có những động cơ thầm kín nào đó và sẽ là khởi đầu cho một câu chuyện ngu ngốc.
Cô viết cho anh ta một lá thư dài và chẳng bao giờ nhận được hồi âm. Anh ta chắc đã vò nát lá thư và ném nó vào sọt rác. Cũng có thể anh ta đã đốt nó. Anh ta cũng không bao giờ viết cho cô nữa. Rồi anh ta đã kết hôn và có con. Còn cô thì đọc tất cả những gì anh ta viết với suy nghĩ ám ảnh rằng anh ta viết cho cô, rằng đó là cách anh ta giải thích câu nói khủng khiếp của mình: “Trong đời không gì quan trọng với anh hơn viết văn”.
* * *
Buổi đọc sách với nhà văn T. diễn ra tại nhà hát thị trấn. Cô tìm một chỗ ngồi cách xa cái bàn phủ vải nhung đỏ. Anh ta bước vào. Cô lại nhớ tới đôi chân trần của anh ta, trần trụi hơn bất kỳ lời thú nhận nào. Cô mường tượng ra cảnh anh ta đi chân đất ngang qua khán phòng.
Anh ta đã già, đã thay đổi. Anh ta ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành nhưng anh ta chẳng nói gì về thị trấn, không cười với khán giả đang say mê lắng nghe bên dưới, không nhìn họ, cũng chẳng cảm ơn họ… và không biểu cảm trên khuôn mặt. Anh ta nói rõ ràng, rành rọt, và đơn điệu. Anh ta hẳn là muốn nói chuyện với họ như một người hùng, một nhà văn nổi tiếng ở châu Âu, khôn ngoan và trung lập một cách khắc kỷ. Chắc hẳn anh ta coi việc ẩn nấp phía sau sự mập mờ là một đức tính, sang trọng mà quý tộc. Điều này đã quá quen thuộc với cô. Thật thú vị, nhưng cô biết chắc rằng chiếc mặt nạ có thể rơi ra bất cứ lúc nào. Sự tương phản chính là những gì đem lại điều thú vị.
Anh ta kết thúc. Mọi người đứng dậy, vỗ tay. Vài người bước tới. Anh ta rút ra một cây bút và cúi xuống chồng sách. Cô bước ra ngoài, vội vã trở về khách sạn, cảm thấy cô đơn gấp bội, gần như là tuyệt vọng.
Ở quầy lễ tân không có ai. Cô tự lấy chìa khóa phòng mình, nhưng một cách vô thức cô lại với lấy chiếc chìa khóa treo dưới số I La Mã. Cô rón rén mở cửa phòng anh ta. Trên chiếc giường cỡ lớn là chiếc vali mở toang, bên cạnh là ba bản in cuốn sách mới nhất của anh ta, rất mới, có thể giấy còn chưa dọc. Trên bệ rửa mặt trong phòng tắm vẫn đặt chiếc hộp gỗ đựng xà bông cạo râu. Là mùi hương xà bông quen thuộc, dù rằng nó không còn tạo được ấn tượng mạnh như cô đã nghĩ.
Đúng lúc đó, có tiếng động ở tầng dưới. Cô vội lao ra khỏi căn phòng.
Khi cô tới quầy thanh toán thì mọi người đang lục tục trở về từ buổi đọc sách. Cô nghe tiếng anh ta đang nói điều gì đó. Anh chàng nhân viên lễ tân tự hào thì thầm: “Đó là nhà văn T. Vợ tôi đã đọc hết các tác phẩm của ông ấy”.
Cô muốn quay lại nhìn, nhưng không thể. Cô đứng yên đó, chỉ hai bàn tay là cử động… để đếm tiền.
Cô bước vào trong xe như người kiệt sức. Người đánh xe hỏi: “Ta đi đâu đây, thưa cô?”.
Cô đáp nhanh: “Tới nhà ga”.
Ở các thị trấn như Allenstein, mọi thứ đều bắt đầu và kết thúc tại nhà ga.