Một cách làm hay
Những ngày qua, một trong những cảnh báo được nhắc tới nhiều, đó là bệnh sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát.
Theo thông tin từ các cơ quan y tế, dịch SXH đã xuất hiện và diễn biến phức tạp ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Năm nay, dịch bệnh SXH đến sớm hơn và số ca mắc tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018.
Đến thời điểm này, cả nước đã có gần 80.000 người mắc bệnh SXH, có 6 trường hợp tử vong. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước... Tại phía Bắc, dịch SXH cũng đang diễn biến rất phức tạp và có dấu hiệu lan nhanh tại một số quận thuộc phía Tây Hà Nội như Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm.
Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có vaccine phòng bệnh SXH. Biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, diệt muỗi trưởng thành, ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày. SXH cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Như vậy, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là thực hiện việc ngăn chặn muỗi phát sinh và truyền bệnh. Ở Hà Nội, vào mùa muỗi sinh sản, cơ quan y tế đã tổ chức định kì phun thuốc muỗi, đặc biệt là ở các vùng có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Đây là biện pháp cần thiết, song nhiều khi tác dụng chưa triệt để. Bởi việc phun thuốc, đặc biệt là đến từng hộ gia đình vẫn chủ yếu là theo yêu cầu, không có tính chất bắt buộc. Nhiều gia đình còn e ngại khi phun thuốc diệt muỗi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người và vật nuôi, nhất là các con thú cưng.
Có gia đình chỉ chấp nhận phun thuốc ở sân, vườn. Cũng bởi vậy làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, loại bỏ điều kiện sinh sản của chúng như những vùng nước đọng, chai lọ, bình, mảnh chum, chậu vỡ… chứa nước mưa lưu cữu vẫn là cách phòng chống muỗi sinh sản một cách triệt để nhất.
Thực ra người Hà Nội không xa lạ với những công việc phòng chống dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng. Đã có giai đoạn, như một nếp đẹp, lâu lâu người lại Hà Nội đồng loạt làm tổng vệ sinh toàn TP. Đã từ lâu, theo tinh thần Chỉ thị 04/2003/CT-UB do UBND T.P ban hành ngày 17/1/2003, việc tổng vệ sinh toàn TP được thực hiện vào 6 giờ 30 phút mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần.
Vào thời điểm đó, tất cả các cơ quan, DN, đơn vị lực lượng vũ trang của địa phương và T.Ư đóng trên địa bàn Hà Nội, các hộ gia đình tại các phường và các thị trấn trong toàn TP tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đường ngõ, công sở và khu vực cư trú, quét rác, thu dọn phế thải tồn đọng, khơi thông cống rãnh, hố ga và hàm ếch thoát nước…
Đặc biệt, ở thời điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, TP thường tổ chức tổng vệ sinh, với sự tham gia của mọi người, từ các vị lãnh đạo, cán bộ công chức đến người dân các khu dân cư, làng xóm. Cái lợi của việc thực hiện tổng vệ sinh toàn TP không chỉ là làm sạch môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh mà còn làm cho người dân ý thức rõ hơn về nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như sự cần thiết của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống trong sạch của gia đình mình và cộng đồng. Nó không chỉ khiến muỗi cùng các loại côn trùng gây hại không còn điều kiện sinh sản mà còn làm cho người dân có ý thức, trách nhiệm hơn, không xả rác hay đổ nước thải bừa bãi…
Hiện tại, ở nhiều khu dân cư, làng xóm… vẫn giữ được nếp đẹp này. Tuy nhiên, cũng đã lâu Hà Nội không phát động một cuộc ra quân đồng loạt của cán bộ, Nhân dân làm tổng vệ sinh, dọn dẹp TP.
Tổng vệ sinh toàn TP với sự tham gia của mọi tầng lớp người dân là một cách làm hay, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Đây là hoạt động cần khôi phục và phát huy, không chỉ trong thời điểm dịch SXH đang đe dọa bùng phát này. Nên chăng, cùng với việc làm vệ sinh sáng thứ Bảy hàng tuần tại các khu dân cư, TP thường xuyên phát Ngày toàn dân tham gia tổng vệ sinh làm sạch môi trường, ngăn ngừa các dịch bệnh, đặc biệt là SXH phát sinh!
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mot-cach-lam-hay-348268.html