Một cách đóng góp cho làng thơ Việt

Cuốn “Chân dung 111 nhà thơ Việt Nam” của Nguyễn Cảnh Ân là một tác phẩm đặc biệt, có độ dày gần 200 trang, được viết hoàn toàn bằng thơ và cũng là tác phẩm mới nhất của ông. Các khuôn mặt thơ hiện đại được ông tạo dựng khá thành công.

Ông tâm sự: “Cảm hứng và truyền cảm hứng là giá trị lớn nhất, cao cả nhất của thi ca, do thi ca đem lại. Nhờ cảm hứng và truyền cảm hứng mà thi ca có tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của mỗi người và toàn xã hội”. Ông nêu bằng chứng: Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, thơ Tố Hữu có vai trò rất lớn qua những câu thơ: "Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa tới đó thì chưa hiểu mình"; "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai...". Ở một chừng mực đáng kể, thơ về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật cũng tác động đến tinh thần của những người lính, chẳng hạn như hai câu thơ: "Thế đấy ở chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ" (trong “Tiếng bom ở Xeng Phan”), và: "Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp/ Mang hình những người những cảnh hôm nay/ Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối/ Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay" (“Lửa đèn").

Nguyễn Cảnh Ân đã dùng thơ để dựng lại chân dung cả trăm nhà thơ. Đây cũng là sở trường và thế mạnh của Nguyễn Cảnh Ân, một nhà thơ đồng thời là nhà giáo. Ông đã đọc rất nhiều, đọc rất kỹ tác phẩm của họ, để hiểu họ, để đồng cảm với họ, để đồng hành với họ, để rút ra những nét tinh hoa, những khoảnh khắc xuất thần của họ. Ông bảo: “Nếu dạy học là nghề thì viết văn, làm thơ là cái nghiệp của tôi. Một khi đã là nghiệp thì chỉ biết hết lòng với nó, phụng sự nó mà thôi!”.

Không phải ngẫu nhiên ông chọn 6 câu thơ trong “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán để nhắc nhở mình phải luôn trung thực, khách quan khi viết “Chân dung 111 nhà thơ Việt Nam”: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”.

Thơ viết về chân dung các nhà thơ Việt Nam của Nguyễn Cảnh Ân có nhiều bài mới mẻ, đáng nói. Đây là những câu thơ viết về Huy Cận: "Ai tình tự buồn đêm mưa/ Thu rừng vàng nẻo đẹp xưa, nhạc sầu/ Tràng giang vạn lý tình đau/ Ngậm ngùi áo trắng sáng màu chiều mơ/ Thả hồn đi giữa đường thơ”… Đây là những câu thơ viết về Phạm Tiến Duật: “Con chim lửa của Trường Sơn/ Cây săng lẻ của núi non rừng già/ Vầng trăng quầng lửa sáng lòa/ Ở hai đầu núi vẫn ta với mình”. Đây là những câu thơ viết về Quang Dũng: “Tây Tiến dừng quán ven đường/ Làng đồi đánh giặc vẫn vương dáng Kiều/ Mây đầu ô bay phiêu diêu/ Sông Mã gầm cả buổi chiều ngả nghiêng”. Còn đây là những câu thơ viết về Bùi Giáng: “Đi có thơ, đứng có thơ/ Ngủ ra thơ, thở ra thơ một thời/ Cuộc đời là cuộc đời ơi/ Còn hai con mắt khóc người một con”... Đây là những câu thơ viết về nhà thơ Trần Huyền Trân: “Mười năm cứ độc hành ca/ Buồn uống rượu với Tản Đà mà vui/ Mặc cho sóng dập gió vùi/ Trên trời, dưới đất, tiến - lui là gì?”.

Đó là những câu thơ gan ruột và rất giàu cảm xúc về các thi sĩ nước Việt. Điều lạ là những bài này đều lấy chất liệu từ những bài thơ và những câu thơ của các tác giả để gọi tên từng tác giả một cách vừa chuẩn xác, vừa có lý, vừa có tình. Theo tôi “Chân dung 111 nhà thơ Việt Nam” cũng là một cách đóng góp cho làng thơ Việt của Nguyễn Cảnh Ân. Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Cảnh Ân có khá nhiều tác phẩm viết về chân dung các nhà thơ Hải Phòng và Việt Nam. Trong mảng sách này, ông là người giữ kỷ lục trong làng xuất bản nước ta. Đó là “Chân dung thi nhân Hải Phòng” (2 tập), “Chân dung các nhà giáo, nhà thơ Hải Phòng”, “Chân dung thi nhân Việt Nam (2 tập), “Chân dung 111 nhà thơ Việt Nam”...

Theo Báo “Hànôịmới”

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202206/mot-cach-dong-gop-cho-lang-tho-viet-b441273/